LTS: Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại” được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa trong 2 ngày 5 và 6-4, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức, các đại biểu thống nhất nhận định: Trục xuyên suốt vẫn là xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng, mức độ bất ổn vĩ mô cao và chưa có dấu hiệu kiềm chế, kiểm soát một cách chắc chắn. Để có cái nhìn tổng thể về vấn đề này, ĐTTC giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Bất ổn vĩ mô
Nhận định về phát triển kinh tế năm 2013 khi đã đi qua 1/4 chặng đường là khó khăn hơn, tình hình kinh tế năm 2012 và quý I-2013 chưa được cải thiện, nhiều mặt còn trở nên gay gắt hơn. Hoặc có thể nói đến cuối năm 2012 và đầu 2013, nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng bất thường, cho dù có đạt được một số kết quả khả quan.
Thí dụ, việc kéo giảm lạm phát xuống mức khá thấp (từ 18% năm 2011 xuống 6,8% 2012), kéo theo đó là giảm lãi suất đáng kể; hoặc như việc đảo chiều cán cân thương mại một cách ngoạn mục - chuyển từ nhập siêu 9 tỷ USD năm 2011 sang trạng thái xuất siêu hơn nửa tỷ USD năm 2012; việc giữ tỷ giá ổn định và tăng lượng dự trữ ngoại tệ...
Nếu cứ loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn, không tạo ra được những thay đổi thực sự trong cơ cấu, nền kinh tế vẫn tiếp tục bất ổn, cơ sở tăng trưởng vẫn tiếp tục bị xói mòn, nguy cơ khủng hoảng gia tăng nhanh. Đây là lý do giải thích tình hình kinh tế quý I-2013 không được cải thiện mà vẫn trong xu hướng tiếp tục xấu đi, là một chỉ báo quan trọng cho việc dự đoán tình hình kinh tế năm nay. |
Có một số yếu tố (xu hướng) minh chứng theo chiều hướng ảm đạm nói trên, là: sự xấu đi của một số chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng nhất. Xuất hiện xu hướng “nghịch lý” phát triển, hay là cái giá quá cao mà nền kinh tế phải trả để đổi lấy những kết quả được coi là “tích cực” nêu trên.
Những chỉ số phản ánh mức độ rủi ro hay nguy cơ của hoạt động kinh tế (nợ xấu, hàng tồn kho, lãi suất, tăng trưởng tín dụng...) đều ở cấp độ “tiêu cực” chưa từng thấy trước đó. Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, có một điểm “đột phá”.
Đó là tồn kho bất động sản, tuy vừa mới định danh nhưng cho thấy mức độ nguy hại của nó rất lớn, quy mô khổng lồ và khả năng “tồn tại lâu dài” do khó xử lý.
Đến nay, vẫn không có số liệu thống nhất về số lượng bất động sản đóng băng, song ít ai phủ nhận rằng một lượng vốn khổng lồ đang bị “chôn chết” trong các khu đô thị, các căn nhà bỏ hoang. Hậu quả kéo theo là lượng nợ xấu có thể còn lớn hơn nhiều lần giá cả thực tế của số bất động sản đó. Số nợ xấu này đang đe dọa sự tồn tại của không ít ngân hàng cũng như sự an toàn của toàn bộ nền kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, số doanh nghiệp đóng cửa năm 2012 vẫn đạt mức kỷ lục - khoảng 55.000, ngang với số doang nghiệp đóng cửa năm 2011. Còn số doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 450.000) tính một cách “khiêm tốn”, tất cả đều phải giảm công suất hoạt động ít nhất 30%, tức tương đương với đóng cửa 1/3 số doanh nghiệp đang hoạt động (150.000).
Đây quả là những con số báo động ở mức cao nhất. Khu vực doanh nghiệp nhà nước, với trục sức mạnh là các tập đoàn kinh tế, tình hình cũng không sáng sủa hơn.
Sự đổ bể nghiêm trọng của Vinalines, Tập đoàn Sông Đà, những khó khăn to lớn mà Vinacomin phải đương đầu và việc tái cơ cấu Vinashin, cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng đang đặt ra cho khu vực doanh nghiệp được đánh giá là quan trọng hàng đầu này. Rõ ràng khu vực doanh nghiệp, cả tư nhân và nhà nước, đều lâm vào tình trạng rất khó khăn.
Chưa thể thoát đáy
Các số liệu kinh tế vĩ mô chủ yếu của quý I-2013 chưa chứng tỏ xu thế “đảo chiều” của nền kinh tế khi bước vào 2013, năm được coi là “bản lề” của toàn bộ kế hoạch 5 năm 2011-2015. Thậm chí, một số chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến khả năng phục hồi tăng trưởng còn ảm đạm hơn.
Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm hầu như bằng 0 (0,03%), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán năm, còn chi ngân sách, mặc dù Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh rót tiền giải ngân đầu tư từ đầu năm, cũng chỉ đạt 18,5% dự toán.
Tổng mức bán lẻ, chỉ số phản ánh sức mua, bị rơi xuống mức đáy, cho thấy cầu thị trường cực kỳ yếu. Nhất quán với xu hướng đó là hiện tượng CPI tháng 3 bị “âm” (-0,19%).
