Tái cấu trúc TĐ-TCT: Vòng “kim cô” bắt đầu siết

Theo Bộ Tài chính, đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với trọng tâm là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đã chính thức được phê duyệt và Chính phủ đang ban hành kế hoạch để triển khai hành động. Một Trong những vấn đề cốt lõi là phải khẩn trương nâng cao năng lực quản trị của các TĐ, TCT và các DNNN nói chung.

Theo Bộ Tài chính, đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với trọng tâm là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đã chính thức được phê duyệt và Chính phủ đang ban hành kế hoạch để triển khai hành động. Một Trong những vấn đề cốt lõi là phải khẩn trương nâng cao năng lực quản trị của các TĐ, TCT và các DNNN nói chung.

> Tạo đột phá phát triển kinh tế

Khởi động cắt giảm chi phí

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, một trong những vấn đề cốt lõi là ngay lập tức nâng cao quản trị của các DNNN nói chung, TĐ, TCT nhà nước nói riêng. Trong đó, điều có ý nghĩa và quan trọng nhất không chỉ giai đoạn hiện nay mà phải căn cơ lâu dài, là nâng cao quản trị tài chính, đặc biệt là quản trị chi phí và phát hành.

Việc DNNN cam kết cắt giảm chi phí sẽ khởi đầu cho quá trình tái cấu trúc một cách thực sự, có chiều sâu. Một trong những mục tiêu quan trọng là tái cơ cấu để nâng cao năng lực và chức năng quản trị của các TĐ, TCT. đó sẽ là cơ sở để tất cả doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế hành động một cách thiết thực cho việc tái cấu trúc ở ngay chính doanh nghiệp của mình, tạo đà thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc chung cả nền kinh tế đất nước.

Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ,
Bộ trưởng Bộ tài chính

Khẩn trương triển khai đề án tái cấu trúc, hàng loạt TĐ, TCT lớn đã tiến hành cắt giảm các chi phí hoạt động. Ngày 21-2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu năm 2012 triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh với số tiền trên 1.800 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ kiểm soát chặt các khoản chi phí và chi tiêu, chi phí cho sản xuất kinh doanh.

Trước đó, ngày 20-2, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tổ chức ký cam kết tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm 1-5% các chi phí trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính (vật tư, xăng dầu, bảo quản, bảo dưỡng, trang thiết bị); tiết giảm 5-10% chi phí gián tiếp (quản lý, hội thảo, hội nghị, công tác...) với tổng số tiền dự kiến tiết giảm khoảng hơn 105 tỷ đồng.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam và ngành dệt may cam kết giảm giá thành, tăng năng suất để nâng cao năng lực cạnh tranh với số tiền tiết kiệm 178,6 tỷ đồng. Tập đoàn Bảo Việt dự kiến cắt giảm tối thiểu 5% chi phí với số tiền tương ứng 145 tỷ đồng.

Theo nhận định của một số chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất vẫn còn cao như hiện nay, việc doanh nghiệp cắt giảm các chi phí để tiết kiệm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ hơn 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã áp dụng triệt để tiết kiệm kể từ năm 2009, nhưng đến thời điểm này các DNNN nhất là các TĐ, TCT mới đặt ra các mục tiêu tiết giảm cần phải xem lại.

“Bên cạnh sức ép từ Nghị quyết 01 của Chính phủ, việc “bị động” trong cắt giảm chi phí có lẽ xuất phát từ vấn đề quyền lợi của những người đứng đầu cũng như cơ quan chủ quản doanh nghiệp đó” - một chuyên gia nhận xét.

“Dọn dẹp” đầu tư ngoài ngành

Tuy nhiên, tiết kiệm chi phí chỉ là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc DNNN. Theo các chuyên gia, để TĐ, TCT là trụ cột của nền kinh tế nâng cao khả năng cạnh tranh, phải thực sự mạnh trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đầu tiên là họ phải “dọn dẹp” những khoản đầu tư ngoài ngành vốn không mang lại nhiều hiệu quả.

Theo TS. Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), khi đầu tư tràn lan các lĩnh vực không phải là thế mạnh và những lĩnh vực có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, đã làm phân tán nguồn lực TĐ, TCT cả về vốn, nhân lực, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao và rủi ro lớn.

Dây chuyền sản xuất, đóng gói dầu nhờn của Petro Vietnam. Ảnh: LÃ ANH

Dây chuyền sản xuất, đóng gói dầu nhờn của Petro Vietnam. Ảnh: LÃ ANH

Đây là cảnh báo đã được các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến cáo từ lâu nhưng thực tế vẫn diễn ra. Hầu hết TĐ, TCT đều mở rộng hoạt động đầu tư một cách đầy tham vọng sang nhiều lĩnh vực khác trong khi lại không tận dụng được cơ hội gia nhập WTO của Việt Nam để thâm nhập thị trường quốc tế.

