Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông

Sáng ngời hào khí chống ngoại xâm

(ĐTTCO) - LTS: Quân đội Mông Cổ với lực lượng kỵ binh thiện chiến, đánh đâu thắng đấy nhưng cả 3 lần xâm lược Đại Việt, với 1 triệu quân, thì đại bại. Chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính “kéo” về Vân Nam. Toa Đô, dũng tướng khét tiếng của Mông Cổ bị rơi đầu.

(ĐTTCO) - LTS: Quân đội Mông Cổ với lực lượng kỵ binh thiện chiến, đánh đâu thắng đấy nhưng cả 3 lần xâm lược Đại Việt, với 1 triệu quân, thì đại bại. Chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính “kéo” về Vân Nam. Toa Đô, dũng tướng khét tiếng của Mông Cổ bị rơi đầu.

Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt, trở thành vật tế sống ở mộ các vua Trần... Lịch sử dân tộc đã ghi những chiến công oanh liệt của quân dân thời Trần vào thế kỷ thứ 13, như lời thơ hào sảng của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử giết quân thù/ Thái Bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.

Trận đánh kinh động cả thế giới

Năm 1206 Thành Cát Tư Hãn lên làm vua, xây dựng Nhà nước phong kiến Mông Cổ trở thành một đế quốc lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử. Quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã xâm lược rất nhiều nước châu Âu và châu Á. Ở châu Âu vó ngựa Mông Cổ đã tiến đến Ba Lan và Đức, Hungari và tới sát Ý vào năm 1242, khiến cả lục địa già chấn động. Ở phía Nam quân Mông Cổ chiếm Trung Quốc, Cao Ly, tấn công Nhật Bản…, hình thành đế quốc Mông Cổ rộng mênh mông từ bờ biển Hắc Hải đến tận Thái Bình Dương.

Năm 1257, chúa Mông Cổ là Mông Kha tế cờ trên bờ sông Kê-Ru-Len rồi xuất quân đánh nhà Tống (Trung Quốc). Nguyên sử (Trung Quốc) quyển 209 - chép rằng: “Ngột Lương Hợp Đài (Hốt Tất Liệt chiếm được nước Đại Lý để Ngột Lương Hợp Đài ở lại toan đến đánh chiếm Giao Chỉ), đóng binh ở phía Bắc Giao Chỉ, sai 2 sứ giả sang trước để dụ. Vua Trần Thái Tông không những không chịu đầu hàng mà cho bắt giam sứ Mông Cổ”. Thấy sứ giả không trở về, Ngột Lương Hợp Đài bèn mang quân uy hiếp nước An Nam. Khi quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Đài tấn công Bình Lệ, vua Trần Thái Tông tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha tên đạn, ra vào trận giặc, sắc mặt như thường.

Thế giặc mạnh, quân ta lui về giữ ở sông Lô. Giặc bắn tên như mưa xuống thuyền của vua, tướng Lê Phụ Trần liền lấy ván thuyền để chắn tên cho vua. Trước sự hung hãn và mạnh mẽ của quân giặc, vua Trần dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thái sư trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả”. Để tránh sức mạnh ban đầu của giặc, quân ta chỉ để lại một bộ phận chặn giặc và làm nghi binh, còn đại quân được lệnh rút về Hưng Yên, Thiên Trường, Long Hưng...

Kinh thành bỏ trống, Nhân dân trong thành Thăng Long được lệnh làm theo kế “Thanh Giã” (vườn không nhà trống). Quân Mông Cổ tiến vào thành Thăng Long mới phát hiện cả thành trống rỗng, Ngột Lương Hợp Đài tức giận cho quân cướp bóc, tàn phá kinh thành, giết cả những nam phụ lão ấu trong thành do không sơ tán kịp. Khi quân Mông Cổ tiến đến Cổ Sở (nay là Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) Nhân dân ở đây đã đoàn kết chiến đấu, đánh cho chúng một trận tơi bời, xác giặc ngổn ngang, lũ cướp nước tan tác bỏ chạy. Không có lương thảo, binh sĩ mỏi mệt, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, quân xâm lược Mông Cổ lâm vào tình thế tiến lui đều gặp khó khăn. Nắm chắc thời cơ thuận lợi, ngày 24 tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ 7 (29-1-1258), vua Trần Thái Tông cùng thái tử Hoảng chỉ huy lâu thuyền ngược dòng Thiên Mạc phá tan giặc ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại kinh thành.

