Tâm huyết ông "trùm" bưởi

Khi danh tiếng trái bưởi da xanh (BDX) đặc sản của xứ dừa Bến Tre vượt ra khỏi thị trường nội địa, nhiều người vui miệng gọi Chín Hưng (ảnh) là “ông trùm BDX”. Chuyện lạ đời nhưng thú vị là Chín Hưng chẳng hề trồng một cây BDX nào, nhưng lại là người có công rất lớn trong việc đưa trái bưởi đặc sản này “phủ sóng” khắp thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Khi danh tiếng trái bưởi da xanh (BDX) đặc sản của xứ dừa Bến Tre vượt ra khỏi thị trường nội địa, nhiều người vui miệng gọi Chín Hưng (ảnh) là “ông trùm BDX”. Chuyện lạ đời nhưng thú vị là Chín Hưng chẳng hề trồng một cây BDX nào, nhưng lại là người có công rất lớn trong việc đưa trái bưởi đặc sản này “phủ sóng” khắp thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Gắn bó BDX vì... giận trong bụng

Những ngày cuối tháng 2-2012 chúng tôi tìm đến cơ sở thu mua và xuất khẩu BDX của doanh nghiệp tư nhân Hương Miền Tây, ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), do Chín Hưng (Đàm Văn Hưng, sinh năm 1964) làm giám đốc.

Đã hẹn trước mấy ngày, vậy mà khi đến nơi, bấm điện thoại gọi í ới, nửa giờ sau mới thấy Chín Hưng vận áo thun, quần tây bạc màu, mang đôi dép lê cũ xì lơn tơn đi về. Bước vào phòng làm việc nhỏ xíu đặt trong một góc của nhà máy xử lý, bảo quản, đóng gói BDX theo tiêu chuẩn Viet G.A.P trị giá hơn 7 tỷ đồng, “ông trùm” gãi đầu, cười phân bua: “Thông cảm cho tui. Đột xuất có nhà vườn kêu đi xem bưởi nên về trễ chút xíu”.

Thoạt nhìn dáng vẻ bề ngoài hết sức bình dân, chẳng ai nghĩ Chín Hưng là doanh nhân khét tiếng, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng ngàn tấn BDX đặc sản.

Cầm trái BDX được dán nhãn hiệu Hương Miền Tây, gói bằng một lớp nilon mỏng và giỏ lưới bên ngoài rất bắt mắt, Chín Hưng nói: “Năm 2010 tui đưa ra thị trường 4.000 tấn, năm rồi hơn 6.000 tấn. Năm 2012, mới đầu năm đơn đặt hàng cung cấp bưởi cho thị trường nội địa và xuất khẩu đã gửi về tới tấp, tui đang cân nhắc vùng nguyên liệu mới dám ký hợp đồng và tính toán thời điểm giao hàng cho khách”.

Ông Chín Hưng luôn dành thời gian xuống các vườn BDX.

 Ông Chín Hưng luôn dành thời gian xuống các vườn BDX.

Chín Hưng dẫn tôi đi xem dây chuyền sơ chế, đóng gói BDX đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P để chụp ảnh, rồi ông kể chuyện “duyên nợ” với trái bưởi đặc sản của xứ dừa Bến Tre: "BDX là loại trái ngon có xuất xứ từ xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cách nay khoảng 70 năm. Ngoài chất lượng tuyệt hảo, điều đặc biệt là da quả bưởi vẫn giữ màu xanh đậm khi chín, ít hoặc không hạt.

Hồi trước trái BDX chỉ loanh quanh trong tỉnh Bến Tre, dù ngon nhưng ít người trồng. Từ khi nổi tiếng qua các lần hội thi trái ngon trong và ngoài tỉnh, BDX được nhiều người trồng, nhưng thị trường tiêu thụ chỉ lên tới TPHCM. Năm 2000, lúc đó tui chuyên cung ứng mặt hàng cam sành miền Tây cho thị trường miền Trung, miền Bắc… cảm thấy lạ vì tại sao BDX ngon tuyệt mà chẳng ai biết đến, thiên hạ cứ ào ào mua bưởi 5 roi, bưởi lông Cổ Cò…, trong khi chất lượng của những giống bưởi này so với BDX thua đứt.

Thấy BDX của quê mình thua thiệt quá, trong một lần chuyển cam sành cho các vựa trái cây ở miền Bắc, tui chở theo một mớ BDX ra bán thử. Ngay lập tức tui bị bạn hàng “dội cho gáo nước lạnh”. Họ nói bưởi gì mà xanh lè, xanh lét, có chín đâu mà ăn với uống, bán bưởi xanh cho chúng tôi để… vứt vào sọt rác à?

