KTS trong tiếng Anh là Digital economy, hoặc đôi khi được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (web economy).
CNTT có còn là ngành kinh tế quan trọng?
Thuật ngữ KTS lần đầu tiên được đề cập bởi giáo sư và nhà kinh tế học người Nhật Bản trong thời kỳ suy thoái của nước này những năm 1990. Ở phương Tây, thuật ngữ KTS được đề cập bởi Don Tapscott (1995) với tên gọi Nền kinh tế kỹ thuật số với cuốn sách tựa đề “Lời hứa và sự nguy hiểm trong kỷ nguyên của trí thông minh mạng”.
Cuốn sách này là một trong những cuốn sách đầu tiên xem xét internet sẽ thay đổi cách chúng ta kinh doanh như thế nào.
Tóm lại, KTS là số hóa để kết nối nhà sản xuất, sản phẩm và người mua. Theo Thomas Mesenbourg (2001) và phân ngành của bảng cân đối liên ngành của Việt Nam (Tổng cục Thống kê), có thể đưa ra 3 nhóm ngành chính thuộc về KTS, bao gồm sản xuất (phần cứng, phần mềm...), viễn thông và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).
Ngành CNTT-Thông tin (TT) nước ta phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Nhà nước trong các dự án và chương trình phát triển CNTT quốc gia (đầu tư nhà nước chiếm khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư vào CNTT-TT). Tổng đầu tư CNTT-TT tăng nhanh trong giai đoạn 2000-2010, sau đó giảm dần từ năm 2010 đến 2019.
Tỷ lệ đầu tư vào CNTT trong tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế liên tục giảm trong giai đoạn 2000-2018. Năm 2000, đầu tư vào ngành CNTT chiếm 5%/tổng đầu tư vào nền kinh tế. Con số này ổn định ở khoảng 3,6% từ năm 2005-2010 và sau đó giảm mạnh.
Hiện tại, vốn đầu tư vào lĩnh vực CNTT-TT chỉ bằng 1,38% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Do đó, dù các tài liệu chính sách khẳng định CNTT-TT là ngành kinh tế quan trọng, nhưng vốn đầu tư đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Điều này có thể phần nào giải thích vì sao tỷ trọng giá trị tăng thêm nhóm ngành CNTT giai đoạn 2005-2010 chiếm trong GDP khoảng 3,2%, nhưng tỷ lệ này giảm 0,6% trong giai đoạn 2011-2019 (2,6% GDP).
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), chỉ số phát triển về CNTT (IDI) của Việt Nam trong năm 2016 và 2017 không có sự thay đổi về thứ hạng, vẫn xếp thứ 108/176 quốc gia với số điểm 3,18/10 năm 2016 và 4,43/10 năm 2017, tức mức điểm dưới trung bình. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đứng trên Indonesia, Campuchia và Lào.
Nhóm ngành CNTT tạo kích thích ngành khác
Sự quan trọng tương đối của một ngành hoặc một nhóm ngành đối với nền kinh tế, về cơ bản không phải tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành/nhóm ngành đó chiếm bao nhiêu trong tổng giá trị tăng thêm (hoặc GDP), mà là mức độ liên kết ngành, liên kết của nhà sản xuất và người sử dụng cuối cùng.
Đo lường tầm ảnh hưởng của một ngành thường thông qua chỉ số lan tỏa và độ nhậy của ngành/nhóm ngành đó đối với nền kinh tế. Kết quả cho thấy hoạt động viễn thông có chỉ số lan tỏa đến sản lượng sản xuất trong nước cao nhất, tiếp đến là dịch vụ ICT (sự kết hợp giữa truyền thông và viễn thông) và sản xuất ICT (1,65; 1,64, 1,35).
Những ngành khác có mức độ lan tỏa thấp nhất đến sản xuất do các ngành này trong nền kinh tế cơ bản là sản xuất gia công, dù cơ quan chức năng có đưa ra quy định gì bản chất vẫn là gia công. Sản xuất của hoạt động viễn thông cũng lan tỏa cao nhất đến sản lượng các ngành khác trong nền kinh tế (0,46 lần), chứng tỏ mức độ quan trọng tương đối của hoạt động này với nền kinh tế cao hơn các hoạt động khác.
Ngược lại cầu cuối cùng của các ngành khác cũng không lan tỏa nhiều đến nhóm ngành CNTT do đầu vào của nhóm ngành này cũng cơ bản nhập khẩu.
Tính toán cho thấy, sự thay đổi các ngành trong nền kinh tế khi giá trị sản xuất CNTT tăng lên 2% và 5%. Khi giá trị sản xuất ngành CNTT tăng 2% sẽ kích thích GDP tăng trưởng 1,21%, còn khi giá trị sản xuất ngành CNTT tăng 5% sẽ lan tỏa đến tăng trưởng GDP 3,02%. Những ngành trong nền kinh tế có mức bình quân lớn hơn 1 là những ngành được kích thích từ sự tăng trưởng của ngành CNTT.
Nhóm ngành CNTT Việt Nam là nhóm ngành kinh tế nhỏ về mặt đóng góp vào GDP của nền kinh tế. Nhưng nhóm ngành CNTT có thể là yếu tố thúc đẩy các ngành khác của nền kinh tế.
Nếu tổng sản phẩm cuối cùng kích thích đến giá trị tăng thêm 1 triệu đồng, sản phẩm cuối cùng của CNTT kích thích giá trị tăng thêm các ngành khác của nền kinh tế 290.000 đồng (29%). Trong khi đó ở chiều ngược lại, sản phẩm cuối cùng của các ngành khác lan tỏa đến giá trị tăng thêm nhóm ngành CNTT chỉ 0,6%.