Sức ép USD/VNĐ vẫn hiện hữu

(ĐTTCO) - Đà tăng giá của USD cộng với việc bộ đệm dự trữ ngoại hối bị “bào mòn”, và khả năng thu hút/giữ chân dòng ngoại tệ thiếu tính bền vững, sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ.

Tăng giảm khó lường

Những ngày đầu tháng 2, đồng USD trên thị trường thế giới đã có những chuyển biến bất thường. Cụ thể, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị áp thuế nhập khẩu 25% đối với Mexico và Canada, US Dollar Index (DXY) đã tăng vọt tới 1,3% lên 109,88 vào ngày 3-2.

Trong nước, tỷ giá USD/VNĐ cũng biến động thất thường trong thời gian này. Tại phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 3-2), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.325 đồng/USD, không đổi so với thời điểm trước kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường liên NH chốt phiên này ở mức 25.300 đồng/USD, tăng mạnh 200 đồng so với trước kỳ nghỉ Tết. Cùng ngày, tỷ giá tại các NHTM tăng từ 200-340 đồng. Giá mua - bán USD tại Vietcombank lên mức 25.110 - 25.500 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do không biến động, mua - bán trong vùng giá từ 25.450 - 25.550 đồng/USD.

Ngày 4-2, DXY giảm 0,5% xuống mức 108,96, nhưng NHNN vẫn điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng 35 đồng, lên mức 24.360 đồng/USD. Thế nhưng, tỷ giá tại các NH lại đồng loạt giảm mạnh khoảng 100 đồng, giá USD tại Vietcombank xuống mức 25.010 - 25.400 đồng/USD.

Ngược lại, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do vọt tăng 170 đồng chiều mua và 190 đồng chiều bán lên mức 25.620 - 25.740 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng mạnh lên mức 24.425 đồng/USD vào phiên 6-2, tỷ giá tại các NH cũng bật tăng, cụ thể Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.030 - 25.420 đồng/USD. Còn thị trường tự do giảm nhẹ về mức 25.610 - 25.710 đồng/USD.

Như vậy, so với đầu năm, giá USD tại các NH đã giảm khoảng 80 đồng, giá USD tự do giảm khoảng 90 đồng. Tuy nhiên, đa số các dự báo đều cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 do ảnh hưởng từ sức mạnh của đồng USD. Cụ thể, các chuyên gia thuộc khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 - 25.800 đồng/USD trong quý I.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo chỉ số DXY sẽ tăng từ 5-10% trong năm 2025, tỷ giá trong nước dao động trong biên độ +/-5% và kết thúc năm ở mức 26.200 đồng/USD. Phía UOB dự báo, tỷ giá USD/VNĐ ở mức 25.800 đồng/USD trong quý I, 26.000 đồng/USD trong quý II-2025, 26.200 đồng/USD trong quý III và 26.000 đồng/USD trong quý IV.

Tỷ giá sẽ tiếp tục nóng sau vàng

Theo các chuyên gia, đồng USD dự báo sẽ biến động khó lường, nhưng triển vọng sẽ mạnh hơn trong nửa đầu năm 2025. Nguyên nhân do những chính sách Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình là một yếu tố gây áp lực lên tỷ giá.

Song song đó, VNĐ vẫn dễ bị tổn thương trước các yếu tố bên ngoài như chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong nước, bộ đệm dự trữ ngoại hối bị bào mòn và khả năng thu hút/giữ chân dòng ngoại tệ thiếu tính bền vững, cũng có thể khiến cho áp lực mất giá tiền đồng mạnh hơn. Thế nên năm 2025 dự kiến vẫn sẽ là một năm nhiều thách thức trong việc điều hành tỷ giá trong nước.

Câu chuyện của năm 2025 sẽ là sự đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá. Nếu muốn giảm lãi suất, Chính phủ phải hy sinh tỷ giá, còn nếu muốn ổn định tỷ giá phải duy trì chính sách lãi suất thận trọng như hiện tại.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, chính sách tiền tệ của Fed, đặc biệt là việc điều chỉnh lãi suất, sẽ tác động trực tiếp đến giá trị đồng USD và các giao dịch ngoại tệ của Việt Nam.

Giá trị đồng USD hiện đang ở mức cao. Trường hợp đồng USD xuống thấp, tỷ giá USD/VNĐ sẽ bớt áp lực và có thể tăng khoảng 3%. Trường hợp đồng USD tăng mạnh dưới chính sách tiền tệ và đối ngoại của ông Donald Trump, chỉ số DXY tăng lên sẽ gây áp lực lên tỷ giá với mức tăng có thể lên đến 5-6%.

Có thể thấy, tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm kể từ tháng 3-2024. Cả năm 2024, VNĐ đã mất giá 5,03% so với đồng USD. Tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng lên mức 25.800 đồng/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đạt mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng vào năm 2016 (kết thúc năm tại mức 24.335 đồng/USD), tăng lần lượt 4,3% và 2% so với đầu năm 2024.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã phải cung ứng ra thị trường lượng lớn ngoại tệ và linh hoạt điều tiết thanh khoản hệ thống NH nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

Theo báo cáo chiến lược năm 2025 của Công ty Chứng khoán SHS, năm 2024, số ngoại tệ phải bán từ dự trữ ngoại hối ước khoảng 9,35 tỷ USD, gây áp lực lên cung tiền ngoại sinh của các NH, qua đó làm cho cân đối hệ thống trở nên mỏng hơn.

Đáng chú ý nếu xét tổng thể, năm 2022 và 2023 là những năm Fed nâng lãi suất, còn 2024 thuận lợi hơn với 3 lần cắt giảm lãi suất với tổng mức cắt giảm 1%, từ đó đã hạn chế bớt áp lực chênh lệch lãi suất USD/VNĐ, nhưng chúng ta vẫn phải bán USD và tiền bị mất giá.

Cũng theo SHS, sau cuộc bầu cử Mỹ, DXY mạnh hơn gây sức ép lên hành vi của dòng tiền, đặc biệt là các dòng thu nhập sơ cấp trên cán cân thanh toán, từ đó ảnh hưởng tâm lý giao dịch tỷ giá. Phía NHNN cũng nhận định việc ổn định tỷ giá, ngoại hối còn khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ không bán, và khi chưa cần ngoại tệ họ tiếp tục mua. Đó cũng là thách thức trong vấn đề điều hành tỷ giá. Năm 2025, nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo trong thời gian tới có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Chia sẻ với ĐTTC, TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, tỷ giá tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2025 với biến động khó lường, và phụ thuộc vào diễn biến của thương chiến Trung Quốc và Mỹ trong giai đoạn tới.

Đồng thời, việc chính sách tiền tệ của Fed đang được dự báo sẽ thận trọng hơn và sẽ nới lỏng từ từ, chứ không nhanh và mạnh như kỳ vọng trước đó. Việc đồng USD mạnh lên sẽ tiếp tục là một thách thức cho tỷ giá trong bối cảnh dự trữ ngoại hối chưa thực sự dồi dào.

Các tin khác