Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dù là nước có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng ngành nông nghiệp nước ta đang tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nguyên nhân chính do năng suất thấp, chất lượng thấp, chi phí cao… Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng đã đến lúc cần cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp.
Xuất khẩu nhiều nhưng hiệu quả thấp
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc 1kg dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc có giá bằng 1 ly trà đá chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Bởi cho đến nay với các sản phẩm nông nghiệp đang tồn tại nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vậy, theo ông vấn đề nằm ở đâu và phải chăng cơ quan đầu ngành thiếu định hướng?
TS. NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN: - Với nông dân, mặt hàng nào cảm thấy có lợi họ sẽ trồng. Nhưng nghịch lý lâu nay “được mùa mất giá” cho thấy chúng ta đang thiếu định hướng về thị trường, sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu người dân chỉ trồng cây này, diện tích kia, bởi đất đã được giao cho người dân và quyền quyết định nằm trong tay họ.
Nếu trước kia tăng trưởng nhờ sản xuất nhiều, giá rẻ, lao động rẻ, tận dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên, nay cần đầu tư nhiều hơn cho khâu chế biến, khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, kế đến phải có chiến lược phát triển thương hiệu, tổ chức thương mại tốt hơn. |
Dù Việt Nam đang là quốc gia đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu… nhưng thực tế giá trị hàng hóa nước ta thấp, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Phần lớn nông, lâm sản dù xuất khẩu với số lượng lớn nhưng vẫn ở dạng sơ chế, chưa có mẫu mã, bao bì, thương hiệu…
Kể từ khi chúng ta đổi mới, cởi trói cho nông dân khoán, giao đất cho các hộ, tạo cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất hàng hóa tăng rất nhanh, có những giai đoạn giá trị chiếm 4-4,5% GDP, trong khi các nước chỉ chiếm 2-3%.
Tuy nhiên, đến thời gian gần đây giá trị sản xuất nông nghiệp đã chững lại bởi sản xuất vẫn theo cách cũ. Nghĩa là sản phẩm làm ra nhiều nhưng giá rẻ, không đảm bảo chất lượng, sản phẩm không đồng nhất, không có thương hiệu. Thí dụ mặt hàng gạo, trong 1 bao xuất khẩu có nhiều loại giống khác nhau sẽ khó làm thương hiệu được.
Câu hỏi lâu nay là có phải chúng ta sản xuất dư cung hay không khi cứ được mùa thì mất giá? Theo tôi, việc dư cung chỉ có một số mặt hàng, không phải tất cả, nguyên nhân chủ yếu do chúng ta chưa tìm được những ngách của thị trường để xuất khẩu, chưa đa dạng hóa thị trường, chưa nắm bắt chính xác nhu cầu thế giới cần là những loại sản phẩm gì, thời điểm ra sao.
Điều này lại đặt ra vấn đề về quản lý, quy trình sản xuất, chế biến, khoa học công nghệ cũng như tổ chức liên kết toàn bộ chuỗi giá trị. Muốn làm được những điều đó cần phải có một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp, tiếp tục đổi mới hơn nữa.
Điều này đã được nêu rõ trong Quyết định 899/QĐ-TTg ban hành tháng 6-2013, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nếu làm được, đó sẽ là cuộc cách mạng đòi hỏi chúng ta phải đổi toàn bộ hướng đi để tìm động lực tăng trưởng mới.
- Nghĩa là chúng ta sẽ phải lựa chọn và tập trung đầu tư vào những mặt hàng có thế mạnh?
- Đúng vậy. Ngành nông nghiệp cần chuyển những ngành hàng có tính cạnh tranh thấp sang những ngành hàng có cạnh tranh cao hơn. Chẳng hạn trong trồng trọt có thể giảm đất lúa, chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi, tập trung và phát triển các mặt hàng cao su, hồ tiêu, điều… có lợi thế cạnh tranh.
Đối với cơ cấu các ngành, cần chuyển bớt trồng trọt sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Với từng ngành hàng cần tạo ra giá trị gia tăng mới cao hơn. Chẳng hạn như đẩy mạnh phát triển dịch vụ chế biến, phát triển công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra giá trị mới để nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển bền vững cho nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo môi trường hỗ trợ, quản lý bằng chính sách, còn lại huy động doanh nghiệp đầu tư để nông dân tự tổ chức hình thức hợp tác, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
Nhìn nhận chưa đúng vai trò nông nghiệp
- Ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn được nhắc đến nhiều lần tại các văn kiện của Đảng, Nhà nước, nhưng tại sao lĩnh vực này không có nhiều thay đổi, thưa ông?
