Singapore Còn nước còn tát

(ĐTTCO) - “Chúng ta sẽ không trở lại một thế giới giống như trước Covid-19. Quá trình phục hồi vẫn sẽ mất thời gian và không suôn sẻ. Chúng ta có thể thấy những làn sóng lây nhiễm và gián đoạn tái phát. Hơn nữa, sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các ngành. 
Một số lĩnh vực sẽ dần phục hồi, trong khi những lĩnh vực khác bị thay đổi vĩnh viễn. Chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để xây dựng nền kinh tế mới, tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho người dân".
Đó là nhận định của Bộ trưởng Công Thương Chan Chun Sing trong bài phát biểu qua buổi họp báo trực tuyến sau ngày lễ Quốc khánh 9-8. Trong đó ông chính thức công bố kinh tế Singapore giảm 6,7% trong nửa đầu năm và tỷ lệ này có thể nằm trong khoảng 5-7% cả năm 2020. 
Trong bài phát biểu này, ông Chan cũng nêu những thách thức phát sinh do đại dịch. Đó là những biến động trong môi trường địa chính trị sẽ tác động đến Singapore, căng thẳng giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, xu hướng tái tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng, thay đổi trong cách thức tổ chức sản xuất và tiếp thị, nguy cơ thất nghiệp do thay đổi hình thức làm việc, xung đột xã hội giữa tầng lớp người giàu và nghèo, giữa người nước ngoài và dân bản địa.
Singapore Còn nước còn tát ảnh 1 Du khách tham qua Công viên Sư tử biển ngày 10-6. 
Thách thức lớn nhất là những thay đổi này diễn ra rất nhanh và chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, ông Chan cho rằng việc đứng yên thụ động không thể là sự lựa chọn. Chính phủ sẽ làm mọi việc có thể giúp người dân, doanh nghiệp (DN) đối đầu và vượt qua những thách thức phía trước, để Singapore không chỉ tồn tại, còn phát triển trong bối cảnh môi trường mới.
Ông Chan cho biết Singapore sẽ mở cửa kinh tế theo hướng an toàn, bền vững, từng bước và có hệ thống; đồng thời học cách quản lý rủi ro từ các hoạt động khác nhau và đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn cho các hoạt động có rủi ro cao hơn. Kế đó, chính phủ sẽ giúp DN và người lao động (NLĐ) hiểu và thích nghi với thế giới mới. Để làm được việc này, Singapore xác định 3 nhóm DN cần được hỗ trợ. 
Nhóm đầu tiên là DN có cơ hội, có thể có/không hưởng lợi nhờ Covid-19. Chính phủ sẽ tạo động lực để giúp các DN này phát triển vì họ sẽ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội hơn cho NLĐ. Cụ thể đó là những DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), dược phẩm sinh học (biopharma), chuỗi cung ứng và kỹ thuật chính xác. Sự cạnh tranh cho các khoản đầu tư mới trở nên khốc liệt hơn nên chính phủ sẽ tiếp tục tạo và cung cấp môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho các DN mới thành lập và để họ đầu tư lâu dài.  
Nhóm thứ hai là những DN gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm nhưng cuối cùng sẽ phục hồi. Chính phủ sẽ giúp duy trì các năng lực cốt lõi của các DN này, giúp họ vươn lên mạnh mẽ hơn. Một trong những biện pháp cụ thể là hỗ trợ về dòng tiền từ chương trình trả lương cho NLĐ trong DN, cho đến các chương trình hỗ trợ tiền thuê. Chính phủ chuyển hướng hỗ trợ theo hướng giúp DN tạo ra doanh thu mới và tiết kiệm chi phí. 
Nhóm thứ ba là DN trong những ngành đã thay đổi vĩnh viễn được chính phủ giúp tái tạo lại thị trường mới và sản phẩm mới. Cụ thể đó là những DN du lịch thị trường đại chúng, Mice (hội họp, hội nghị và triển lãm) và các công ty giải trí xã hội. Theo ông Chan, đây là nhóm khó nhất. Vấn đề là phải thích nghi với tình hình mới, DN nào thích nghi và thay đổi càng nhanh, khả năng phục hồi sẽ càng sớm.
