Kỷ niệm 65 năm ngày sinh Lưu Quang Vũ (17-4-1948 – 17-4-2013)

Sống mãi tuổi 40

Đôi lúc có người buột miệng: Nếu không có Lưu Quang Vũ, sàn diễn kịch nói nước ta từ năm 1986 đổi mới đến nay sẽ ra sao? Khó hình dung được, bởi lẽ hơn 50 vở kịch Lưu Quang Vũ sáng tác trong 10 năm từ 1978-1988 là một sản nghiệp đồ sộ không phải người cầm bút nào cũng dám mơ ước. Đã 25 năm Lưu Quang Vũ xa rời thế gian nhưng những vở kịch mang dấu ấn Lưu Quang Vũ vẫn được tái diễn.

Đôi lúc có người buột miệng: Nếu không có Lưu Quang Vũ, sàn diễn kịch nói nước ta từ năm 1986 đổi mới đến nay sẽ ra sao? Khó hình dung được, bởi lẽ hơn 50 vở kịch Lưu Quang Vũ sáng tác trong 10 năm từ 1978-1988 là một sản nghiệp đồ sộ không phải người cầm bút nào cũng dám mơ ước. Đã 25 năm Lưu Quang Vũ xa rời thế gian nhưng những vở kịch mang dấu ấn Lưu Quang Vũ vẫn được tái diễn.

Xem và tìm đọc kịch Lưu Quang Vũ, càng thấy khâm phục một bản lĩnh sáng tạo độc đáo. Dù sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau, lấy chất liệu từ dân gian hay dùng hiện thực từ cuộc sống, những nhân vật của Lưu Quang Vũ luôn mang một khát vọng sống mãnh liệt.

Các vở kịch “Nếu anh không đốt lửa”, “Quyền được hạnh phúc”, “Vách đá nóng bỏng”, “Chết là điều chưa có”, “Lời thề thứ 9”... thể hiện rõ nét tài năng Lưu Quang Vũ. Chỉ bằng cốt truyện bình thường có thể gặp ngay trước mặt mỗi ngày, Lưu Quang Vũ đã đẩy lên thành những tình huống sân khấu đắt giá. Lưu Quang Vũ ra đi ở tuổi 40, đã kịp định hình và để lại một kịch pháp cho sàn diễn kịch nghệ Việt Nam.

Tác giả Christian Hoche trên tờ báo L'Express (Pháp) đã đánh giá: "Molière ở Việt Nam tên là Lưu Quang Vũ, một Molière với khóe mắt nhiều nếp nhăn, ngòi bút chua cay, khuynh hướng sâu sắc chống chủ nghĩa xu thời".

Vợ chồng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh.

Vợ chồng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. 

Họa sĩ - NSND Doãn Châu, một người bạn đồng thời là người cộng tác với Lưu Quang Vũ vở kịch đầu tiên “Sống mãi tuổi 17” và vở kịch cuối cùng “Hai ngàn ngày oan trái”, kể lại tai nạn giao thông khủng khiếp cách đây một phần tư thế kỷ, trên tuyến đường Hải Phòng - Hà Nội đã cướp đi sinh mạng Lưu Quang Vũ cùng vợ và con: "Khi tôi mở mắt ra một cảnh tượng thật hãi hùng, Quỳnh và cháu Mí nằm im không nhúc nhích. Vũ chỉ còn khe khẽ thở. Tôi cởi áo may ô gối lên đầu cho Vũ, Vũ thều thào: Thằng Mí đâu rồi? Đó là câu cuối cùng Vũ còn nói được".

Lời sau chót của một đời người dành gọi đứa con trai. "Mí" tên là Lưu Quỳnh Thơ, con chung của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ngoài “Mí” ra, Lưu Quang Vũ còn một con trai với vợ trước - diễn viên điện ảnh Tố Uyên - gọi thân mật là Kít, tên là Lưu Minh Vũ đang công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam.

Năm 1972, khi chia tay với nghệ sĩ Tố Uyên, một mình Lưu Quang Vũ lên làng sơ tán thăm và viết tặng Lưu Minh Vũ bài thơ “Nói với con cuối năm” chan chứa nghĩa tình: "Hai cha con ngồi trên bờ đê cao / Sông chiều ngút khói / Gió rạp mình cỏ dại / Sau lưng Hà Nội sương mờ... / Con ơi, con hãy tha thứ cho cha / Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được / Đời cha nắng gắt / Mẹ con cần suối mát của đồng vui... / Cha cũng chẳng đủ tiền / Mua cho con áo đẹp / Chiều bên sông gió rét / Con lặng nhìn tít tắp bãi ngô xa".

