Sở hữu chéo là vấn đề khá bình thường trên thế giới, nhưng luật các nước đều yêu cầu minh bạch để thị trường và cổ đông giám sát. Ở nước ta cũng đã có những quy định hạn chế sở hữu chéo và yêu cầu công khai việc này, nhưng lại bỏ ngỏ khâu giám sát và chế tài, dẫn đến việc sở hữu chéo ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm lũng đoạn thị trường nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Lỗ hổng giám sát
Điều 118 của Luật Doanh nghiệp quy định, các đối tượng là thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc và những người có liên quan (người thân) phải công bố về tỷ lệ sở hữu của mình và người có liên quan ở các tổ chức khác, dù tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn hay nhỏ; đồng thời phải công bố lợi ích có liên quan.
Để chống được tình tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, tiền đầu tư vào ngân hàng phải được giám sát là đồng tiền “sạch”. Cá nhân hay tổ chức muốn đầu tư vào ngân hàng phải lý giải, chứng minh lấy nguồn tiền ở đâu ra. Các nước trên thế giới quy định rất chặt chẽ những vấn đề này. Việt Nam có quy định nhưng không có nghị định hướng dẫn. Lần này Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm uốn nắn vấn đề này. Theo đó, nếu phát hiện sẽ buộc các ông chủ ngân hàng phải dần thoái vốn, nếu có gian lận sẽ tịch thu xung công quỹ và mức nghiêm trọng có thể xử lý hình sự. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Thí dụ, ông A. đang quản lý ở công ty A, khi vợ ông A là chủ công ty B có ký hợp đồng với công ty A thì bắt buộc công ty A phải công bố lợi ích có liên quan, tức công bố thông tin về giao dịch hợp đồng đó. Với quy định này, bất cứ doanh nghiệp nào là công ty đại chúng đều phải thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, để chống chuyển giá, Luật Thuế yêu cầu doanh nghiệp phải tự công bố tất cả lợi ích thuế có liên quan đến ban tổng giám đốc doanh nghiệp đó. Nếu cơ quan thuế phát hiện những giao dịch mua bán có liên quan đến ban tổng giám đốc nhưng không kê khai sẽ phạt rất nặng.
Như vậy, có những quy định pháp lý rất cụ thể để cổ đông, nhà đầu tư và thị trường có thể giám sát được vấn đề sở hữu chéo và các lợi ích liên quan đến sở hữu chéo. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua trên thị trường không có doanh nghiệp hay cá nhân nào công bố những thông tin này và cũng không có ai giám sát để xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này.
Thời gian qua trên thị trường chứng khoán (TTCK) rất nhiều vụ mua bán cổ phiếu (CP) diễn ra âm thầm giữa các doanh nghiệp, ngân hàng mà đỉnh điểm là vụ thâu tóm Sacombank. Cho đến khi HĐQT và ban điều hành mới của Sacombank đã đi vào hoạt động, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới vào cuộc tuyên phạt 60 triệu đồng những công ty mua bán CP Sacombank chui, không công bố giao dịch cổ đông lớn (theo quy định mua hơn 5% phải công bố).
Vấn đề này đặt ra trách nhiệm, vai trò quản lý của UBCKNN lẫn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở đâu trong suốt thời gian diễn ra thương vụ trên, trong khi những thông tin thâu tóm, mua bán CP Sacombank đã râm ran trong dư luận trước đó?
Sở hữu kiểu đa cấp
Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) cấm TCTD cho vay đối với các đối tượng có liên quan đến ban điều hành, nhưng không có nghĩa TCTD không cho vay những công ty nào có cổ đông lớn là thành viên HĐQT, ban điều hành. Nhưng Điều 118 Luật Doanh nghiệp yêu cầu phải công bố những giao dịch đó.
![]() |
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Theo một chuyên gia ngân hàng, chính “lỗ hổng” trong giám sát việc chưa minh bạch về sở hữu chéo cũng như công bố thông tin khiến dư luận và cổ đông thực sự không biết các “đại gia” dùng tiền ở đâu để thâu tóm ngân hàng. Tuy nhiên, với vai trò quản lý chuyên môn, NHNN và UBCKNN thừa khả năng giám sát được dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp và ngân hàng.
Bởi không loại trừ cá nhân hay doanh nghiệp được sự tiếp tay của nhiều “chân rết” trung gian (công ty chứng khoán (CTCK), công ty đầu tư tài chính, NHTM…) để gia tăng theo kiểu cấp số nhân tỷ lệ sở hữu chéo, mở rộng chân rết chi phối toàn bộ doanh nghiệp và ngân hàng theo kiểu “đa cấp” mà trên thực tế vốn ảo, vốn vay là chủ yếu.
Đơn cử, trên báo cáo 6 tháng năm 2012 của CTCK P. (trực thuộc ngân hàng P.) thể hiện tháng 4 công ty đã mua vào hơn 120 tỷ đồng CP của ngân hàng S., khoản đầu tư này có giá trị bằng 35% vốn chủ sở hữu của CTCK P.. Thế nhưng trong thời gian ngân hàng S. bị thâu tóm, CTCK P. có lượng giao dịch tăng vọt, nằm trong tốp 10 CTCK có lượng giao dịch lớn trên TTCK.
