Nếu hết ngày 18-8, doanh nghiệp vẫn chưa góp đủ vốn điều lệ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phát văn bản yêu cầu báo cáo lý do. Doanh nghiệp sẽ có ít ngày để báo cáo lại với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sẽ quyết định hình thức xử lý.
"Chúng tôi sẽ chờ hết ngày để nhận thông tin góp vốn như hồ sơ đăng ký. Nếu hết ngày mà doanh nghiệp không thực hiện, chúng tôi thông báo cho người đại diện doanh nghiệp biết để thực hiện các nghĩa vụ về điều chỉnh vốn. Hiện nay, vẫn chưa có động thái gì cả", đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết.
Trước đó, theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi) đăng ký thành lập một loạt công ty trong tháng 5-2021. Trong đó, có Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group), trụ sở tại TPHCM, vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng.
Bố cáo của công ty này cho thấy, có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Thị Diễm Hằng góp 1 tỷ đồng, Lưu Hữu Thiện góp 1 tỷ đồng và Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.999 tỷ đồng (tương đương 21,7 tỷ USD).
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định đang xây dựng một "hệ sinh thái" để phát triển vươn ra toàn cầu, dù các công ty chỉ mới thành lập từ cuối tháng 5 đến nay. Về việc huy động số vốn 499.999 tỷ đồng trong vòng 90 ngày theo quy định, ông chủ siêu doanh nghiệp này này khẳng định có rất nhiều cách như bán các sản phẩm của doanh nghiệp đang có ra thị trường; huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc bán cổ phần của công ty…
Trong buổi livestream trên Youtube trước đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói rằng: "Mọi người mong chờ sau 3 tháng trong tài khoản ngân hàng của công ty tôi có 21,7 tỷ USD hoặc hơn. Dĩ nhiên tôi có rất nhiều nguồn, nhiều cái mang về dòng tiền. Chúng tôi không phải đi tìm khách hàng, mà sẽ có một “đám khách" luôn. Vài triệu khách hàng về một lúc luôn. Con số đó là đã ra số tiền rồi đấy".
Kênh huy động thứ ba mà ông chủ doanh nghiệp này đề cập đến là từ các quỹ đầu tư thế giới vì ông này cho rằng có thể mang về “triệu triệu USD, tỷ tỷ USD” trong khi chi phí vận hành chỉ... mấy chục triệu đồng.
“Tôi có nhiều cách lắm, nhưng tôi không nói ra. Mấy chuyện này chuyện nhỏ, tôi có nhiều cách kiếm tiền lắm”, vị CEO này quả quyết.
Suốt cuộc livestream, ông này liên tục khẳng định rằng “không nổ”, “không muốn PR”. Nhưng ông này cũng khẳng định: "Nói thẳng luôn tôi chẳng có tiền gì hết trơn, nhưng tôi có chất xám. Tôi tin chất xám của tôi sẽ có ích được cho quốc gia mình".
Vào hồi cuối tháng 7 vừa qua, vị CEO siêu doanh nghiệp này cũng có buổi livestream ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) Cộng đồng USG (USG Community - United State of Global Community).
Theo kế hoạch phát triển được vị CEO này tiết lộ, chỉ trong giai đoạn 2021 - 2025, sàn TMĐT này sẽ mở rộng tới 200 quốc gia và thu hút hơn 3 tỷ người tham gia.
Cụ thể, trong năm đầu tiên từ 31-7 đến 31-12-2021, sàn này sẽ thu hút 1,6 triệu doanh nghiệp trong nước và hơn 50 triệu người dân Việt Nam tham gia. Năm thứ 2 từ 3-3 đến 31-7-2022, sàn USG sẽ có mặt tại 50 quốc gia, với 1 tỷ người tham gia.
Năm thứ 3 từ 3-3 đến 31-12-2023, công ty sẽ mở rộng triển khai trên 100 quốc gia và có khoảng 2 tỷ người tham gia. Cuối cùng là từ 3-3-2024 đến 31-12-2025, sàn TMĐT này sẽ tiếp tục phát triển mở rộng tới 200 quốc gia và có khoảng trên 3 tỷ người tham gia vào cộng đồng.
Chưa hết, ông chủ của siêu doanh nghiệp này còn cho rằng, để tham gia vào USG, thay vì miễn phí như các sàn TMĐT khác, phía GAB Group sẽ thu phí các gói duy trì tài khoản.
Với khách hàng cá nhân, các gói dao động từ 49.000 đến 199.000 đồng/tháng. Còn đối với các doanh nghiệp, phí duy trì tài khoản sẽ từ 199.000 - 999.000 đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi đơn hàng thành công, doanh nghiệp phải trả chiết khấu 5% cho sàn. Đổi lại, tuỳ theo gói tài khoản, cá nhân sẽ được USG chia 2 - 8 cổ phần, doanh nghiệp được chia 8 - 40 cổ phần của GAB Group.
Theo ước tính của vị CEO này, đến cuối năm nay, sàn TMĐT USG sẽ mang về cho GAB Group mỗi tháng 78.850 tỷ đồng tiền phí duy trì gói và 6.000 tỷ đồng từ chiết khấu đơn hàng. Tổng cộng, doanh thu của USG vào khoảng 84.850 tỷ đồng mỗi tháng. Đây là một con số doanh thu khổng lồ mà ngay cả tập đoàn hàng đầu của Việt Nam hiện nay là Vingroup cũng chưa dám “mơ” tới (năm 2020 doanh thu của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng).
Quay trở lại việc đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp này, giới Luật sư cho rằng, Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật quy định các cổ đông phải góp đủ vốn điều lệ theo đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo điểm D khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp.
Sau 60 ngày tiếp theo, nếu không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.
Bước cuối cùng, nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép sẽ bị xử lý phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
“Hiện nay, có không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như để “lòe” thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ việc góp vốn của doanh nghiệp xem họ có thực sự góp đủ vốn theo đăng ký hay không?
Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao mức xử phạt nếu doanh nghiệp không làm thủ tục giảm vốn điều lệ, mức phạt từ 10 – 20 triệu hiện nay đang áp dụng là quá thấp, rất dễ dẫn đến việc doanh nghiệp “nhờn” luật”, một vị luật sư nêu quan điểm.