Bị đánh bật khỏi thành Thăng Long, quân Mông Cổ quay đầu rút chạy về Vân Nam. Đang lúc chỉ mong thoát thân thì chúng lại bị đồng bào dân tộc vùng núi ở trại Quy Hóa theo trại chủ là Hà Bổng đổ ra tập kích. Bị đánh bất ngờ, quân giặc bỏ chạy tháo thân và bị thiệt hại nặng nề về người, vũ khí, quân trang. Cuộc chiến đấu và chiến thắng năm Nguyên Phong thứ 7 do vua Trần Thái Tông và Tướng quốc Trần Thủ Độ chỉ huy được ghi trên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Phá cường địch, báo hoàng ân

Sau khi đánh đổ nhà Nam Tống (1279) chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, quân Mông Cổ ngày càng trở nên hùng mạnh. Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, chuẩn bị những cuộc viễn chinh mới để thực hiện mưu đồ thống trị thế giới. Ở phía Đông chúng chuẩn bị đánh Nhật Bản, phía Nam âm mưu chiếm các nước Đông Nam Á, rồi tiến đánh Ấn Độ... Hốt Tất Liệt huy động một đội quân tinh nhuệ, đông tới 60 vạn người do con trai của y là Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy. Bên cạnh Thoát Hoan còn có hàng chục viên tướng nổi tiếng khác đó là A-Rích-Kha-A, Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Lý Quan, Toa Đô...

Năm 1282 Hốt Tất Liệt cử Toa Đô dẫn 10 vạn quân tấn công Chiêm Thành, sau đó Thoát Hoan đem quân tấn công nước Đại Việt ở phía Bắc, tạo thế gọng kìm kẹp quân ta vào giữa hai đạo quân Mông Cổ để tiêu diệt. Trước âm mưu xâm lược của Nhà Nguyên ngày càng lộ rõ, tháng 10 (1282) vua Trần tổ chức hội nghị Bình Than cùng triều đình và các vương hầu bàn kế chống giặc. Trần Quốc Toản tuổi còn nhỏ, không được dự họp, đã bóp nát quả cam cầm trong tay mà không biết. Sau đó Quốc Toản trở về lập một đội quân hơn nghìn người, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền chờ ngày giết giặc cứu nước. Trên lá cờ của người thiếu niên anh dũng đó có 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua). 

...Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường đãi yến Ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo làm giàu mà quên việc nước. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang, tiền của dẫu nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù,  lúc bấy giờ chủ tôi nhà ta cùng bị bắt đau xót biết chừng nào. Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu... Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không?

Lời hịch của Trần Quốc Tuấn

Tháng 8 năm Giáp Thân (1284) quân ta hội quân tại bến Đông Bộ Đầu tổng cộng có trên 20 vạn quân duyệt binh, sau đó các tướng Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải... được lệnh đem quân trấn giữ các vùng xung yếu trong nước để đề phòng quân Nguyên tràn sang. Sau đó vua Trần cho triệu tập hội nghị Diên Hồng lịch sử, nhằm động viên sự nhất trí chống giặc trong Nhân dân. Vua hỏi các bô lão: “Thế giặc mạnh, chúng ta nên hòa hay nên đánh?”. Trả lời cho câu hỏi của vua Trần là tiếng hô vang của hàng vạn phụ lão “Đánh, Đánh”. Hội nghị Diên Hồng là một cuộc họp mặt đại biểu rộng khắp của toàn dân - độc nhất vô nhị trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

 Trần Quốc Tuấn đã làm bài Hịch khua động lòng dân, khơi dậy nhuệ khí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy quân sĩ hừng hực dũng khí. Không một người lính nào không thấy vinh dự khi được hy sinh cứu nước. Các chiến sĩ và nhiều người dân đã tự chích vào tay hai chữ Sát Thát (Giết giặc Mông Cổ) để nói lên quyết tâm của mình.

