SJC không có lợi trong vấn đề chênh lệch giá vàng

(ĐTTCO) - Đây là phát biểu của đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuối tuần qua.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.

SJC: giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng. 

Vấn đề chênh lệch giá vàng, công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN. Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ-gần 400 tỷ/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ lãi ròng. Như vậy, công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của TP, Ủy ban Nhân dân TP giao để có quỹ lương cho người lao động. 

Về giá vàng trên thị trường, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường. 

Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện. Tất cả những khuyến mại, hậu mãi của miếng vàng miếng SJC đều thực hiện đúng quy định.

Bà Lê Thúy Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới. 

Theo bà Lê Thúy Hằng, vàng miếng SJC vẫn thể hiện được chất lượng, uy tín của mình và được khách hàng lựa chọn. Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng sẽ được thị trường và người dân lựa chọn. 

Đánh giá về Nghị định 24, bà Lê Thúy Hằng cho biết, hiện nay vẫn có hiệu lực, có tác dụng làm cho thị trường ổn định và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 10 năm qua, SJC cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong việc hậu mãi vàng và bảo vệ uy tín của thương hiệu quốc gia. Cùng với đó, Nghị định 24 ban hành cũng làm cho các hoạt động về nữ trang đi vào ổn định, không còn chuyện làm, kinh doanh những nữ trang thấp tuổi. Nghị định 24 đã giúp ổn định thị trường vàng của Việt Nam. 

Bà Lê Thúy Hằng cam kết, Công ty SJC luôn tuân thủ hoạt động của mình trong việc quản lý của Chính phủ, Nhà nước và mong muốn có sự cạnh tranh công bằng. 

Ông Đỗ Minh Phú Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI cũng cho biết, đứng về phương diện kinh doanh, không có DN nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại. Các DN, các NH đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được. 

Sửa đổi Nghị định 24 phải trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng

Cũng tại cuộc họp này, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho biết, liên quan tới quy định về hoạt động kinh doanh có điều kiện, tổng thể Luật Đầu tư và Nghị định 24 đều có thể thống nhất. Hoạt động kinh doanh vàng là tên ngành nghề nằm trong Luật Đầu tư, còn cụ thể ngành nghề gì thì có nhiều mảng, từ câu chuyện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, vàng miếng, độc quyền của Nhà nước... 

Theo ông Tạ Quang Đôn, với sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ thì cần có đủ điều kiện, thực hiện kinh doanh, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ cần tuân thủ Nghị định 24, các giấy phép, sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu Luật cũng đã quy định là lĩnh vực độc quyền nhà nước. Không chỉ đặt vấn đề về Nghị định 24 mà còn phải mở rộng ra Luật Đầu tư. Luật Đầu tư nêu rõ ngành nghề kinh doanh có điều kiện như vậy, cũng nên đặt vấn đề chỉnh sửa Nghị định 24 về mặt kỹ thuật, chứ không chỉnh sửa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Muốn sửa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải liên quan đến Luật, quy trình làm Luật lại không do NHNN quyết. 

Ông Đỗ Minh Phú chia sẻ. Nghị định 24 sau 10 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm này có thể đánh giá là sự thành công rất lớn. 

Trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Quyết định của NHNN về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nếu NHNN không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên, vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế. 

Ông Phú cho rằng, Nghị định 24 đến giờ vẫn chưa hết vai trò lịch sử. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng; mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức. Sau khi Nghị định 24 ra đời, NHNN và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi... Đây cũng là một thành công rất lớn của Nghị định 24.

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng, trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả vô cùng tốt, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn NHNN xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24.

Đánh giá tổng kết, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, vấn đề cốt lõi về Nghị định 24, các ý kiến đều đánh giá Nghị định 24 rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng

Ngoài ra, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được đảm bảo hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng. Qua các ý kiến có một số nội dung của Nghị định 24 cần cân nhắc. Theo một số đơn vị kinh doanh vàng, đối với vàng trang sức mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước, nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu.

Nghị định 24 đã có khuôn khổ pháp lý cho nhập vàng nguyên liệu, nhưng vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, NHNN quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Việc này NHNN sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro.

Một vấn đề cần quan tâm đó là, nếu nhập khẩu vàng miếng để sản xuất vàng mỹ nghệ đem lại giá trị gia tăng lớn hơn vàng miếng. Vàng trang sức, mỹ nghệ càng tinh xảo thì giá trị càng cao. Nếu nhập vàng nguyên liệu về để phát triển vàng thị trường trang sức mỹ nghệ lành mạnh thì đóng góp cho kinh tế và tăng trưởng, giúp người dân có thể sử dụng vàng trang sức mỹ nghệ giá rẻ hơn. Nhưng tránh trường hợp nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất trang sức mỹ nghệ nhưng nếu sử dụng dưới hình thức vàng miếng thì nó sẽ tác động như thế nào đến kinh tế vĩ mô?

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. "Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội", Thống đốc nhấn mạnh

Các tin khác