![]() |
"Nóng lạnh" của thị trường bất động sản là minh chứng |
Trước đó, đã xuất hiện hiện tượng “lạ” ở Việt Nam, số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới có xu hướng giảm (-9,4% và -26,7% so quý IV-2012), trong khi số doanh nghiệp đóng cửa trong quý I-2013 (15.300) “vươn lên” ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới (15.700).
Hiện tượng này cũng cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp đang tiếp tục bị suy giảm mạnh và xu hướng tiếp tục giảm sút lòng tin thị trường. Tình hình kinh tế quý I-2013 phản ánh chính xác sức khỏe không tốt của nền kinh tế. Nó cũng chỉ báo triển vọng khôi phục ổn định và phục hồi tăng trưởng không rõ ràng của nền kinh tế trong 2013. Những dự báo về khả năng thoát đáy của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm nay đang trở nên xa vời hơn.
Xu hướng suy kiệt tiếp tục gia tăng nhanh trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, khi Chính phủ chủ trương tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng (chỉ cố đạt mức 12-15%) để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nền kinh tế đã không thể hấp thụ nổi cả lượng tín dụng được chủ động hạn chế đó.
Theo báo cáo cuối năm của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng chỉ tăng 8,91%, thấp xa mức kế hoạch. Dường như nền kinh tế đã ốm yếu đến mức không thể hấp thụ được “lượng máu” tối thiểu cần được bơm vào cơ thể để phục hồi sức khỏe. Nguyên nhân của tình hình trên do phương thức điều hành có 2 điểm đặc trưng.
Một là, khuynh hướng hành chính lấn át, theo đó, việc điều hành vĩ mô nặng về sử dụng các biện pháp hành chính, gần như bỏ qua các biện pháp kinh tế thị trường.
Hai là, thiếu thông tin, thiếu minh bạch, làm suy yếu cơ sở khoa học và thực tiễn đáng tin cậy cho việc hoạch định chiến lược và chính sách. Mối tương quan giữa số liệu tăng trưởng tín dụng với tốc độ tăng GDP hiện tại cũng gây ra những điểm nghi vấn tương tự.
Trong một nền kinh tế mà tăng trưởng GDP phụ thuộc vào lượng vốn đầu tư, điểm lạ lùng của mấy năm gần đây là hầu như không có sự cải thiện nào ở các chỉ tiêu hiệu quả, nhưng việc sụt giảm rất mạnh mức tăng trưởng tín dụng hầu như không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Ưu tiên tái cơ cấu, xây dựng niềm tin
2012 là năm nền kinh tế bắt đầu tiến hành tái cơ cấu. Có 2 hoạt động đã được triển khai. Một là, đã có một số thay đổi trong cơ chế vận hành của hệ thống phân bổ nguồn lực.
Theo đó, thay cho cách phân bổ vốn theo kiểu xin cho - chia đều, Chính phủ điều chỉnh lại tỷ lệ phân bổ nguồn lực cho 15 khu kinh tế ven biển theo hướng tập trung hơn 60% tổng số vốn cho 5 khu được lựa chọn ưu tiên; 40% còn lại được phân cho 10 khu “không được lựa chọn ưu tiên”.
Tình trạng duy trì mức tăng tồn kho cao kéo dài phản ánh sức cầu của nền kinh tế rất yếu. Lạm phát cao kéo dài đã làm giảm mạnh thu nhập thực tế của dân cư, trong khi lãi suất cao ngăn cản các doanh nghiệp tiếp cận vốn để duy trì hoạt động bình thường và gia tăng đầu tư, dẫn tới đóng cửa hàng loạt, gây ra tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập nhiều người lao động. |
Chính phủ quyết định chỉ phê duyệt những dự án đầu tư nào chứng minh được khả năng bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho đến khi hoàn thành dự án (thay cho kiểu xin phê duyệt dự án nhưng vốn chỉ lo được theo kiểu đến đâu hay đến đấy).
Cho phép sáp nhập hay mua lại một số ngân hàng yếu kém. Hai là, Chính phủ thông qua các đề án tái cơ cấu cụ thể, bao gồm đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Nhìn lại toàn bộ 2 tuyến tái cơ cấu nêu trên, có thể nhận xét: Thứ nhất, những hoạt động tái cơ cấu thực sự (sáp nhập ngân hàng) chủ yếu do sự bức bách thực tiễn, chứ chưa phải là các hoạt động diễn ra theo lộ trình được định trước, trong khuôn khổ một chương trình đã được thiết kế tổng thể và bài bản.
Thứ hai, các hoạt động tái cơ cấu khác chủ yếu đều dừng lại ở các đề án “trên giấy”, chưa gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán; chưa được triển khai trên thực tế, do đó chưa có điều kiện để kiểm chứng và đánh giá kết quả.
Với những kết quả “khiêm tốn” như vậy, quá trình tái cơ cấu chưa đạt được những bước tiến thực tiễn mong đợi. Những trọng điểm tái cơ cấu đã xác định hầu như chưa được “động chạm” đến, hệ thống phân bổ nguồn lực cũ vẫn giữ nguyên cấu trúc và cơ chế vận hành.
Nói như vậy cũng có nghĩa các hoạt động điều hành vĩ mô trong năm qua của Chính phủ vẫn chủ yếu tập trung các nỗ lực can thiệp ngắn hạn vào nền kinh tế. Các bộ, ngành vẫn tiếp tục lo tháo gỡ khó khăn chứ chưa tiến hành các hoạt động “cải cách đột phá”.