Cuối năm 1284 Thoát Hoan tiến quân vào nước ta, giặc chia quân làm 2 mũi đánh vào Tuyên Quang và Lạng Sơn. Quân ta chủ động chặn giặc ở Lạng Sơn rồi lui vào khu vực ở Lạng Giang và Vạn Kiếp. Thoát Hoan liền chia quân làm ba mũi ý định vây chặt quân ta để tiêu diệt. Với thế mạnh như chẻ tre, quân giặc tưởng chừng như đè bẹp ngay được quân dân Đại Việt, nhưng với thiên tài quân sự của mình, Trần Quốc Tuấn đã nhận định: “Nguyên binh khí nhuệ đang hưng, kíp đánh chẳng bằng kiên thủ chờ suy”. Sau đó quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng theo 2 hướng Thăng Long - Thiên Trường và một bộ phận rút về hướng Quảng Yên để giặc lầm tưởng vua quan triều Trần chạy ra biển.

Không thèm làm vương đất Bắc

Ngày 13 tháng Giêng (19-2-1285), quân Nguyên tiến vào kinh thành Thăng Long đã bị bỏ trống. Toa Đô lúc này được lệnh đem quân từ Chiêm Thành tiến ra, Thoát Hoan cho Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển để tiếp ứng cho Toa Đô từ phía Nam đánh ra. Tướng Trần Quang Khải dùng lối đánh chặn từng bước, đã chặn đứng được quân Toa Đô ở giáp giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An, ngăn không cho chúng ra Bắc.

Tháng 2 (1285) địch cho quân tiến xuống Hưng Yên, Hà Nam, Thiên Trường, truy kích đại quân của vua Trần. Tại bãi Đà Mạc (Hưng Yên) tướng Trần Bình Trọng được lệnh chặn quân truy đuổi của giặc để vua và đại quân di chuyển về Thiên Trường, Thanh Hóa. Khi đại quân Nguyên tới, Trần Bình Trọng tả xung hữu đột chiến đấu, nhưng vì địch đông ta ít nên cuối cùng ông bị sa vào tay giặc. Thoát Hoan muốn dụ hàng nên hỏi ông rằng: “Có muốn làm vương đất Bắc không?” Trần Bình Trọng quát lên: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”… Thoát Hoan thấy không dụ được ông liền sai quân đem chém. Vua, quan, quân triều đình nhà Trần nghe tin Trần Bình Trọng tử tiết ai cũng tỏ lòng thương xót.

Đi đôi với kế “Vườn không nhà trống”, khắp nơi dân binh kết hợp với quân lính nhà Trần tổ chức đánh úp, đánh tỉa, đánh phục kích các toán quân địch đi sục sạo cướp bóc lương thảo.

Do chủ quan tưởng có thể thắng nhanh, quân Nguyên không tải theo nhiều lương thực vì thế bị thiếu ăn, lòng quân ngày càng hoang mang dao động. Hai mũi quân giặc do Thoát Hoan và Toa Đô chỉ huy lại không kết hợp được với nhau. Để gỡ thế bí, Thoát Hoan thúc giục Toa Đô nhanh chóng tiến ra Bắc để hội quân với y cho có thêm sức mạnh tiếp tục tấn công Đại Việt. Nắm được ý đồ của giặc, thấy thời cơ đã đến. Vua Trần và Trần Quốc Tuấn quyết định nhằm đạo quân Toa Đô để đánh trận phủ đầu tiêu diệt địch.

