SIM rác bao giờ hết “loạn”?

Theo dự thảo Thông tư về quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng thông tin di động mặt đất Bộ TT-TT đang lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân, sau thời gian 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng với doanh nghiệp di động, nếu số thuê bao đã được hòa mạng không có cước thuê bao và không phát sinh lưu lượng đi hoặc đến, giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt. Quy định này được xem là thêm một “đòn mạnh” để chống SIM rác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng điều này khó khả thi.

Theo dự thảo Thông tư về quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng thông tin di động mặt đất Bộ TT-TT đang lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân, sau thời gian 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng với doanh nghiệp di động, nếu số thuê bao đã được hòa mạng không có cước thuê bao và không phát sinh lưu lượng đi hoặc đến, giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt. Quy định này được xem là thêm một “đòn mạnh” để chống SIM rác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng điều này khó khả thi.

Trong các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ngành TT-TT sẽ tập trung quản lý thị trường viễn thông phát triển bền vững. Cụ thể tập trung quản lý khuyến mại, thuê bao trả trước theo tinh thần của Thông tư 04, đảm bảo thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích xã hội, doanh nghiệp và người dân; có chế tài quản lý chặt chẽ các doanh nghiêp cung cấp dịch vụ viễn thông; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông.

Ông NGUYỄN BẮC SON,
Bộ trưởng Bộ TT-TT

Theo kỳ vọng của Bộ TT-TT, sau khi áp dụng chính sách này, lượng thuê bao ảo sẽ giảm đáng kể, bởi một khi nhà mạng bán sim ra thị trường sau 3 tháng không phát sinh cuộc gọi đi hoặc đến sẽ bị thu hồi, các đại lý sẽ không dám ôm quá nhiều vì sợ không tiêu thụ hết.

Bên cạnh đó, các khách hàng không có nhu cầu thực cũng sẽ bị hạn chế do phải đóng tiền phí hòa mạng và bị thu hồi sim nếu không phát sinh cuộc gọi. Đặc biệt, một số lượng lớn sim đẹp đang bị mua đi bán lại trôi nổi trên các kênh phân phối cũng sẽ bị siết, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.

Tuy nhiên, những ai am hiểu thị trường viễn thông Việt Nam đều cho rằng quy định này nếu được áp dụng sẽ khó đạt hiệu quả như Bộ TT-TT mong muốn. Bởi với các thuê bao mua sim mới để hưởng các chương trình khuyến mại từ các nhà mạng, thời hạn 3 tháng là quá dài cho tuổi thọ của một chiếc sim.

Thậm chí, nếu muốn duy trì số điện thoại trên hệ thống, chỉ cần nhắn một vài tin nhắn hoặc một cuộc gọi để được coi là phát sinh lưu lượng. Một thí dụ có thể thấy từ nhà mạng Viettel, khi mạng này đã áp dụng chính sách tương tự cho gói cước Tomato: trong 60 ngày nếu không phát sinh lưu lượng, số thuê bao sẽ tự động bị thu hồi nhưng số lượng sim rác vẫn không hề giảm.

Chọn mua sim. Ảnh: CAO THĂNG

Chọn mua sim. Ảnh: CAO THĂNG

Hy vọng dọn dẹp sim rác của các đại lý, công ty viễn thông sẽ trở nên khó khăn khi lợi nhuận vẫn là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp và mối quan hệ giữa hai thành phần trên là “đôi bên cùng có lợi”. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông muốn tăng doanh thu đều phải nâng chiết khấu cho các đại lý.

Ngược lại, các đại lý muốn có lợi nhuận cao phải mua sỉ với số lượng cao. Chính vì vậy, quy định trên nếu đi vào thực hiện sẽ khiến “đôi bên cùng thiệt”, nên chắc chắn sẽ gặp sự phản đối từ các đại lý, còn doanh nghiệp cũng không cảm thấy vui.

Còn nhớ, cách đây hơn nửa năm, VinaPhone ra một “đòn” mạnh tay với sim rác khi quy định sẽ thu hồi sim sau 2 năm lưu hành nhưng không kích hoạt. Thế nhưng, quy định này đã gặp phải sự phản ứng rất mạnh từ các đại lý và cho đến nay vẫn chưa hết tranh cãi.

Trên thực tế, vấn nạn sim rác đã khiến cơ quan chủ quản đau đầu từ nhiều năm nay. Đã có hàng loạt biện pháp được đưa ra, như quy định phải đăng ký khi mua sim, mỗi cá nhân chỉ được sở hữu 3 sim/mạng, thu hồi SIM không kích hoạt…

Thậm chí theo Thông tư 04 của Bộ TT-TT, từ ngày 1-6-2012 một loạt điều sẽ bị cấm như: cấm mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn; không được sử dụng sim đa năng để đăng ký thông tin thuê bao; chủ thuê bao phải trực tiếp đến đăng ký thông tin thuê bao...

Đặc biệt quy định chủ thuê bao khi đến đăng ký thông tin thuê bao phải xuất trình CMND (hoặc hộ chiếu), giấy giới thiệu cùng với bản sao giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao… đã khiến các chủ thuê bao... không thực hiện vì quá rắc rối. Vì thế đến nay, tình hình không được cải thiện là bao, người dùng vẫn dễ dàng mua sim mà không cần một thủ tục khai báo nào.

Theo nhiều chuyên gia, các mạng di động chỉ cần không khuyến mại vào sim mới là giải quyết được vấn nạn "mua sim thay thẻ", mà không cần thiết phải áp đặt thu phí hòa mạng thuê bao trả trước hay các quy định ngặt nghèo của Bộ TT-TT. Tuy nhiên, một khi hình thức này còn là yếu tố sống còn trong việc phát triển thuê bao mới của các mạng di động, đồng thời mang lại lợi ích lớn cho cả 3 bên: khách hàng, doanh nghiệp và các đại lý sim thẻ, xem ra cuộc chiến với sim rác vẫn còn rất lâu dài.

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2012 của ngành TT-TT, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng nhìn nhận sau khi Thông tư 04 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực, vẫn tồn tại việc sim trả trước đã được kích hoạt sẵn bán tràn lan. Bộ TT-TT cho biết sẽ yêu cầu Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT-TT và các đơn vị liên quan giải quyết từ gốc, chế tài ngay các nhà mạng để xảy ra tình trạng này. Vì đây chính là nguồn cung cấp, kích hoạt sim đa năng (có chức năng đăng ký thông tin cho thuê bao di động) ra thị trường.

Các tin khác