Hệ thống NH được coi là "huyết mạch" của nền kinh tế. Hoạt động NH có thông suốt, hiệu quả và an toàn mới duy trì sự vận hành trôi chảy các ngành nghề khác, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hệ thống NH Việt Nam dù đến nay đã có những bước trưởng thành cả về quy mô và chất lượng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần được củng cố, xử lý kịp thời những bất ổn phát sinh, hạn chế tác nhân xảy ra khủng hoảng.
Ý kiến ĐBQH tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ngày 26-4 Nợ xấu tính đến cuối năm 2012 là gần 9%. Nhưng theo báo cáo của Thanh tra NHNN mới đây, chỉ trong quý I-2013 đã giải quyết được 3% nợ xấu. Như vậy chỉ còn khoảng 6% nợ xấu trong nền kinh tế, với tốc độ này có lẽ chỉ 2 quý tiếp trong năm nay là xử lý hết nợ xấu. Nếu vậy thì khỏi cần thành lập công ty xử lý nợ nữa. Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vừa rồi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh chỉ thấy NHTM mua bán vàng thôi, chẳng thấy làm gì. Chúng tôi cũng hiểu NHNN vừa rồi làm rất nhiều việc, nhưng những cái cụ thể để tác động vào doanh nghiệp, tác động vào nền kinh tế thì chưa rõ. Cái cụ thể mà dân thấy nổi bật trong thời gian vừa rồi chủ yếu là bán vàng. Ông Lê Nam, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa |
Tài sản suy giảm, bí đầu ra
Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD)/GDP đạt 200% và tỷ lệ dư nợ tín dụng cho nền kinh tế/GDP đạt trên 100%, cao hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển tương đương trong khu vực.
Điều này cho thấy nếu khu vực NH không thực hiện tốt chức năng dẫn vốn, nền kinh tế tất yếu sẽ suy giảm mạnh. Ngược lại, hệ thống NH dễ dàng bị tổn thương khi kinh tế vĩ mô bất ổn.
Theo số liệu của NHNN, tổng tài sản của các TCTD trong toàn hệ thống đã giảm trên 102.000 tỷ đồng trong tháng 1-2013, tương đương 2,01% so với cuối năm 2012, xuống dưới 5 triệu tỷ đồng (trong đó tổng tài sản của nhóm các NHTMCP giảm gần 31.200 tỷ đồng, tương đương 1,45% so với cuối năm 2012).
Đồng thời, vốn tự có (vốn chủ sở hữu) các TCTD sụt giảm mạnh, trong đó giảm nghiêm trọng nhất ở nhóm NHTMCP, là 166.794 tỷ đồng giảm 16.345 tỷ đồng so với cuối năm 2012; khối NHTM nhà nước giảm gần 2.464 tỷ đồng, trong khi khối NH liên doanh, nước ngoài tăng 2.044 tỷ đồng.
Nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính và TCTD hợp tác biến động không đáng kể. Như vậy, mức giảm vốn chủ sở hữu chỉ riêng trong tháng 1 đã chiếm trên 1/2 tổng lợi nhuận toàn ngành NH năm 2012 (28.600 tỷ đồng).
Nguyên nhân do các NH phải tiến hành trích lập dự phòng rủi ro rất lớn trong tháng 1, đã ăn vào lợi nhuận tích lũy và tiêu hủy phần nào vốn chủ sở hữu hiện có.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao trong những năm trước đây, đã suy giảm mạnh trong các năm 2010-2011, thậm chí chuyển sang âm trong suốt 5 tháng đầu năm 2012, chỉ đạt 8,91% trong cả năm 2012 và tiếp tục trở lại âm trong những tháng đầu năm 2013.
Sự suy giảm này chủ yếu do cầu trong nước và nước ngoài thấp, doanh nghiệp khó khăn, tồn kho lớn đã hạn chế khả năng hấp thụ vốn NH của doanh nghiệp; khả năng trả nợ của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra; thị trường bất động sản đóng băng, trong khi phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản. Bởi vậy các TCTD có xu hướng thận trọng hơn khi cho vay để hạn chế rủi ro.
Chưa như kỳ vọng
Cuối năm 2011, Chính phủ và NHNN đã xác định 4 mục tiêu cơ bản tái cơ cấu hệ thống NH gồm: lành mạnh hóa hệ thống; xây dựng hệ thống NH có đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước; cấu trúc lại cơ cấu hoạt động đảm bảo cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế một cách hợp lý; đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Để thực hiện 4 mục tiêu này, đầu năm 2012, NHNN đã tiến hành một số giải pháp, như phân loại hệ thống NHTM thành 3 nhóm lớn để xác định mức rủi ro.
Nhóm thứ nhất gồm các NH có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những NH trụ cột.
Nhóm thứ hai là các NH có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô còn nhỏ, khó có điều kiện để phát triển, mở rộng, nên dự kiến sẽ được quy định lĩnh vực hoạt động để đảm bảo phù hợp với phân khúc của thị trường, phát huy được tiềm năng.
