Tái cơ cấu NH: Đích 2015 nhiều thách thức

Qua 1 năm rưỡi thực hiện, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn đang chậm so với tiến độ đề ra. Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cố gắng hoàn thiện chính sách để đề án này về đích vào năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện vì còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Qua 1 năm rưỡi thực hiện, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn đang chậm so với tiến độ đề ra. Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cố gắng hoàn thiện chính sách để đề án này về đích vào năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện vì còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Chậm do vướng lợi ích nhóm?

Đề án tái cơ cấu hệ thống NHTM chính thức được khởi động từ đầu năm 2012 khi NHNN tiến hành phân loại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thành 3 nhóm lớn để xác định mức rủi ro, gồm: nhóm có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, quy mô đủ lớn; nhóm có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô còn nhỏ; nhóm TCTD đang có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu bằng nhiều hình thức. Cơ quan điều hành sau đó đã công bố danh sách 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu.

Thời gian qua, dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, NHNN với tư cách là cơ quan thường trực thực thi đề án đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ  các giải pháp, theo đúng lộ trình nêu tại đề án và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác cơ cấu lại TCTD trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Theo mục tiêu đề ra, toàn bộ các ngân hàng này sẽ xử lý xong trong năm 2013, nhưng cho đến nay mới chỉ có 7/9 ngân hàng hoàn thành việc tái cơ cấu.

Trong đó, 3 ngân hàng đầu tiên được tái cơ cấu bằng hình thức hợp nhất là SCB, Ficombank và TinNghia Bank. Tiếp sau đó, Habubank được sáp nhập vào SHB trong khi TienPhongBank tự tái cơ cấu với sự tham gia của cổ đông mới. Với cách làm tương tự TienPhongBank, TrustBank sau đó cũng tự tái cơ cấu và đổi tên thành NHTMCP Xây dựng Việt Nam.

Mới đây nhất, Western Bank đã chính thức hợp nhất với PVFC để hình thành NHTMCP Đại chúng. Còn lại 2 ngân hàng thuộc diện yếu kém là Navibank và GP Bank cho đến nay hầu như chưa có thông tin về tái cơ cấu.

Tái cơ cấu hệ thống NHTM bị chậm tiến độ là vấn đề từng bị chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng từng thừa nhận việc này được thực hiện chưa như mong muốn do phát sinh nhiều khó khăn mới.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ Cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng (NHNN), giải thích để xử lý một TCTD yếu kém cần thời gian kéo dài 3-5 năm, trong khi chúng ta chỉ có 1 năm thực hiện. Để đưa ra phương án cụ thể tái cấu trúc TCTD, NHNN phải thực hiện thanh tra toàn diện, giám sát chặt chẽ toàn bộ hệ thống để xác định thực trạng tài chính của TCTD.

Quá trình thanh tra để xác định đúng thực trạng tài chính, “bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc” cũng đã rất khó khăn. Mặt khác, việc tái cơ cấu TCTD động chạm đến nhiều quyền lợi: quyền lợi khách hàng, cổ đông, chủ nợ…

“Vì vậy không thể trong chốc lát chúng ta có thể giải quyết nhanh gọn lợi ích giữa các bên liên quan. Trong khi đó, các tổ chức yếu kém luôn căng thẳng về vấn đề thanh khoản cần được xử lý nên có những mâu thuẫn là một mặt phải xử lý nhanh, dứt điểm, triệt để, một mặt phải thận trọng” - bà Hòa nói.

Thanh khoản ổn định, tiết kiệm nguồn lực

Mặc dù quá trình tái cơ cấu ngân hàng chậm do gặp nhiều lực cản, nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả. Trong đó, đáng ghi nhận là thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được củng cố và ổn định, một số ngân hàng nhỏ do đã ngăn chặn được nguy cơ mất khả năng thanh toán đang hoạt động ổn định trở lại, các ngân hàng đã chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro thanh khoản.

Số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc, trung bình dư thừa khoảng 28.000 tỷ đồng/tháng. Hoạt động thị trường liên ngân hàng đã được chấn chỉnh theo hướng minh bạch hơn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10-12%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn. Trên thị trường không xuất hiện các cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi công khai.

NHTMCP Sài Gòn (SCB) là ngân hàng hợp nhất đầu tiên theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ảnh: LONG THANH

NHTMCP Sài Gòn (SCB) là ngân hàng hợp nhất đầu tiên
theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ảnh: LONG THANH

Ở một khía cạnh khác, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua tái cơ cấu các NHTM đều thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất nên có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác, tiết kiệm được chi phí, thời gian và nguồn lực, đồng thời giảm được số lượng ngân hàng yếu kém, hạn chế tình trạng sở hữu chéo.

