Trong đó doanh thu từ cổ tức 1.220 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm; doanh thu tài chính 700 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch.
SCIC chủ động bán vốn
Riêng doanh thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (hạch toán riêng) đạt 2.669 tỷ đồng (bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh gần 2.200 tỷ đồng), đạt 48% tổng doanh thu thoái vốn cả nước 6 tháng đầu năm.
Việc bàn giao và nhận bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bởi SCIC chỉ là doanh nghiệp và chỉ có thể làm việc với các bộ, ngành vì họ là chủ sở hữu và là nơi quyết định việc bàn giao doanh nghiệp, chứ SCIC không thể bắt buộc được. Quy định pháp lý đã có, nhưng cần xem lại tính nghiêm minh trong việc này… Nếu các bộ, ngành thực thi nghiêm thì thuận lợi cho SCIC. Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Chủ tịch HĐTV SCIC |
Theo đại diện SCIC, trong bối cảnh vốn nhà nước mà SCIC tiếp nhận tại các doanh nghiệp chỉ chiếm 1%, thì con số và tỷ lệ thoái vốn như trên là đáng ghi nhận.
“Trong hoạt động bán vốn, các ngành khác cũng làm nhưng sở dĩ chúng tôi đạt được kết quả trên do SCIC hết sức chủ động trong vấn đề này, và tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán phát triển trong những tháng đầu năm. Trong đó chỉ riêng bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh cũng đã đạt mức giá 96.500 đồng/cổ phần” - ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC nói.
Về thoái vốn năm 2018, ông Thành cho biết thêm, tất cả các doanh nghiệp nằm trong kế hoạch đều được SCIC chuẩn bị sẵn sàng về mặt thủ tục pháp lý, tư vấn định giá, cách thức bán… để bán trong những tháng cuối năm.
Thí dụ như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex); CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco; CTCP Tập đoàn Vinacontrol… Cũng theo ông Thành, ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật, SCIC cũng phải tính toán, đo lường sức cầu của thị trường, tính toán nhu cầu để thành công khi thoái vốn. Hiện một số doanh nghiệp cũng đã tiến hành roadshow như Vinconex để mời nhà đầu tư quan tâm tham dự. Tùy từng doanh nghiệp, SCIC đưa ra phương thức bán phù hợp cho người mua.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Chi cho biết trong bán vốn nếu ngày hôm nay bán, ngày hôm sau giá cổ phiếu lên sẽ lại có ý kiến cho rằng tại sao không để hôm sau bán. Đó là điều rất khó, vì tất cả phụ thuộc vào cung cầu thị trường. Vấn đề quan trọng hơn cả là việc bán vốn phải được công khai minh bạch, xem xét tính đặc thù của từng doanh nghiệp để có phương án bán vốn khác nhau, kích thích sự tham gia của các nhà đầu tư.
Thời điểm nào đã xác định bán thì thực hiện và phải theo giá thị trường. Nếu cách thức phù hợp sẽ đạt kết quả tốt và cũng không lo ngại dù sau này giá cổ phiếu có thể giá tăng hay giảm.
Xung quanh chuyện thoái vốn nhà nước tại CTCP Nhựa Tiền Phong, theo ông Thành, doanh nghiệp này vẫn nằm trong danh sách thoái vốn, các bước đi vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong khác với CTCP Nhựa Bình Minh, là chưa mở được room cho nhà đầu tư nước ngoài, vì doanh nghiệp này có kinh doanh bất động sản. Hiện SCIC đang chờ hướng dẫn và hướng tới bán 1 lô để khóa room nhà đầu tư nước ngoài và 1 lô bán cho nhà đầu tư trong nước.
Nan giải việc chậm bàn giao doanh nghiệp
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần bàn giao hết các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC. Đây là việc đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần, song tiến độ bàn giao doanh nghiệp của các bộ, ngành còn khá chậm.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, dù SCIC tích cực thực hiện nhưng việc tiếp nhận còn có những vướng mắc và chủ yếu do các bộ, ngành. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai bên đã thống nhất bàn giao về SCIC 5 trong số 16 doanh nghiệp, nhưng đến nay chưa thể thực hiện.
Lý do là một số doanh nghiệp bị vướng theo quy định của Thông tư 118 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Nghĩa là doanh nghiệp phải xử lý xong mới được chuyển giao về SCIC. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại muốn bàn giao “cả gói” doanh nghiệp. Hay như với Bộ Công Thương, SCIC đã làm việc nhiều lần với bộ và Tập đoàn Dệt may, nhưng dù xong hết số liệu, thủ tục, Bộ Công Thương vẫn chưa ký bàn giao.