Nhóm thứ ba là các NH đang có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu bằng nhiều hình thức như yêu cầu các NH lớn tham gia mua cổ phần, quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư, hoặc hợp nhất, sáp nhập.
Ngày 1-3-2012, đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 254/QĐ-TTg, đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng để xử lý các NH yếu kém và đề ra lộ trình đến năm 2015. Thống đốc NHNN cũng ký Quyết định 734/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành NH triển khai thực hiện đề án.
|
Khách hàng giao dịch tại DongABank. Ảnh: LONG THANH |
Sau 1 năm thực hiện, đáng chú ý là an toàn hệ thống các TCTD được cải thiện rõ rệt; nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được đẩy lùi; tài sản nhà nước và nhân dân được đảm bảo an toàn; tiền gửi nhân dân được chi trả bình thường.
Các TCTD yếu kém có nguy cơ đổ vỡ đã được NHNN kiểm soát chặt chẽ và từng bước được xử lý bằng các giải pháp thích hợp, nhờ đó thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, tiến trình này còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Chẳng hạn tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm, nhưng quy mô nợ xấu rất lớn và suốt cả năm 2012 chưa có biện pháp xử lý cơ bản. Công tác quản trị, điều hành một số TCTD còn thấp; năng lực thanh tra, giám sát của NHNN còn yếu...
Một vấn đề quan trọng là chi phí tái cơ cấu cần bao nhiêu, lấy từ những nguồn lực nào chưa được chỉ rõ trong đề án cơ cấu. Bởi lẽ các chi phí liên quan tới tái cơ cấu hệ thống NH rất lớn, bao gồm nguồn tái cấp vốn cho các NH yếu kém thanh khoản; nguồn xóa nợ và xử lý nợ xấu; chi phí xử lý và giải quyết các TCTD đổ vỡ; chi phí liên quan đến thực hiện các giải pháp tái cơ cấu các TCTD.
Ách tắc xử lý nợ xấu
Đề án đã chỉ ra NHNN chịu trách nhiệm tái cấp vốn cho các TCTD yếu kém, sử dụng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD để xóa nợ và bán nợ qua DATC (Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính) và các công ty mua bán nợ của các TCTD.
Các khoản nợ do chủ trương cho vay hỗ trợ chính sách của Chính phủ, dùng nguồn ngân sách nhà nước để xóa nợ. Riêng nguồn vốn xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tháng 11-2012 cho rằng "dự kiến Chính phủ không dùng tiền ngân sách để xóa nợ cho các NH".
Quan điểm của đề án là khuyến khích các NH tự nguyện sáp nhập, sáp nhập các NH nhỏ vào NH lớn, NHNN sẽ hỗ trợ thanh khoản trong trường hợp các NH quá yếu kém, không có khả năng chi trả. Tuy nhiên, nguồn tiền ở đâu để NHNN cấp thanh khoản hay hỗ trợ NH yếu kém còn chưa rõ, ngay cả Bộ Tài chính cũng không xác định được quỹ dành cho tái cơ cấu là bao nhiêu.
2012 là năm thực hiện những nội dung của giai đoạn 2 đề án về lành mạnh hóa tài chính với việc tập trung xử lý nợ xấu. Cụ thể, NHNN đã đưa ra một loạt quy định nhằm tạo điều kiện cho các NHTM tái cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh thủ tục pháp lý để xử lý nợ...
NHNN cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các NH được xử lý mua, bán, sáp nhập. Như vậy có thể nói, 2013 là năm trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống NH.
Giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu là gấp rút tháo gỡ các "nút thắt" gây ra nợ xấu, bao gồm phá băng thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho doanh nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu DNNN. Theo đó, NHNN cần có chính sách hữu hiệu để các NHTM nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu; đẩy nhanh và dứt điểm tái cơ cấu các TCTD.
Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy có 6 phương thức xử lý nợ xấu chủ yếu sau: Cơ cấu lại nợ; miễn giảm lãi suất và phí tín dụng; mua, bán nợ (thành lập Công ty Quản lý tài sản Quốc gia - VAMC), chứng khoán hóa nợ xấu; sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý; xử lý, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành góp vốn.
Để đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu cần thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập, nâng cao khả năng tự chủ tài chính của NH; tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính thông qua tăng vốn bảo đảm mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel II, để đến năm 2015 thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung và nguồn vốn từ Chính phủ; mua lại, sáp nhập TCTD và mở rộng nguồn vốn huy động.
Trong khi theo đề án cơ cấu lại các TCTD, đến cuối năm 2015 các TCTD mới đạt mức vốn tự có đủ để bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp theo quy định của Basel II. Hay như dự kiến ban đầu là cuối tháng 3-2013, Chính phủ sẽ ký Quyết định phê duyệt Đề án thành lập và ban hành Nghị định về việc thành lập VAMC đi vào hoạt động trong tháng 4-2013.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ nhận thấy còn một số điểm chưa ổn, yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và NHNN thống nhất, làm rõ thêm. Vì thế tại kỳ họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ vẫn chưa thông qua được nghị định về việc thành lập VAMC.