Sau gần 3 năm thai nghén, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cần quyết liệt thực hiện để tạo ra những chuyển biến thực sự trong giai đoạn 2013-2015, tập trung vào 3 trụ cột tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống tài chính ngân hàng.
Phân định rõ vai trò Nhà nước và thị trường
Đề án được Thủ tướng phê duyệt nêu bật mục tiêu thực hiện tái cơ cấu kinh tế để đến năm 2020, cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đề án tái cơ cấu kinh tế cần xác định rõ “tọa độ lửa” để tập trung hành động, đó là hệ thống phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Hiện nay, tiềm lực kinh tế của ta đã bị suy yếu nhiều, năng lực quản trị, điều hành cũng không phải “dồi dào”. Vì thế, càng phải biết chọn mục tiêu ưu tiên, trọng điểm để “quyết chiến”. Tập trung vào “tọa độ” đó sẽ có “trục” kết nối cả 3 mảng tái cơ cấu cụ thể đang được ưu tiên triển khai. Cần đặt lợi ích tái cơ cấu lên ưu tiên hàng đầu - ưu tiên nguồn lực tài chính, ưu tiên năng lực trí tuệ để triển khai, đạt những kết quả thực tiễn rõ ràng. PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, |
Vì thế, mục tiêu cụ thể cần hướng tới là nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác; thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, để nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.
Từ đó từng bước củng cố nội lực nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, để thực hiện được các mục tiêu trên, tiến trình tái cơ cấu phải dựa trên sự tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu thị trường.
Ở định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu, đề án nhấn mạnh việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.
Trong thu chi ngân sách nhà nước tăng tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không khuyến khích, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường và sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát…
Khắc phục đầu tư dàn trải, kém hiệu quả
3 trọng tâm tái cơ cấu là đầu tư công, DNNN và hệ thống tài chính ngân hàng được nhấn mạnh trong đề án. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tái cơ cấu đầu tư công. Theo đánh giá của Chính phủ là sự mất cân đối rất lớn giữa nhu cầu vốn và nhu cầu đầu tư, nhất là ở các địa phương.
Nhiều dự án đầu tư, kể cả trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư như kết cấu hạ tầng giao thông vẫn phải bị cắt giảm, đình hoãn; nhiều tuyến đường dở dang, xuống cấp... vẫn chưa cân đối được vốn để thực hiện do còn có những nhu cầu khác cấp bách hơn, quan trọng hơn.
Một trong những mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế là phát triển các ngành, lĩnh vực |
Vấn đề đặt ra là cần sớm đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước.
Vì thế, giải pháp được nhấn mạnh trong thời gian tới là tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, thực hành tiết kiệm chi để dành khoảng 20% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển; góp phần huy động khoảng 30-35% GDP tổng đầu tư xã hội.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay kỷ cương trong lựa chọn, quyết định và phê duyệt dự án đầu tư đã được tăng cường. Nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bước đầu cũng đã được thống kê, giải quyết theo hướng các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và đến năm 2015 phải hoàn tất thanh toán số nợ đọng nói trên.
Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công (hoặc Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước) thống nhất quản lý tất cả vốn đầu tư nhà nước, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư của Nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình và thứ tự ưu tiên, đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án đầu tư ở từng cấp ngân sách.
Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin về đầu tư. Mặt khác, sẽ mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực.
Quyết liệt cải tổ DNNN, ngân hàng
Về tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT), đề án cho thấy sẽ đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường với khối doanh nghiệp này.
Nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN được triển khai cuối năm 2011, nhưng đến nay vẫn dừng lại ở việc các đơn vị được yêu cầu lên kế hoạch tái cấu trúc hoặc cổ phần hóa. Việc này đang làm phân tán các nỗ lực và nguồn lực, cũng như khiến người dân khó nhìn thấy những thay đổi cụ thể. Có lẽ nên bắt đầu với những vấn đề lớn nhất, thể hiện được việc cải tổ là có cơ sở và khả thi. Đó là những vấn đề cơ bản như cởi mở thông tin, minh bạch, tăng cường năng lực điều hành, trách nhiệm giải trình, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh bình đẳng... Cần làm từng bước, có lộ trình rõ ràng và không ngại chọn ra những việc khó nhất để giải quyết trước. Bà VICTORIA KWAKWA, |
Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tính đến nay, hầu hết TĐ, TCT đã hoàn thành đề án tái cơ cấu và được Thủ tướng phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, đến khoảng tháng 6-2013 Chính phủ sẽ công bố một kế hoạch tổng thể nhằm cải tổ các TĐ, TCT, đặt ra lịch trình bán cổ phần hoặc tài sản có khả năng sinh lợi kém, nhằm giảm tình trạng nợ xấu đang gây tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế.
Dự kiến, Chính phủ sẽ bán các mảng kinh doanh không trọng yếu của các DNNN trong thời gian đến năm 2015, đồng thời sẽ chỉ giữ lại cổ phần 50-75% trong hầu hết các doanh nghiệp này.
Ở nội dung tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, theo đề án tái cơ cấu, trong giai đoạn 2013-2015 sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng, trước hết tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết hiện tại NHNN đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong năm 2013. Cụ thể, sẽ tập trung hoàn thiện căn bản các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng và thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm nâng cao các chuẩn mực, điều kiện an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.