Thông điệp nói trên của người đứng đầu ngành công thương, cùng với những biện pháp chính phủ Singapore đưa ra sau khi thực hiện xong giai đoạn cách ly toàn xã hội, cho thấy đảo quốc này luôn cố gắng cân bằng giữa việc đảm bảo an toàn trong đại dịch, nhưng vẫn chuẩn bị sẵn sàng để tạo tiền đề nắm bắt những cơ hội trong lúc chờ đại dịch qua đi. Một trong những sáng kiến khiến nhiều người dân Singapore phì cười nhưng sau đó lại hoan nghênh, là gói kích cầu du lịch nội địa trị giá 45 triệu SGD khuyến khích người dân chi tiêu tại các quán ăn, cửa hàng và các điểm tham quan giải trí. Với tên gọi Tái khám phá Singapore, chiến dịch kích cầu kéo dài 9 tháng này kêu gọi người dân ủng hộ du lịch nội địa, khuyến khích người dân cùng khám phá những khía cạnh mới lạ mình chưa biết đến.
Trên trang web SingapoRediscovers, người dân có thể thấy các lời chào mời hấp dẫn về ẩm thực và  lưu trú khách sạn nằm trong số 80 chương trình khuyến mại và  nhiều chương trình khác sẽ được bổ sung trong 9 tháng. Các khu vực như Phố Tàu và Tiểu Ấn sẽ được tiếp thị như những điểm đến để người dân địa phương tái khám phá, với các tour đi bộ và sách hướng dẫn về khu phố, bao gồm các lựa chọn mua sắm và giải trí trong khu vực. Tập đoàn phát triển Sentosa (SDC) trong tuyên bố chung với  Cục Du lịch Singapore (STB) và Enterprise Singapore, cho biết người dân sẽ được miễn  phí vào đảo Sentosa. Theo SDC, các gói lưu trú khách sạn với các hành trình theo chủ đề sẽ sớm được triển khai và khoảng 80% các điểm tham quan và khách sạn trên đảo đã được mở cửa trở lại.
Lễ hội ẩm thực Singapore và Chương trình Đại khuyến mại trong năm nay lần đầu tiên sẽ được tổ chức trên mạng. Một số chiến dịch thực phẩm và đồ uống cũng sẽ được triển khai để hỗ trợ các quán ăn, nhà hàng và quán bar, đồng thời thu hút sự ủng hộ của khách hàng trong thời gian thấp điểm. Một sáng kiến khác đáng được tham khảo, là kế hoạch tái tạo mô hình sự kiện Mice bằng cách sử dụng công nghệ để tổ chức các sự kiện quy mô lớn. Nếu không có gì thay đổi, 2 hội nghị diễn ra vào cuối năm nay tại Singapore sẽ có tới 50 người tham dự tại chỗ và 1.000 người tham dự qua mạng. Để làm được các hoạt động này, STB đã kết hợp với DN như các nền tảng đặt vé du lịch Expedia và Klook, cũng như các nhóm lợi ích và hiệp hội thương mại. 
Đây không phải lần đầu tiên Singapore thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch trong nước. 45 triệu SGD là số tiền lớn chưa từng có cho hoạt động tiếp thị của STB trong 1 năm. Nhưng theo ông Keith Tan, Giám đốc điều hành của STB, điều đó là phù hợp vì cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ đòi hỏi nỗ lực lâu dài để tránh những tổn thất quá lớn về công ăn việc làm của người dân và thúc đẩy phục hồi ngành du lịch.  
Trả lời phỏng vấn của nhật báo The Straits Times, ông Tan cho biết trong năm 2018 người Singapore đã chi  34 tỷ SGD cho các chuyến du lịch nước ngoài và mục tiêu của STB sẽ khai thác một phần ngân sách đi du lịch của người dân chưa được dùng đến.  Ông Tan kêu gọi: "Số tiền bạn sẽ chi tiêu ở nước ngoài vào kỳ nghỉ, chẳng hạn như cuối năm bạn đến Nhật Bản hoặc Thái Lan, thay vào đó hãy tiêu một phần nhỏ số tiền đó ở Singapore". 
Singapore, ngày 14-8-2020

Các tin khác