Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa XI đã quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2012-2015. Như vậy, cải cách DNNN lần này phải có quy mô lớn hơn, sâu rộng hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, không có cách nào hiệu quả hơn là áp đặt kỷ luật của thị trường cạnh tranh, tháo bỏ các đặc quyền và lợi thế, buộc DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với các DN khác.
DNNN đang gia tăng!
Sau 25 năm đổi mới, đa sở hữu đã trở thành đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam. Đến cuối năm 2010, có 1.309 DN 100% sở hữu nhà nước với cơ cấu thành phần khá đa dạng (chiếm khoảng 0,3% tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế tại cùng thời điểm). Hiện cả nước có 11 tập đoàn (TĐ) kinh tế, 10 tổng công ty (TCT) 91, 80 TCT 90 và 2 ngân hàng thương mại 100% sở hữu vốn nhà nước.
Các TĐ và TCT chiếm đến 87% tổng số vốn đầu tư của Nhà nước vào các DN. Từ năm 2000 đến nay, cổ phần hóa (CPH) là giải pháp phổ biến nhất trong sắp xếp, cơ cấu lại DNNN, đã CPH gần 4.000 DN và bộ phận DN.
Về chính trị và định hướng chính sách, các TĐ, TCT không thể là đối tượng phá sản. Do vậy tổ chức quản lý trong nội bộ TĐ giúp các công ty con, cháu tránh được nguy cơ bị phá sản. Như vậy, nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu” và “được ăn cả, ngã về không” không còn hiệu lực với các TĐ, TCT nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng. |
Trong số các DN CPH, có hơn 600 DN CPH toàn bộ và số còn lại Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần. Xét về tổng thể, Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ 57% sở hữu cổ phần trong tổng số DN đã CPH. Song nhìn chung, hiệu quả hoạt động của các DNNN thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân chung của khu vực DN.
Để tạo ra một đơn vị sản phẩm đầu ra, DNNN phải sử dụng số tiền cao gấp nhiều lần so với mức trung bình. Trong khi đó, tốc độ tăng năng suất lao động của DNNN thấp hơn mức bình quân...
Sự kém hiệu quả của DNNN cùng với xu hướng mở rộng kinh doanh sang các ngành bất động sản, tài chính, chứng khoán và đòn bẩy tài chính ngày càng cao, đang làm gia tăng rủi ro không chỉ cho DNNN có liên quan, mà cho cả hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung.
Sau 25 năm đổi mới với nhiều tiến bộ về hoàn thiện khung pháp lý, nhưng tư duy và biểu hiện thực tế của loại hình pháp lý cho DNNN vẫn chưa thay đổi đáng kể. Tư duy và các hành động “cải cách” đang có thiên hướng “chạy theo” quy mô lớn bằng các mệnh lệnh hành chính. DN có quy mô lớn nhất gọi là TĐ, tiếp đến là TCT 91, 90…
Trong khi trên thế giới không tìm kiếm cách thức xác định loại hình pháp lý cho TĐ kinh tế, TCT thì ở nước ta không ít nỗ lực đã được thực hiện để làm điều đó. Vì vậy, khái niệm “TĐ kinh tế” đã trở nên phổ biến trong tiếng Việt hơn so với tiếng Anh.
TĐ kinh tế là cách thức tổ chức liên kết giữa các DN độc lập về pháp lý (thường có chung chủ sở hữu) để tối đa hóa lợi nhuận bằng các phương pháp tích cực và tiêu cực. Ngược lại, đối với DNNN, chúng ta chỉ tập trung xác lập và duy trì tồn tại của nó bằng mệnh lệnh hành chính, mà không giám sát, kiểm soát các hành vi không lành mạnh phát sinh từ vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường của nó.
Trong những năm gần đây, có 2 hiện tượng trái chiều trong phát triển DNNN ở Việt Nam. Thứ nhất, Nhà nước thoái vốn trong các DN “độc lập” thuộc địa phương, bộ, ngành quản lý, từ đó số lượng DN loại này và vốn đầu tư của Nhà nước ở các DN đó đã giảm.