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự

Đạo quân Toa Đô đánh nhau với Trần Quang Khải ở Thanh Hóa và Nghệ An mãi không thắng được, lương thực ngày một kiệt quệ. Nhận lệnh của Thoát Hoan phải ra Bắc hội quân nên y cùng Ô Mã Nhi xuống thuyền vượt biển để ra Thăng Long. Vua Trần và Trần Quốc Tuấn chủ trương không để cho giặc hội quân vì thế đến tháng Tư (1284) đã cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm tướng chỉ huy, Trần Quốc Toản làm phó tướng cùng tướng quân Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân phục kích ở khu vực bến Hàm Tử (thuộc Đông An, Hưng Yên). Quân ta dựa vào lau sậy mọc um tùm 2 bên bờ sông để đón đánh thuyền giặc.

Trận địa mai phục vừa xong thì thuyền chiến của Toa Đô dẫn xác tới. Quân ta từ nhiều phía bổ vây địch. Lúc đó, trong đội quân của tướng Trần Nhật Duật còn có Triệu Trung là tướng nhà Tống (đầu quân trong đạo quân của Trần Nhật Duật) mặc áo, đeo cung tên như quân Tống, cũng tham gia chiến đấu rất dũng mãnh đánh đuổi quân Nguyên.

Bị đánh úp bất ngờ quân Nguyên hoảng loạn nhảy xuống sông và bị thiệt hại rất nặng. Số quân còn lại theo Toa Đô rút ra cửa biển Thiên Trường. Thời cơ đã đến, Hưng Đạo Vương và vua Trần chủ động tấn công thành Thăng Long. Thực hiện sách lược đã được vạch ra, quân ra đã đánh một trận rất lớn và rất tài tình, đó là trận: Chương Dương. Quân ta bí mật đánh úp, áp sát thủy trại giặc. Bị bất ngờ, quân giặc đạp lên nhau mà chạy lên bờ để trốn về thành Thăng Long. Quân ta truy sát địch tới sát chân thành. Thoát Hoan vội đem đại quân ra tấn công, quân ta giả vờ thua chạy, địch đuổi theo liền bị phục binh của Trần Quang Khải đổ ra đánh, quân Nguyên phải bỏ thành Thăng Long chạy qua sông Hồng, rồi đóng quân tại vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh).  Trần Quang Khải đem quân vào thành Thăng Long, cảm khái trước sự dũng mãnh của dũng sĩ và Nhân dân, ông đã viết: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử giết quân thù/ Thái Bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.

Trận Tây Kết diễn ra vào tháng 5-1285, quân ta tiêu diệt toàn bộ 8 vạn quân của Toa Đô, (bắt sống hơn 5 vạn quân Nguyên và hàng trăm chiến thuyền cùng nhiều khí giới không kể xiết). Viên tướng Toa Đô bị chém rơi đầu. Tin Toa Đô bị chém, Ô Mã Nhi bỏ chạy ra biển làm cho Thoát Hoan và tướng sĩ Nguyên đều hoảng sợ, bàn cách chuồn về nước. Hưng Đạo Vương đoán biết ý đồ tháo chạy của Thoát Hoan liền sai tướng Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão dẫn 3 vạn quân phục sẵn ở bên sông Vạn Kiếp. Hai con ông là Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng Hiếu Vương Úy dẫn 3 vạn quân theo đường Hải Dương ra Quảng Yên, mục đích không cho địch chạy về châu Tư Minh (Trung Quốc).

Hưng Đạo Vương tự mình dẫn đại quân tấn công Thoát Hoan ở Bắc Giang, tiêu diệt một bộ phận lớn quân giặc. Thoát Hoan cố sống cố chết chạy về Vạn Kiếp, tưởng đã thoát thân nào ngờ y chưa kịp hoàn hồn thì bị phục binh của ta đổ ra đánh. Quân ta do tướng Nguyễn Khoái chỉ huy liên tiếp truy kích giặc. Tướng Nguyên là Lý Hằng bị bắn chết. Thoát Hoan, Phàn Tiếp, A-Bát-Xích, Lý Quán cố sức đánh mở đường máu mà chạy. Bị quân ra đuổi riết, không còn cách nào khác để thoát thân vì thế Thoát Hoan phải chui vào cái ống đồng để lên trên xe bắt quân lính kéo chạy về phía biên giới. Đến gần châu Tư Minh, tưởng đã thoát thân, quân giặc định nghỉ ngơi rồi đi tiếp nào ngờ lại bị Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng Hiếu Vương Úy “giăng rọ” chờ sẵn từ trước, đổ ra đánh. Lý Quán bị tên bắn chết ngay tại trận, còn Thoát Hoan nhờ có A-Bát-Xích cố chết bảo vệ nên chạy thoát thân về bên kia biên giới.