Những TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành lại cố gắng tạo ra những công ty độc quyền trong nước để ngăn cản cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài. Một cuộc điều tra với 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, cho thấy nhiều công ty trong top này thiếu tập trung những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Vinashin đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng; EVN đầu tư sang viễn thông; quân đội kinh doanh xăng dầu, ngân hàng; Tổng công ty Xăng dầu cũng có ngân hàng…

Theo yêu cầu của Chính phủ, từ nay đến năm 2015, DNNN nói chung, TĐ, TCT nhà nước nói riêng phải tiến hành thoái vốn khỏi những lĩnh vực đầu tư không phải cốt lõi của mình. Số liệu được Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội cho thấy số tiền các TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành lên tới hơn 21.800 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền đầu tư vào ngân hàng 10.100 tỷ đồng. Hết năm 2010, các “ông lớn” này cũng góp vào chứng khoán, bất động sản gần 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề khiến cho việc đầu tư ngoài ngành trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội chính là việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả trong khi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn (như thiếu vốn).

Đặc biệt năng lực quản trị của doanh nghiệp không theo kịp sự bành trướng kinh doanh của chính họ. Khả năng rủi ro sẽ cao hơn nếu doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản hay tài chính. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, việc thoái vốn là cần thiết nhằm tái cấu trúc DNNN, để đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong chức năng của mình.

Việc thoái vốn là yêu cầu bắt buộc đối với các TĐ, TCT nhà nước. Tuy nhiên, để việc thoái vốn 3 năm tới đạt hiệu quả, cần xác định lộ trình thích hợp và tìm kiếm được nhà đầu tư để tạo ra sự cân bằng hợp lý, tránh dẫn đến mất cân đối và giá của các CP thoái vốn giảm xuống quá mức.

Phân loại tái cấu trúc

Một trong các giải pháp chủ yếu thực hiện tái cấu trúc DNNN được Bộ Tài chính xác định là tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng doanh nghiệp, TĐ, TCT nhà nước; đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Để làm điều này, trước hết cần điều chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển cơ cấu vốn phù hợp từng TĐ, TCT.

Việc ông Đào Văn Hưng bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của EVN do điều hành yếu, đặc biệt trong vấn đề đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, là hình ảnh điển hình về năng lực điều hành của nhiều DNNN còn hạn chế nhưng vẫn cố bành trướng hoạt động đầu tư sang lĩnh vực khác. Vì thế, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, thực hiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, để từ đó đặt các giám đốc điều hành vào môi trường cạnh tranh chung, nâng cao hiệu quả hoạt động.

TS. VÕ TRÍ THÀNH,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo Th.S Dương Thị Nhi - Nhóm tư vấn chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - tái cấu trúc TĐ, TCT là chủ sở hữu nhà nước rất phức tạp; trong đó những vấn đề về nhân sự, nguồn nhân lực, thị trường, mối liên kết nội bộ doanh nghiệp… đều là những nội dung mấu chốt của quá trình tái cấu trúc.

Các TĐ, TCT có xuất phát điểm không giống nhau, do đó quá trình và quy trình tái cấu trúc ở mỗi doanh nghiệp cũng không giống nhau, mà phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng tổ chức để có đề án riêng và bước đi thích hợp.

Do đó, cần nghiên cứu ban hành một quy trình tái cấu trúc mang tính đại diện, như thể quy trình mẫu về tái cấu trúc một TĐ, TCT làm căn cứ, rồi từng TĐ, TCT đối chiếu vào điều kiện cụ thể của mình để phân tích, chọn lọc những nội dung, bước đi phù hợp với TĐ, TCT mình.

Mỗi đề án tái cấu trúc TĐ, TCT trước hết phải khắc phục được tồn tại cơ bản nhất của TĐ, TCT đó, như: liên kết mang tính hình thức, sự cạnh tranh bất bình đẳng trong nội bộ do mô hình tổ chức chồng chéo, phi kinh tế, cơ chế quản lý cồng kềnh phi hiệu quả, cơ cấu tài chính bất hợp lý, đầu tư dàn trải hoặc xa rời nhiệm vụ chính…

Theo Nhóm tư vấn, một số định hướng tái cấu trúc TĐ, TCT cần xác định chiến lược kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của tổ hợp và các doanh nghiệp thành viên theo các giai đoạn (đến năm 2015, 2020); cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao thành những nội dung cụ thể của kế hoạch hàng năm, 5 năm và chiến lược 10 năm của TĐ, TCT.

Hướng tái cấu trúc là công ty mẹ không trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh mà chuyển giao lại cho các công ty con. Công ty con cùng lĩnh vực cần được nhóm lại thành các tổng công ty con (TCT chuyên ngành) và xây dựng cụ thể những bước đi thích hợp về thay đổi cơ cấu vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán…

Đối với các TĐ, TCT nắm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Nhà nước chỉ nên chi phối ở những khâu, công đoạn then chốt đến huyết mạch nền kinh tế như khai thác dầu thô, hóa dầu, sản xuất và truyền tải điện…

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN phải trên cơ sở được thị trường chấp nhận. Mỗi DNNN có điểm xuất phát khác nhau, do vậy không thể áp dụng mô hình tái cấu trúc đồng nhất.

Các tin khác