Vấn đề là khoản đầu tư này đứng tên cá nhân mua chứ không phải tổ chức là CTCK P.. Lý do, CTCK P. không có chức năng tự doanh nên CTCK P. cấp hạn mức margin qua tài khoản cá nhân ở CTCK P. để thực hiện mua CP ngân hàng S.. Ngoài ra, không loại trừ còn có sự tiếp tay của một số ngân hàng khác trong việc bơm vốn giúp một cá nhân T. mua CP thực hiện quyền lật đổ ngân hàng S..
Điều này dễ nhận thấy khi ông M., thành viên HĐQT của CTCK P. đồng thời là chủ tịch HĐQT của ngân hàng K. và hiện cũng đang là thành viên HĐQT ngân hàng S. (sau khi đã bị thâu tóm). Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các mối quan hệ giữa ông M. với ngân hàng K. và CTCK P. không được công bố. Chưa kể, trước đó ông M. cũng đã thông qua công ty đầu tư tài chính của mình mua 5% cổ phần của ngân hàng S. trong lộ trình thâu tóm ngân hàng S..
Cổ đông nhỏ bị thiệt
Thực tế sau khi tiếp quản ngân hàng S., ông chủ ngân hàng P. đã sử dụng quyền lực thâu tóm để buộc ngân hàng S. ký hợp đồng mua CP của CTCK P. với giá cao, điều này gây thiệt hại lớn cho cổ đông và ngân hàng S.. Hơn nữa, do tiền đi thâu tóm, sở hữu chéo chủ yếu là vay nợ, nên sau khi thâu tóm xong, không còn quyền cổ đông trên thị trường, các “chân rết” tranh thủ bán ra CP ngân hàng S. để thu hồi vốn lấy tiền trả nợ.
Bản chất sở hữu chéo chẳng khác gì kinh doanh đa cấp, dùng vốn vay để sở hữu. Ông A chỉ cần góp 50% vốn nắm tỷ lệ chi phối công ty A là có thể dùng 50% tài sản công ty A thực hiện cho các mục tiêu đầu tư chi phối công ty B, rồi dùng 50% tài sản công ty B đầu tư và chi phối tiếp công ty C… Một số tiền nhỏ đi qua nhiều lần đã tạo cấp số nhân giúp tỷ lệ nắm giữ và quyền chi phối ngày càng phình to. Dù loại hình doanh nghiệp này là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng thực tế chưa bị điều chỉnh ở Luật Chứng khoán, Luật Ngân hàng hay Luật Bảo hiểm. TS. LÊ ĐẠT CHÍ, |
Vì thế, không quá ngạc nhiên sau ĐHCĐ ngân hàng S., trên TTCK CP ngân hàng S. có những giao dịch thỏa thuận đột biến và liên tục rớt giá, gây thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ CP này. Có thể thấy, đó là hệ quả tất yếu của vòng quay sở hữu chéo.
Sau khi thâu tóm ngân hàng S. với nhiệm kỳ HĐQT 5 năm, những thế lực sở hữu chéo có nhiều thời gian để sử dụng ngân hàng S. như một “sân sau” chuyên huy động vốn của người dân để tài trợ cho các dự án của mình.
Theo các chuyên gia, quy định cấm các ngân hàng cho các cổ đông của mình vay vốn, nhưng ngân hàng “sân sau” có thể lách bằng cách cho các công ty con của các doanh nghiệp vay vốn. Tương tự, việc sở hữu chéo giữa các NHTM cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này dễ dàng vay vốn từ ngân hàng kia.
Điều này dẫn đến nguy cơ các NHTM có thể thẩm định vay vốn thiếu cẩn trọng. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các NHTM hiện nay đang tăng cao.
Vấn đề sở hữu chéo không chỉ xảy ra phổ biến ở khu vực ngân hàng mà còn vươn ra nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như bất động sản, vàng, thực phẩm… Tại nhiều nước trên thế giới, HĐQT, thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc của một công ty được trả lương cao để chịu trách nhiệm lớn trong hoạt động, nếu họ làm sai luật các cổ đông có quyền khiếu kiện ra tòa, thậm chí họ có thể bị vào tù và bị phạt rất nặng.
Vì thế các cá nhân là HĐQT, thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc của các công ty buộc phải công khai, minh bạch, từ tỷ lệ sở hữu đến những giao dịch có liên quan đến lợi ích riêng để cổ đông và thị trường giám sát.
Ở nước ta, năm 2010 Chính phủ ban hành Nghị định 102 cho phép một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông nắm giữ 1% trở lên của công ty có thể khiếu kiện người quản trị công ty lợi dụng chức vụ quyền hạn làm sai quy định của công ty, gây thiệt hại cho cổ đông.
Và Hiệp hội Các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã ra đời để cổ đông ủy quyền khiếu kiện. Nhưng cho đến nay, cổ đông lẫn VAFI vẫn chưa thể hiện được vai trò quan trọng này.