Từ ngày 1-7-214, Nghị định 42/2014/NĐ-CP (Nghị định 42) về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) của Chính phủ với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp BHĐC chính thức có hiệu lực. Để tìm hiểu rõ hơn, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Lộc, Văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự.
![]() |
-PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận như thế nào về Nghị định 42 về quản lý hoạt động BHĐC vừa được Chính phủ ban hành?
Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC: - Từ năm 2005 để quản lý hoạt động BHĐC, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Và đến nay sau 9 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 thay thế Nghị định 110. Trước hết có thể thấy Nghị định 42 định nghĩa rõ từ ngữ, cụm từ, đưa ra nhiều điều khoản chi tiết, cụ thể.
Có 4 vấn đề mới ở Nghị định 42. Thứ nhất, trình tự, thủ tục đăng ký, tạm ngừng chấm dứt hoạt động BHĐC khá chi tiết, đầy đủ. Thứ hai, việc tuyển dụng, đào tạo và quản lý người tham gia BHĐC chặt chẽ hơn. Thứ ba, việc doanh nghiệp BHĐC phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng. Đây là điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp đảm bảo hoạt động của mình. Thứ tư, có thêm chương về giám sát quản lý hoạt động BHĐC.
BHĐC đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn và nhận được sự quan tâm rất lớn từ Nhà nước cũng như công luận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác phối hợp với cơ quan truyền thông trong việc thông tin đa chiều về BHĐC so với thực tế phát triển và chuyển biến nhanh của ngành. Do đó, việc quản lý chặt, nhìn nhận đúng là điều cần thiết để các doanh nghiệp chân chính có cơ hội phát triển cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. |
- Có ý kiến cho rằng việc quy định doanh nghiệp BHĐC phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng và tiền ký quỹ 5 tỷ có phần cứng nhắc, khó khăn cho doanh nghiệp (khi thời gian chuyển đổi 6 tháng), đồng thời không công bằng cho doanh nghiệp trong nước muốn tham gia hoạt động này. Ông đánh giá sao về ý kiến này?
- Theo tôi mức này không cứng nhắc và cũng không gây khó cho doanh nghiệp và có thể còn phải nâng lên nữa. Vì sao nâng lên, vì dưới góc độ nào đó quy định cũng góp phần dẹp bớt những doanh nghiệp yếu kém. Còn với những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài và nghiêm túc tại thị trường Việt Nam, số tiền này thực ra không lớn và nằm trong khả năng tài chính của họ.
Việc ký quỹ là cần thiết và đây có lẽ chỉ là mức tối thiểu, theo thời gian cần được tăng thêm. Dưới góc độ pháp luật, vốn pháp định việc ký quỹ giống như một cam kết với cơ quan nhà nước. Còn tại sao đưa ra con số 5 tỷ hẳn các cơ quan nhà nước đã có những phân tích dưới góc độ thị trường. Cũng phải nhìn nhận, chế tài không chỉ để phạt doanh nghiệp mà để doanh nghiệp cam kết với Chính phủ, với người tiêu dùng về việc làm ăn chân chính của mình.
Còn về ý kiến đưa ra mức chung này không công bằng với nhiều doanh nghiệp trong nước muốn tham gia hoạt động BHĐC, tôi cho rằng không đúng như vậy. Chúng ta đã gia nhập WTO cũng như nhiều sân chơi chung khác, cánh cửa hội nhập đang dần mở rộng và việc cạnh tranh sòng phẳng là tất yếu, không thể có cơ chế nội địa hóa, cục bộ. Chẳng có lý do gì để nói doanh nghiệp trong nước yếu hơn nên không cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Lý lẽ này dưới góc độ luật là không hợp lý.
Ngoài ra, việc BHĐC tức sẽ có mạng lưới rộng khắp, nhiều người cùng tham gia, vì vậy nó sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều người. Và khi tác động đến cộng đồng thì cần phải được kiểm soát chặt. Hiện nay hoạt động BHĐC của Việt Nam còn khá mới, các thương hiệu mới xuất hiện liên tục nên giám sát ngay từ đầu tránh lừa đảo là rất cần thiết.
- Thời gian qua mặc dù hoạt động BHĐC được kiểm soát bởi Nghị định 110 nhưng nhiều vi phạm vẫn xảy ra, số vụ lừa đảo cũng khá nhiều. Liệu với nhiều điểm mới, Nghị đinh 42 có thể thanh lọc thị trường tốt hơn?
- Trước tiên phải nhìn nhận việc ban hành một nghị định với việc thực thi, tuân thủ là 2 vấn đề khác nhau, bởi không phải ban hành văn bản là thị trường trong sạch ngay, mà cần có sự phối hợp thực hiện đồng bộ. Theo ý kiến của tôi, để việc thực thi, giám sát có hiệu quả cần sớm ban hành thông tư liên tịch để có hướng chỉ đạo thống nhất trong điều chỉnh từng hành vi. Ngoài ra, cần tăng cường đẩy mạnh truyền thông. Chúng ta cần truyền thông để người dân hiểu cái nào đúng, cái nào sai.
Cũng có không ít trường hợp doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng thị trường lại có nhiều kẻ lợi dụng làm ăn bất chính, khiến cái nhìn chung bị lệch lạc. Vì thế bên cạnh giám sát, quản lý chặt chẽ, công tác truyền thông cũng hết sức quan trọng. Dưới góc nhìn của tôi nếu thị trường được quản lý tốt, có thể 5 năm nữa sẽ thực sự được thanh lọc. Hiện cái nhìn về BHĐC đang khá tiêu cực và để thay đổi theo chiều hướng tích cực cần phải có thời gian.
- Phía Hiệp hội BHĐC có thông tin rằng trước khi Nghị định 42 được ban hành, doanh nghiệp, hiệp hội cũng có những tờ trình để Chính phủ xem xét lại một số điều nhưng gần như không được quan tâm?
- Theo tôi với những ngành nghề mới, doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ, phải giải thích rõ những thông tin, quan điểm, những cái mới. Thực ra, cái gì cũng cần phải có lộ trình, muốn hoạt động BHĐC được minh bạch, bản thân doanh nghiệp phải làm cho nội tại của mình thật tốt, hiệp hội cũng cần có tiếng nói minh bạch và đôi khi cũng phải dẹp bỏ những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm.
Hy vọng rằng với văn bản pháp luật mới và những biện pháp chấn chỉnh của các cơ quan quản lý kinh tế, thị trường, an ninh xã hội, BHĐC, một hình thức kinh doanh khá phổ biến và tương đối ổn định ở nhiều nước trên thế giới, cũng nhanh chóng đi vào ổn định, lành mạnh ở nước ta.
- Xin cảm ơn ông.