Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 19,92% so cùng kỳ, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày càng trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế.
Phục hồi mạnh mẽ
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sự phục hồi mạnh mẽ nhất phải kể đến là ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống. Chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 28,2%, trong khi cùng kỳ giảm 14,2%. Các hoạt động xã hội như giải trí ngoài trời, nhà hàng, du lịch khách sạn mở cửa trở lại từ đầu năm đã tạo điều kiện thuận lợi để các ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống tăng trưởng bứt phá ngoạn mục.
Không kém cạnh với chế biến lương thực thực phẩm, ngành hóa dược - cao su - nhựa cũng có chỉ số tăng trưởng cao khi đạt 26,5%; trước đó, cùng kỳ, mức tăng trưởng của ngành này giảm 4,3%. Điều này xuất phát từ thực tế là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sau dịch và chăm sóc xã hội tăng lên. Riêng với ngành cơ khí và sản xuất hàng điện tử, tuy mức tăng thấp hơn so với 2 ngành trên, lần lượt là 11,3% và 5,8%, nhưng phần nào cũng đã cho thấy các doanh nghiệp (DN) đã rất nỗ lực để chặn đà suy giảm, từng bước phục hồi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của kinh tế TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, TPHCM là nơi tập trung số lượng các DN chế biến lương thực thực phẩm lớn nhất nước. Các DN không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thành phố mà còn phục vụ thị trường cả nước, cũng như xuất khẩu. Từ tháng 3 đến nay, lũy kế chỉ số sản xuất ngành lương thực thực phẩm và đồ uống đã lấy lại đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, nếu 3 tháng đầu năm nay, mức tăng chỉ đạt 3,2%, thì đến 6 tháng, mức tăng trưởng đã đạt 7%; đến 9 tháng, mức tăng đã chạm 28,2% và dự kiến đến cuối năm mức tăng có thể đạt trên 30%.
Bắt tay giữ đà tăng trưởng
Có thể nói, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… song song với chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ đang giúp nhiều công ty Việt Nam tăng tốc trong sản xuất.
Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), chia sẻ, hiện các công ty thành viên của CNS đang đàm phán lại các đơn hàng cung ứng cho năm 2023. Nhìn chung các công ty khá lạc quan với nhu cầu đặt hàng từ thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khu vực châu Á. Trường hợp Công ty CP Cao su Bến Thành là một điển hình. Hiện dòng cao su kỹ thuật phục vụ trong ngành ô tô, kiếng, tấm lót sàn… đang rất được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Ai Cập... Gần đây nhất, ban giám đốc công ty đã trực tiếp sang Hoa Kỳ để đàm phán đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này. Dự kiến, đây sẽ là đơn hàng “khủng” trong năm 2023. Trong tương lai 2-3 năm tới, công ty cũng sẽ đầu tư thêm nhà xưởng và dây chuyền sản xuất, băng tải để tăng công suất gắn với đa dạng hóa kích thước sản phẩm băng tải tiêu thụ. Trước đó, Công ty Cơ khí chính xác CNS Amura - công ty thành viên khác của CNS - cũng đã đàm phán xong đơn hàng cung ứng cho Tập đoàn TTI có trị giá 5 triệu USD.
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho rằng, để có thể giữ vững đà tăng trưởng, duy trì và cao hơn là mở rộng thị phần xuất khẩu, DN cần cập nhật các thông tin mới và hướng dẫn, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. Bên cạnh đó, DN cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Quan trọng hơn, cần bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan ban ngành để chủ động đáp ứng các thay đổi trong thương mại quốc tế.
Ở góc độ khác, sự phục hồi ấn tượng của sản xuất công nghiệp còn đến từ những chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của thành phố. Phải kể đến như thành phố phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 DN công nghiệp hỗ trợ với tổng mức đầu tư gần 2.337 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 1.300 tỷ đồng. Bình quân số vốn đầu tư một dự án là 73,003 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 41,016 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phát triển về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cụ thể, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và vận hành cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ thành phố.
Nhìn chung, ngành công nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn đã ổn định. Các cơ sở, DN hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. “Tuy nhiên, giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng làm chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của DN, sự hỗ trợ kịp thời từ phía thành phố sẽ là cơ sở nền tảng để DN và chính quyền thành phố khắc phục khó khăn, giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.