Xét ở một số trường hợp cụ thể, có thể thấy bước đầu tái cơ cấu đã mang lại hiệu quả. Chẳng hạn như TienPhong Bank cách đây 1 năm còn nằm trong nhóm các ngân hàng phải tái cơ cấu do tình hình quản trị, kinh doanh bộc lộ nhiều yếu kém, có khả năng mất vốn, hàm chứa nhiều rủi ro.

Tính đến thời điểm tháng 2-2012, TienPhongBank lỗ lũy kế lên tới 1.503 tỷ đồng, đồng thời có 514 tỷ đồng nợ khó thu hồi tại một số ngân hàng cũng thuộc diện phải tái cơ cấu. Để khắc phục tình hình, Tienphong Bank đã chấp thuận sự tham gia của cổ đông mới là Tập đoàn Doji và anh em ông Đỗ Minh Phú - Đỗ Anh Tú, chuyển đổi hướng kinh doanh mới.

Tại Đại hội cổ đông năm 2013, TienPhongBank thông báo lợi nhuận năm 2012 đạt 116 tỷ đồng, nợ xấu còn 3,66%. Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 là 316 tỷ đồng và đến năm 2015 ngân hàng sẽ bù đắp được khoản lỗ trước 2012. Sau khi tăng vốn và tái cơ cấu xong, TienPhongBank đặt mục tiêu đến hết năm 2017 lọt vào nhóm các ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 30%.

Một trường hợp khác là Habubank với khối nợ xấu khổng lồ (32% tổng dư nợ) đã buộc phải sáp nhập vào SHB. Sau 1 năm sáp nhập, nợ xấu của SHB từ 8,8% (do phải gánh thêm khối nợ xấu của Habubank) đã tăng lên 9,02% vào giữa năm 2013.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, khẳng định sẽ dùng dự phòng rủi ro để xử lý và đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 5% vào cuối năm 2013. Mặc dù nợ xấu còn ở mức cao nhưng trong 6 tháng đầu năm 2013 SHB đã xử lý thu hồi được 2.926 tỷ đồng nợ xấu. Và tính đến 31-7-2013, SHB đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của NHNN với hơn 2.100 tỷ đồng.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lên tiếng khẳng định quyết tâm tới năm 2015 tái cơ cấu hệ thống NHTM sẽ cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Để sẵn sàng xử lý trường hợp các phương án tái cơ cấu do ngân hàng đề xuất không khả thi (trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hợp tác từ phía các cổ đông lớn), mới đây NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định 48 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Tái cơ cấu ngân hàng chưa đạt kết quả như mong muốn bởi một số nguyên nhân. Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các TCTD nói chung chưa hoàn thiện, như thiếu cơ chế can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với các TCTD yếu kém, dẫn đến xử lý chưa kịp thời, dứt điểm pháp nhân của các TCTD này. Sự thiếu hợp tác hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của các NHTMCP yếu kém đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN cũng gây khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này.

TS. Tô Ánh Dương,
Viện Kinh tế Việt Nam

Có hiệu lực từ ngày 20-9 tới. Theo đó, Quyết định 48 cho phép NHNN yêu cầu các cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của các TCTD phải chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cho NHNN hoặc TCTD được chỉ định.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, năm 2013 ngành ngân hàng tiếp tục tập trung đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xử lý nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức phi ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều thách thức mà tái cơ cấu ngân hàng phải đối diện trong thời gian tới. Vì thế, khả năng về đích vào năm 2015 là rất khó khăn. TS. Tô Ánh Dương cho rằng tiến trình tái cơ cấu ngân hàng còn chậm so với kế hoạch đặt ra; tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn; công tác quản trị, điều hành của một số TCTD còn thấp; năng lực thanh tra, giám sát của NHNN còn yếu...

Do vậy, rủi ro hệ thống vẫn còn tồn tại và một cuộc khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu. Chuyên gia này cho rằng 2013 là năm thực hiện những nội dung trong giai đoạn 2 của đề án về lành mạnh hóa tài chính với việc tập trung xử lý nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, để xử lý nợ xấu hiệu quả cần giải quyết đồng bộ các giải pháp chứ không thể đổ dồn hết lên Công ty Quản lý tài sản VAMC, bởi công ty này cũng chỉ là một trong những điều kiện cần chứ chưa đủ. Các nút thắt gây ra nợ xấu cũng cần nhanh chóng tháo gỡ: thị trường bất động sản, hàng tồn kho, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nợ tồn đọng xây dựng cơ bản...

“Cần yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tạo ra thị trường mua bán nợ hoặc kêu gọi vốn tư nhân, tăng room cho khối ngoại, thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập” - TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị. 

Các tin khác