Để giải quyết phần nào những tồn tại hiện nay, phải triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt năm 2013. Tất nhiên vẫn cần một thời gian để thẩm thấu. Bởi để kéo được doanh nghiệp vào, xây được nhà máy, có được các hợp đồng liên kết, bán được sản phẩm, có thương hiệu ít nhất phải mất 3-5 năm. Chính sách đã có, nhưng để thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp đòi hỏi sự quyết tâm hơn của các bên liên quan. |
- Thực tế thời gian qua đầu tư cho nông nghiệp chưa thực hiện được bao nhiêu. Đầu tư cho ngành nông nghiệp trong tổng đầu tư toàn xã hội vẫn chỉ chiếm 6-7%, phân nửa trong đó là đầu tư công, vốn tư nhân vào ít, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 18% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế (cho riêng nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%).
Chủ trương chúng ta đã có nhưng triển khai thực hiện rất chậm. Nguyên nhân có nhiều như ngân sách hạn chế, chính sách vĩ mô vẫn nghiêng về công nghiệp (đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng đô thị) khiến nhà đầu tư tư nhân đổ xô bỏ vốn vào đó. Điều này kéo theo nguồn lực con người từ nông thôn đổ ra thành thị. Cùng với đó, đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp để làm khu công nghiệp dù tỷ lệ lấp đầy thấp.
Các chính sách thuế, tỷ giá cũng thiên nhiều hơn cho công nghiệp đô thị, như công nghiệp ô tô chẳng hạn. Còn thuế đánh cao để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước hầu như không có, khiến nông nghiệp gần như là ngành có thị trường tự do nhất, các hàng rào kỹ thuật không có.
- Nhưng nếu lập hàng rào kỹ thuật với sản phẩm trong nước cũng bị trói chân do không đáp ứng được?
- Lập hàng rào sẽ bảo vệ được người tiêu dùng và có thể gây khó cho sản phẩm trong nước. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có quy định chặt chẽ để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Còn hàng rào kỹ thuật sẽ giúp ngăn các sản phẩm xuất khẩu kém chất lượng, góp phần củng cố chất lượng hàng hóa trong nước, nên chúng ta phải chấp nhận.
Nông dân vẫn luôn đối mặt được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ảnh: LONG THANH |
Chính sách phải rõ ràng, thực tế
- Để tái cơ cấu thành công, theo ông điều quan trọng là gì?
- Đó là phải nhìn nhận đúng vai trò ngành nông nghiệp. Theo đó, đây không chỉ là nơi để xóa đói giảm nghèo mà là nơi chúng ta có lợi thế so sánh và tạo động lực mới cho tăng trưởng. Nếu nhìn nhận được như thế, các chính sách vĩ mô sẽ cân bằng, cân đối hơn giữa nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp đô thị.
Điều cơ bản phải xuất phát từ thị trường, không thể nhìn theo kiểu kích cung như trước đây là trồng cây gì, nuôi con gì, nghĩa là phải theo thị trường đang cần gì. Khi đã đi theo hướng đó chúng ta sẽ biết quy mô sản phẩm bao nhiêu, nhu cầu tiêu dùng là gì, kênh phân phối ra các nước như thế nào, chính sách của nước nhập khẩu ra sao…
Từ đó chúng ta tìm cách tháo gỡ, khơi thông thị trường và định hướng tập trung phát triển sản xuất tại những vùng có lợi thế. Tất nhiên, chúng ta không chỉ ra việc trồng cây gì, nuôi con gì mà chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin, hỗ trợ khoa học công nghệ, tín dụng, nghiên cứu… Khi có định hướng về thị trường, thay đổi khoa học công nghệ, đầu tư cũng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó cần có các chính sách phát triển sản xuất thông qua mở rộng quy mô để người dân có thể tích tụ ruộng đất. Mở rộng sản xuất mới có sản phẩm chất lượng. Muốn làm được điều đó cần chính sách giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp.
Cụ thể, phải có doanh nghiệp đầu tư vào thông qua các ưu đãi cao tương đương như các doanh nghiệp đầu tư cho khu công nghiệp. Các doanh nghiệp có liên kết với nông dân sẽ được hỗ trợ tối đa. Thí dụ, doanh nghiệp liên kết với nông dân triển khai cánh đồng mẫu lớn, có hợp đồng xuất khẩu nông sản với nông dân sẽ được ưu tiên trong tín dụng để xây nhà kho, vốn lưu động…
Còn nếu vẫn như hiện nay, sản xuất manh mún, không quan tâm đến nhu cầu của thị trường, sản phẩm nông nghiệp sẽ không đi đến đâu.
- Chúng ta đã có chương trình liên kết 4 nhà, ưu đãi về tín dụng cho nông nghiệp. Nhưng tại sao thực tế lại không có nhiều chuyển biến, thưa ông?
- Chương trình đó, theo tôi hầu như không thực hiện được bao nhiêu trên thực tế. Để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất nhiều trở ngại khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực, nhiều rủi ro…
Do vậy, nếu chúng ta không có chính sách tạo cú hích thật mạnh, doanh nghiệp sẽ ngại đầu tư, đặc biệt với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay lại càng khó. Để thay đổi hình ảnh của ngành nông nghiệp hiện nay cần có quá trình và phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
- Xin cảm ơn ông.