Ngược lại, các TĐ, TCT lại thành lập thêm các công ty con 100% sở hữu, góp vốn với các DNNN khác hoặc với nhà đầu tư tư nhân thành lập các công ty con với sở hữu đa số, hoặc các công ty liên kết để mở rộng quy mô và địa bàn kinh doanh trên phạm vi cả nước. Số DN loại này có thể lên đến hàng nghìn.
Như vậy Nhà nước vừa thoái vốn cho tư nhân, lại vừa cùng góp vốn với tư nhân trong và ngoài nước để mở rộng kinh doanh. Do đó, có thể nói quy mô tuyệt đối và ảnh hưởng của DNNN trong nền kinh tế không giảm, thậm chí tăng thêm. DNNN đang chiếm tỷ trọng chi phối hoặc giữ tỷ trọng lớn đáng kể trong hàng chục ngành kinh tế.
Quá nhiều lợi thế, đặc quyền
Thực tế cho thấy DNNN có nhiều lợi thế, đặc quyền. Lợi thế đầu tiên là không phải chịu sự chi phối của nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Do đó, những người đại diện chủ sở hữu và liên quan khác không chịu tác động bởi các rủi ro kinh doanh của DN.
Các DNNN, nhất là TĐ, TCT không còn là đối tượng của phá sản. Bởi các TĐ, TCT nhà nước đang chiếm độc quyền hoặc thống lĩnh trong các ngành quan trọng của nền kinh tế.
Sự tồn tại và phát triển của TĐ, TCT có liên quan luôn được coi là đồng nghĩa với sự tồn tại và phát triển của các ngành đó trong nền kinh tế. Do đó, sự phá sản của TĐ, TCT có liên quan bị coi là “phá sản” của ngành kinh tế đó của đất nước. Vụ Vinashin là thí dụ điển hình.
Dù TĐ này kinh doanh đa ngành, nhưng phá sản của Vinashin vẫn được coi dẫn đến “phá sản” của ngành đóng tàu. Thực tế này đã dẫn đến thực trạng là sự bảo hộ của Nhà nước đối với một ngành nào đó trên thực tế đã chuyển thành bảo hộ đối với các DNNN, TĐ, TCT có liên quan.
Các TĐ, TCT luôn có quan hệ chặt chẽ về chính trị với các công chức, cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cao cấp. Ngược lại, trong vai trò là người đại diện chủ sở hữu và người hoạch định chính sách, các cơ quan và công chức nhà nước có liên quan có can dự trực tiếp và nhiều mặt trong việc ra các quyết định đầu tư, kinh doanh và cả nhân sự ở các TĐ, TCT. Vì vậy, sự thất bại hay phá sản của TĐ, TCT (nếu có) đều ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan, công chức có liên quan.
![]() |
Doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều lợi thế, đặc quyền |
Vì vậy, cảm nhận chung là các khiếm khuyết hay thất bại (nếu có) thường được giảm nhẹ về quy mô và mức độ. Và chắc chắn, các cơ quan và công chức có liên quan cũng sẽ không ra các quyết định buộc TĐ, TCT phá sản, nếu chúng lâm vào tình trạng phá sản.
Cách làm đó, một mặt triệt tiêu áp lực của thị trường đối với DN, mặt khác, giúp những người quản lý giảm trách nhiệm và bổn phận của mình đối với DN, đối với chủ sở hữu và đối với xã hội nói chung.
Xét về mặt tổ chức kinh doanh, các TĐ, TCT có cơ cấu “kim tự tháp” với công ty mẹ và các thế hệ công ty “con, cháu”. Cơ cấu này, nếu không có giám sát chặt chẽ và minh bạch, chúng có thể trợ cấp, bao cấp chéo trong nội bộ, giúp các công ty con, cháu tránh được nguy cơ phá sản; có khả năng che đậy thực trạng tài chính thiếu lành mạnh và hiệu quả kinh doanh kém.