Diễn viên - NSƯT Thu Hà kể lại, năm 1988, Đoàn Văn công Quân khu 3 của chị gặp nhiều khó khăn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hứa viết cho vở “Điều không thể mất” để vực dậy đơn vị. Đến hẹn, Thu Hà tìm đến nhà số 96 Phố Huế - Hà Nội để xin kịch bản, vừa chạm ngõ đã nghe mọi người xôn xao: "Lưu Quang Vũ mất rồi". Thế nhưng, “Điều không thể mất” chưa phải là tác phẩm cuối cùng của Lưu Quang Vũ, vở này đã viết xong trong chuyến đi Hải Phòng.

Khi Lưu Quang Vũ qua đời, gia đình ông tìm thấy 3 trang bản thảo viết cảnh một của kịch bản “Chim sâm cầm không chết”. Lúc đầu, Lưu Quang Vũ định lấy tên “Chim sâm cầm đã chết” nhưng đạo diễn Phạm Thị Thành bảo "xúi quẩy", cho nên ông sửa lại.

NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, thổ lộ: “Thế hệ chúng tôi nhờ kịch của Lưu Quang Vũ mà thành danh”. Thế nhưng, những gì thể hiện ở kịch chỉ là tâm tư hướng ngoại của Lưu Quang Vũ, còn tâm tư hướng nội lại chất chứa trong thơ.

Cuộc đời đa cảm của Lưu Quang Vũ có nhiều mối tình lãng mạn, nhưng có 3 người phụ nữ xuất hiện trong thơ như minh chứng cho niềm riêng trái tim ông. Với người vợ trước, diễn viên điện ảnh Tố Uyên, Lưu Quang Vũ có bài thơ “Hơi ấm bàn tay” viết năm 1967 xao xuyến: “Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình / Điều chưa nói thì bàn tay đã nói / Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại / Còn bồi hồi trong những ngón tay ta”.

Với người vợ sau, nữ sĩ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ có bài thơ “Cho Quỳnh những ngày xa” viết năm 1976 bồi hồi: “Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu? Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?”.

Giữa 2 cuộc hôn nhân nổi tiếng ấy, Lưu Quang Vũ có mối tình với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền được truyền tụng với nhiều giai thoại lâm ly, trong bài thơ “Gửi Hiền mùa đông” có đoạn khắc khoải: “Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc / Tôi tìm em trong bao trang sách đọc / Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường / Tôi gọi em khản giọng những đêm sương”.

Cái chết của Lưu Quang Vũ dường như đã được báo trước. Trong tác phẩm của mình, Lưu Quang Vũ luôn ám ảnh cái chết và mổ xẻ cái chết ở nhiều góc cạnh khác nhau. Thí dụ, vở kịch “Người trong cõi nhớ”, anh đã cho nhân vật phát biểu: "Chúng tôi là những người đã chết. Nhưng người ta chỉ chết hẳn khi không sống trong lòng người khác nữa. Ngoài thế giới của người đang sống và cõi lặng im của người đã chết, còn một cõi thứ ba: cõi của những người đang sống trong trí nhớ của người khác, những người không bị lãng quên".

Nếu còn sống, ngày 17-4-2013 này Lưu Quang Vũ sẽ có sinh nhật thứ 65, nhưng ông đã thành "người trong cõi nhớ" từ lâu. Chỉ với một cái tích "Trương đồ nhục" chuyển thành vở kịch lừng danh “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã có thể xếp Lưu Quang Vũ vào hàng ngũ những tác giả bất tử của sân khấu Việt Nam, hoàn toàn có quyền sánh ngang với Nguyễn Huy Tưởng và Tào Mạt.

Tuy nhiên, đâu chỉ có thế: "Tôi và chúng ta", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Nguồn sáng trong đời", "Lời nói dối cuối cùng"... vẫn được diễn đi diễn lại như những tác phẩm xuất sắc của làng kịch nghệ hôm nay. Có mấy ai biết, những kịch bản ấy được viết trong căn phòng 6m2, trên cái bàn nhỏ có ghi hàng chữ lớn như một tâm niệm: "Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối".

Các tin khác