Với đội quân 60 vạn người, lúc đầu hùng hổ vượt biên giới kéo sang, khí thế oai phong lừng lẫy bao nhiêu thì khi về phải luồn lách, chui lủi tìm đường thoát chạy. Chỉ trong vòng 6 tháng (tháng Chạp, 1284 đến tháng 6-1285), quân dân Đại Việt đã đánh đuổi hơn nửa triệu quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đó là nhờ vua tôi đồng lòng, toàn dân quyết chí đồng tâm, đồng sức đánh đuổi quân thù để bảo vệ quê hương đất nước.

Máu nhuộm Bạch Đằng Giang

Trong lúc quân dân Đại Việt hân hoan mừng chiến thắng thì ở bên kia biên giới Hốt Tất Liệt nổi giận vì Thoát Hoan bị thất trận nặng nề. Nóng lòng cần một căn cứ để làm bàn đạp tiến hành xâm lược Đông Nam Á nên vua nhà Nguyên gấp rút cho ngừng việc tấn công Nhật Bản và sai đóng trên 300 chiến thuyền, lệnh cho 3 tỉnh Giao Hải - Hồ Quảng - Giang Tây tụ tập quân sĩ định đến tháng 8-1285 thì đem quân theo đường Châu Khâm, Châu Liêm tiến đánh Đại Việt để báo thù.

Thoát Hoan đem binh mã vây đánh Thăng Long, chiếm được thành nhưng sau lại phải rút về căn cứ Vạn Kiếp, Chí Linh, Phả Lại. Hưng Đạo Vương cũng tiến quân tới lập trại để chống chọi với giặc. Ngày Mậu Tuất, 12-12 (17-12-1287) chiến thuyền của bọn Ô Mã Nhi (xuất phát từ cảng Khâm Châu) tiến vào nước ta. Đoàn thuyền vận tải lương thực của Trương Hổ vì chở quá nặng nên bị tụt lại phía sau. Mấy ngày sau thuyền giặc qua cửa biển Vạn Ninh (Móng Cái), đến Ngọc Sơn chúng gặp tướng Nhân Đức Hầu Trần Da phục binh trên núi phục đánh. Chiến thuyền giặc liền vây bọc lại đánh nhau với quân ta và qua được cửa Ngọc Sơn.

Khi thủy quân nhà Nguyên đánh Vân Đồn, Hưng Đạo Vương đã trao quyền chỉ huy giải biên thùy cho phó tướng là Trần Khánh Dư. Nghe tin Trần Khánh Dư thua trận, vua Trần liền sai Trung sứ đến bắt Khánh Dư đưa về cửa khuyết để trị tội. Khánh Dư nói với Trung sứ rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để tôi lập công chuộc tội rồi hãy chịu búa rìu của hoàng thượng cũng chưa muộn”. Trung sứ nghe theo lời khuyên, Khánh Dư đoán biết quân chủ lực giặc đi rồi, thuyền lương tất phải theo sau, bèn tập hợp số quân còn lại bố trí phục kích chờ giặc tới. Quả nhiên mọi việc diễn ra đúng như dự đoán của vị tướng mưu trí đó.

Khi giặc tới, bất giờ thủy quân ta do Trần Khánh Dư ập tới đánh, giặc Nguyên bị thua, Trương Văn Hổ cố gắng tiến về phía đất liền, nhưng đến biển Lục Thủy (Cửa Lục, Hòn Gai) thì thủy quân ta đổ ra đánh càng đông. Trương Văn Hổ đại bại đổ cả lương thực xuống biển, trốn chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam). Theo sách Nguyên sử (Trung Quốc) thì số lương thực mất hơn 14.300 thạch. Con số đó chắc còn xa thực tế vì Trương Văn Hổ chỉ chạy thoát trên một chiếc thuyền nhỏ về Quỳnh Châu. Triều đình đã tha tội cho Trần Khánh Dư.

