Bất chấp tất cả, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc.
Diễn biến này trái ngược với vài ngày trước, khi Tổng thống Donald Trump công bố ngân sách 50 tỷ USD để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ sức khoẻ người dân, thị trường chứng khoán đã phục hồi lại sau đó. Điều này cho thấy, đối với người dân tin tức mà họ quan tâm hàng ngày hàng giờ chỉ có duy nhất là sức khoẻ, sức khoẻ và sức khoẻ, thay vì giảm lãi suất hay giảm thuế như trước đây.
Trước đó, thị trường đã đặt giả thuyết phải chăng Fed và các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã biết điều gì đó bí mật đằng sau hậu quả khủng khiếp của đại dịch virus corona mà thị trường chưa biết? Một nguyên tắc rất cơ bản của quản trị rủi ro, cho dù giả thuyết này có chính xác bao nhiêu phần trăm, thì các quỹ đầu tư vẫn bán đi nhiều danh mục tài sản để tìm đến các kênh đầu tư khác an toàn hơn, như trái phiếu chính phủ chẳng hạn.
Cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính chẳng những thế còn lan truyền sang các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân Mỹ. Lo lắng cho sức khoẻ của mình, người dân cuống cuồng xếp hàng dài thu mua đủ mọi thứ. Đến mức giấy vệ sinh vẫn thu gom mặc dù không ai hiểu để làm gì cho hết trong thời gian ngắn với hàng tá cuộn giấy chất đầy trong kho nhà.
Lỗi chưa hẳn ở Fed. Điều mà sau này mọi người ắt sẽ còn thấy Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục đổ lỗi cho Fed dài dài nếu mọi việc vẫn xấu đi; để khoả lấp đi hành động quá muộn của Trump, khi chỉ mới vài ngày trước ông còn bông đùa với con virus corona và tranh cãi y khoa với các chuyên gia dịch tễ học.
Tạm thời bỏ qua các yếu tố chuyên môn đằng sau quyết định cắt giảm lãi suất về 0% của Fed, bài học rút ra từ việc phản ứng với cuộc khủng hoảng sức khoẻ tồi tệ nhất hàng thế kỷ qua là gì? Đó là, hành động cực đoan hay không cực đoan của chính phủ các nước có lẽ sẽ được xếp vào hàng thứ yếu so với việc làm bất kỳ điều gì để bảo vệ sức khoẻ của người dân. Nếu muộn, mọi thứ như vaccine hạ lãi suất, miễn giảm thuế sẽ hoàn toàn bị vô hiệu.
Trong thời gian qua, người dân đã đánh giá rất cao các phản ứng chính sách rất sáng tạo, dũng cảm và kịp thời của Chính phủ trước đại dịch Covid-19. Từ bài học của Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, vấn đề hệ trọng mang tính bước ngoặt sắp tới sẽ là gì? Tất cả chỉ tóm gọn trong lời Hịch “chống dịch như chống giặc”.
Hịch “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng phải được hiểu, toàn bộ nguồn lực quốc gia bây giờ chỉ có một mặt trận duy nhất là chống khả năng lan tràn vô biên của con virus corona. Trong khi tìm các giải pháp bảo vệ sức khoẻ người dân cho kịch bản xấu nhất về sự lây lan của con virus corona, phải chăng đã đến lúc phải hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn và thậm chí các quan hệ ngoại giao với các nước lớn để có những quyết sách dũng cảm và quyết liệt?
Toàn thể người dân đang kỳ vọng Chính phủ sẽ có những quyết sách hợp lòng dân trước cuộc đại khủng hoảng sức khoẻ.