Mặt khác, các TĐ, TCT đang nắm và chi phối các quyền và cơ hội kinh doanh trong sử dụng hệ thống, mạng chuyển tải, phân phối (điện, xăng dầu, viễn thông…); nắm và chi phối quyền, cơ hội kinh doanh các sản phẩm nhà nước quản lý như xuất khẩu gạo, khai thác các loại khoáng sản quan trọng…
Do có quan hệ thân thiết với các công chức, hoặc dễ dàng tạo lập các quan hệ như thế, nên các TĐ, TCT tiếp cận dễ hơn, thuận lợi hơn với các quyền và cơ hội kinh doanh theo cơ chế “xin - cho” như tiếp cận quyền sử dụng đất, thăm dò, khai thác tài nguyên, các loại giấy phép khai thác (thậm chí không cần giấy phép vẫn kinh doanh).
Các TĐ, TCT nhà nước cũng có lợi thế hơn trong tiếp cận tín dụng, thể hiện cụ thể là hiện tín dụng đầu tư phát triển với lãi suất ưu đãi chỉ dành riêng và phân bố cho DNNN. Nhà nước về cơ bản chỉ bảo lãnh vay nợ cho các TĐ, TCT khi cần thiết.
Áp đặt kỷ luật thị trường thế nào?
Năm 2012, phải có bước khởi đầu mang tính đột phá để khởi động lại quá trình CPH DNNN đã bị chậm lại một cách đáng kể trong mấy năm gần đây. Theo đó, đặt mục tiêu tối thiểu hoàn thành CPH các DN có vốn điều lệ dưới 3 tỷ đồng.
Việc áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh bằng cách loại bỏ các đặc quyền, lợi thế của TĐ, TCT không dễ dàng, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. CPH các DNNN, trong đó Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số, là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh đối với DNNN. Thực tế cho thấy sau khi CPH, trong đó Nhà nước không tiếp tục nắm giữ cổ phần hoặc chỉ nắm phần thiểu số, DN được CPH phải hoạt động và được quản trị hoàn toàn giống như các DN tư nhân khác. |
Thực hiện thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, nhất là các công ty chuyển đổi từ DNNN, trong đó giảm tới mức tối đa số trường hợp Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần chi phối.
Nghiên cứu, chuẩn bị thực hiện CPH một số TĐ, TCT từ năm 2013, đồng thời ban hành quy chế công bố thông tin áp dụng đối với các TĐ, TCT nhà nước theo các chuẩn mực ít nhất tương tự như đối với các công ty niêm yết trên TTCK. Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với than, điện, xăng dầu... Xóa bỏ bao cấp, trợ cấp chéo giữa các TĐ, TCT nhà nước có liên quan.
Tiếp tục tuyên bố mạnh mẽ yêu cầu áp đặt các nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN nói chung và những người đại diện chủ sở hữu, những cán bộ quản lý chủ chốt của DN nói riêng.
Các DN bị thua lỗ ngoài dự kiến kế hoạch, hoặc không đạt được các mục tiêu quan trọng như kế hoạch, thì giám đốc, tổng giám đốc đương nhiên bị miễn nhiệm, những người khác cũng bị giải trình, truy xét trách nhiệm; khắc phục tình trạng quá lỏng lẻo về kỷ luật, kỷ cương như hiện nay.
Trong trường hợp TĐ, TCT gặp khó khăn, như không tiêu thụ được sản phẩm, không thanh toán được nợ đến hạn… phải coi đó là công việc kinh doanh của DN, các bộ, cơ quan nhà nước khác không trực tiếp chỉ đạo giải quyết các khó khăn của DN đó.
Đổi mới và hoàn thiện cơ chế phân bố nguồn lực đảm bảo bình đẳng, công bằng trên thực tế quyền tiếp cận vốn, nhất là vốn tín dụng nhà nước; tiếp cận quyền sử dụng đất và quyền thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản khác do Nhà nước quản lý, quyền tiếp cận thông tin đối với tất cả DN không phân biệt thành phần kinh tế.
Tiếp tục mở cửa các thị trường độc quyền, giảm tiến tới xóa bỏ độc quyền DN trên các lĩnh vực độc quyền tự nhiên; đồng thời, thực hiện giám sát độc lập và có hiệu lực đối với các DN độc quyền, DN thống lĩnh thị trường, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.