Quân Nguyên sau khi đại bại ở Vân Đồn lương thảo ngày càng kiệt quệ, Thoát Hoan muốn cho người về Trung Quốc cầu viện và lấy thêm lương, nhưng Hưng Đạo Vương đã sai người giữ núi Kỳ Cấp và ải Nữ Nhi ở Lạng Sơn chặn bắt những tên thám tử được phái về Trung Quốc. Cuối cùng biết rằng ở lại chỉ chuốc lấy thất bại, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước. Quân Nguyên chia làm hai đường thủy bộ để rút. Đạo quân thủy do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy theo đường sông Bạch Đằng đi trước. Đạo quân bộ gồm có Trịnh Bằng Phi, Trương Quân được giao chặn hậu để Thoát Hoan cùng A-Bát-Xích, Áo-Lỗi-Xích, Trương Ngọc tìm đường rút chạy.

Hưng Đạo Vương đoán biết được âm mưu của giặc, bèn sai tướng Nguyễn Khoái dẫn quân lẻn qua đường tắt lên mé thượng lưu sông Bạch Đằng chặt gỗ, đẽo nhọn đầu, bịt sắt, đóng trên sông rồi đặt phục binh chờ đợi đến lúc thủy triều lên thì đem thuyền ra khiêu chiến. Tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thế Nghĩa được lệnh dẫn quân lên mai phục ở ải Nội Bàng (thuộc Lạng Sơn) chờ cho quân bộ của Thoát Hoan chạy đến đó thì đổ ra đánh.

Khi chiến thuyền của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp theo dòng Bạch Đằng rút chạy thì bất ngờ tướng Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền từ bờ sông lao ra khiêu chiến. Ô Mã Nhi tức giận thúc quân xông vào đánh, Nguyễn Khoái liền quay thuyền chạy. Bấy giờ đang lúc thủy triều lên cao, mặt sông rộng mênh mang, Ô Mã Nhi cứ việc thúc thuyền đuổi theo. Nguyễn Khoái nhử cho quân Nguyên qua khỏi chỗ đóng cọc, rồi mới hô quân quay thuyền lại quyết chiến với giặc. Trận chiến trên sông diễn ra ác liệt, đúng lúc đó đại quân của Hưng Đạo Vương kéo tới tiếp viện cho Nguyễn Khoái. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quân tiếp viện rất đông, liền quay thuyền chạy trở lại. Khi chạy đến khúc sông có cọc đóng thì nước thủy triều đã rút xuống, cọc nhọn nhô lên, thuyền của quân Nguyên húc vào cọc đổ nghiêng, đổ ngửa, phần nhiều bị vỡ và đắm.

Quân ta càng đánh càng hăng, quân Nguyên phần bị chết đuối rất nhiều, phần bị trúng tên, giáo mác, máu chảy loang đỏ cả khúc sông. Quân ta bắt được hơn 400 chiến thuyền giặc. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc. Các tướng khác như Phàn Tiếp cũng bị bắt sống tại trận. Trận Bạch Đằng Giang diễn ra vào tháng 3 năm Mậu Tý (1288), mãi mãi là niềm tự hào về tài dùng binh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của tướng lĩnh và binh sĩ cùng Nhân dân thời Trần trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

Không đầy 5 tháng, quân dân ta đã tiêu diệt 30 vạn quân Nguyên, đánh bại cuộc xâm lược lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng của chúng đối với Đại Việt. Chiến thắng vang dội này còn giúp ngăn chặn được âm mưu bành trướng của đế quốc Nguyên Mông về phía Nam, mở ra thời kỳ suy vi của đế quốc Nguyên Mông.  

Các tin khác