Tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trở thành yêu cầu cấp bách đặt ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đề án tái cấu trúc DNNN mà Bộ Tài chính vừa hoàn thành dường như vẫn còn khoảng cách với nhiều ý kiến chuyên gia kiến nghị trong thời gian qua, đặc biệt là việc có nên sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô.
> Lỗ hổng pháp lý tạo ra lợi ích nhóm
Lớn xác và yếu thế
Cho đến nay, đã có rất nhiều đánh giá về hiệu quả hoạt động thấp, quản trị yếu kém của nhiều DNNN. Đặc biệt, đã có nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước đến vài chục ngàn tỷ đồng được phát hiện như Vinashin, Vinalines… Mới đây, số liệu về nợ của DNNN tiếp tục dấy lên lo ngại về thực trạng hoạt động của khu vực DN này.
Một trong những điểm nghẽn của tái cơ cấu hiện nay chính là xác định vai trò của DNNN. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ nên có vai trò nhất định trong việc thực hiện chính sách công nghiệp ở những lĩnh vực tư nhân chưa thể hoặc không muốn làm. Nếu tiếp tục coi DNNN là công cụ điều tiết vĩ mô thì việc tái cơ cấu khó thành công. Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN, |
Theo đề án tái cấu trúc DNNN vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, tính đến tháng 9-2011, tổng nợ của các DNNN tại các ngân hàng lên đến trên 415.000 tỷ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, hơn 50% là khoản vay của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 72.300 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) 62.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) 20.500 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) 19.600 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần.
Nhận định về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng nếu so với tổng số vốn chủ sở hữu của các DNNN là trên 600.000 tỷ đồng, mức nợ hơn 400.000 tỷ đồng là an toàn: “Nhưng nếu xét từng đơn vị một, rõ ràng là có vấn đề. Vốn vay lên tới 10 lần vốn chủ sở hữu mà kinh doanh không hiệu quả là một nguy cơ. Kiểu nợ như Vinashin, Vinalines rõ ràng không thể chấp nhận được”.
DNNN nợ lớn, sai phạm nhiều, hiệu quả thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính yếu là do nhận thức và tư duy về vị trí của DNNN trong nền kinh tế còn bất cập.
Theo ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư, các DNNN tăng trưởng chậm hơn tốc độ chung của nền kinh tế. Vì lẽ đó, khu vực này không phải là đầu tàu kinh tế như mong đợi của các nhà hoạch định chính sách.
Theo số liệu thống kê, thua lỗ của DNNN so với khu kinh tế khác cao hơn gấp 12 lần, lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại…
Trong những năm kinh tế khó khăn, DNNN đã thể hiện một vai trò khá yếu: GDP năm 1998 tăng 5,76% thì kinh tế nhà nước tăng 5,56%; còn năm 1999 GDP cả nước tăng 4,77% nhưng kinh tế nhà nước chỉ tăng 2,55%. Và những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 tình hình cũng tương tự: 2008 GDP tăng 6,18% thì kinh tế nhà nước tăng 4,22% và năm 2009 GDP cả nước tăng 5,32%, kinh tế nhà nước chỉ tăng có 3,99%.
“Chính vì vậy, định vị lại vai trò của DNNN và cấu trúc lại hệ thống này là yêu cầu cấp bách đối với nền kinh tế hiện nay. Những vấn đề như Vinashin, Vinalines đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra nếu như không có sự chuyển đổi thực chất” - ông Giá cảnh báo.
Hiệu quả điều tiết vĩ mô
Từ thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều kiến nghị cần thay đổi quan điểm mạnh mẽ, không nên tiếp tục sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô.
Tuy nhiên, tại đề án tái cấu trúc DNNN vừa trình Chính phủ, Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm: "Phải quán triệt chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là DNNN.
Tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò của DNNN mà phải làm cho DNNN mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của nền kinh tế, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nhiều giải pháp tái cấu trúc được Bộ Tài chính đưa ra, nhưng rõ ràng với quan điểm như trên, chắc chắn khó có sự thay đổi căn cơ.
![]() |
Nếu sử dụng EVN làm công cụ độc quyền để điều tiết vĩ mô, |
Theo nhiều chuyên gia, với nguyên tắc cần áp đặt kỷ luật thị trường lên DNNN và nhóm DN này phải cạnh tranh bình đẳng với mọi thành phần kinh tế thì càng không thể đặt DNNN tiếp tục là công cụ điều tiết vĩ mô như trước. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR), Đại học Kinh tế Hà Nội, cho rằng một sự thật là khi được dùng làm công cụ điều tiết vĩ mô, khu vực DNNN lấn át các thành phần kinh tế khác và hiệu ứng đáng buồn là làm suy giảm hiệu quả và năng suất toàn nền kinh tế.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích hiện nay trong nền kinh tế thị trường đã có nhiều loại chủ thể tham gia, mỗi loại đều quan trọng, tùy chức năng nhiệm vụ: “Giờ vẫn giao cho một nhóm nhỏ DNNN giữ vai trò "bình ổn" các DN khác là không được. Bởi khi đã giao vai trò bình ổn cho một nhóm thì chắc chắn phải tạo cho nhóm đó sức mạnh, lợi thế, đặc quyền...
Mà như vậy là phân biệt đối xử, trái với nguyên tắc thị trường”. Hơn nữa, DNNN hiện nay chỉ chiếm thị phần nhất định. Dùng một công cụ hữu hạn để thay đổi cả một thị trường sẽ khiến tiêu tốn nguồn lực lớn mà mục tiêu chưa chắc đạt được.
Chính sách tốt, điều tiết thị trường tốt
Thực tế trong hoạt động của các DNNN cũng chỉ ra rằng, quan điểm sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô đang vấp phải nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như xăng dầu, lấy DNNN giữ giá để chống lạm phát, nhưng sau đó vẫn phải tăng giá theo quy tắc thị trường.
Hậu quả là lúc thì kiềm chế giá, lúc thì tăng mạnh và đối tượng bị thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng. Thực tế kinh doanh trong ngành điện theo quan điểm cũ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề.
Về lý thuyết, Chính phủ Việt Nam muốn DNNN đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế, hỗ trợ sự phát triển khu vực tư nhân hay muốn DNNN là sự thống trị độc quyền của Nhà nước? Khi đặt ra được câu hỏi như vậy thì sẽ thay đổi tư duy, nguồn tài lực cho quá trình tái cơ cấu. Việc tái cấu trúc DNNN, trong đó có các tổng công ty, tập đoàn phải diễn ra minh bạch, hiệu quả và phải có trách nhiệm giải trình. Ông TOMOYUKI KIMURA, |
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, nếu xác định các tập đoàn, tổng công ty là đơn vị làm công ích, thì chuyện Nhà nước can thiệp vào giá là có thể hiểu được.
Nhưng nếu đặt DN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng thì phải áp dụng giá theo thị trường. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu như tiếp tục sử dụng EVN làm công cụ độc quyền để điều tiết vĩ mô, thì tình hình thua lỗ của tập đoàn này chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Theo báo cáo kiểm toán, EVN lỗ gần 17.000 tỷ đồng trong năm 2011, đưa tổng lỗ lũy kế lên đến 40.400 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước khẳng định EVN đã lâm vào tình hình tài chính khó khăn, không đảm bảo độ an toàn. Và như vậy, liệu DNNN có làm được nhiệm vụ chủ đạo trong nền kinh tế như mục tiêu đề ra?
Theo TS. Trần Đình Thiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy các nhà nước đều có đầy đủ quyền lực như thuế, chính sách xuất nhập khẩu, thậm chí ra luật cấm một số hành vi kinh doanh... để tác động đến thị trường: “Nếu chính sách tốt, DN nào cũng có thể là công cụ điều tiết của nhà nước”.
Bản kiến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, được đúc kết từ Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, tổ chức hồi tháng 4 tại Đà Nẵng, cho rằng về mặt lý thuyết, công cụ điều tiết vĩ mô và bình ổn kinh tế thị trường là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách cơ cấu. DNNN chỉ là một tác nhân thị trường như các DN khác, chịu tác động chứ không phải là một bộ phận của kinh tế vĩ mô.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cái giá của việc sử dụng DNNN làm công cụ bình ổn giá là rất lớn. Thứ nhất, DNNN chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền ở nhiều lĩnh vực, không chịu áp lực cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả.
Vì vậy, thay vì điều tiết, bình ổn kinh tế vĩ mô, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế vĩ mô bất ổn. Thứ hai, sử dụng DNNN làm công cụ ổn định giá làm cho giá thị trường của các sản phẩm liên quan bị bóp méo, khiến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực trở nên bất hợp lý và kém hiệu quả.
Chưa kể, giá cả sau một thời gian bị "dồn nén" dẫn đến thua lỗ hay buộc phải trợ cấp, đến lúc không kìm được nữa thì chực chờ bung ra, tạo cú sốc và gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế.
Vì thế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị không sử dụng DNNN làm công cụ để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế hay sử dụng DNNN để làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc “bơm” vốn đầu tư lớn, song sử dụng kém hiệu quả.