Cuối cùng mấy chục kg BDX phải đem về vì cho cũng chẳng ai lấy, bởi lúc đó quan niệm của người tiêu dùng ngoài Bắc là trái bưởi chín vỏ phải vàng rực mới ăn được, còn BDX là bưởi non”.

- Vậy, bằng cách nào anh đưa BDX vào được thị trường này? - chúng tôi thắc mắc.

- Hồi đó mang mấy trái BDX trở về Nam trong bụng tui giận sôi bởi cái tật cố chấp của bạn hàng và người tiêu dùng phía Bắc, cứ nằng nặc cho trái bưởi vỏ xanh là bưởi non, nhất định không chịu nếm thử để biết được hương vị tuyệt vời của loại trái cây quý hiếm này. Giận “cành hông” khiến tui nhất định không chịu thua. Lần sau đem cam sành ra Bắc tui lại mang theo một mớ BDX - Chín Hưng hào hứng kể.

Lần này Chín Hưng không thèm nài nỉ bán trái BDX mà mang đi biếu không cho những bạn hàng quen biết, cố gắng thuyết phục họ BDX vỏ xanh lè nhưng chất lượng ăn đứt bưởi 5 roi, bưởi lông Cổ Cò và nhiều giống bưởi khác. Xẻ ra ăn thử, nếu thấy ngon thì cho ông biết, còn nếu không ngon… cứ việc mắng ông.

Chẳng ngờ Chín Hưng vừa về đến Bến Tre, những người được tặng bưởi từ ngoài Bắc gọi điện vào tới tấp, xuống giọng: “Bưởi xanh của bác chất lượng trên cả tuyệt vời. Bác còn nhiều bưởi xanh không, có bao nhiêu mang ra đây chúng em mua bằng hết”.

Thay đổi vận mệnh BDX

Tâm huyết ông "trùm" bưởi ảnh 2Chất lượng BDX tuyệt vời, đây là sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL nói riêng và nước ta nói chung. Thị trường tiêu thụ BDX trong nước và xuất khẩu còn rất lớn. Vấn đề là ngành chức năng cần quy hoạch, định hướng phát triển BDX; đặc biệt cần những doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư và đưa BDX đi tiêu thụ khắp nơi như cơ sở Hương Miền Tây. Cái yếu của trái cây hiện nay là còn thiếu những doanh nghiệp lớn đứng ra thu mua, bảo quản, chế biến, xuất khẩu.
Tâm huyết ông "trùm" bưởi ảnh 3

TS. NGUYỄN MINH CHÂU,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Cây ăn quả miền Nam

Chỉ trong vài năm, Chín Hưng đã đưa BDX Bến Tre chiếm lĩnh thị trường phía Bắc và năm 2002 ông bỏ hẳn trái cam sành, chuyển sang kinh doanh duy nhất mặt hàng BDX. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của ông phải cung ứng cho thị trường phía Bắc từ 15-20 tấn BDX, những dịp lễ, tết nhu cầu lên đến 40-50 tấn/ngày, dù giá bán cao ngất ngưỡng từ 20.000 đồng/kg trở lên.

Chín Hưng tâm sự: “2007 là năm vui nhất, bởi lẽ nhiều thương nhân nước ngoài, doanh nhân là Việt kiều khi biết được chất lượng BDX Bến Tre, đã về tận nơi tìm tui đặt hàng mua BDX xuất khẩu đi các nước. Hiện nay mỗi tháng tui phải cung ứng từ 2-3 container BDX cho bạn hàng ở thị trường châu Âu, châu Mỹ...

Họ yêu cầu số lượng lớn lắm, nhưng khả năng của cơ sở và vùng nguyên liệu có hạn, nên chỉ đáp ứng được như vậy. Điều làm tui khoái trong bụng là bây giờ trái BDX đặc sản Bến Tre đã không còn bị rẻ rúng như xưa, người tiêu dùng trong nước mê nó, người nước ngoài cũng mê nên nhà vườn Bến Tre đang đứng trước cơ hội làm giàu nhờ cây BDX vì giá bán tại vườn bao giờ cũng cao”.

Nhận thấy tiềm năng lớn của loại trái cây đặc sản này, UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định xây dựng vùng chuyên canh tập trung 4.000ha BDX, đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P. Tuy nhiên, tới giờ này “ông trùm” BDX Chín Hưng vẫn luyến tiếc việc trái BDX mất “cơ hội vàng” để quảng bá sản phẩm vào năm 2009.

Chín Hưng kể: “Năm đó tui được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị mang trái BDX đi dự hội chợ nông nghiệp quốc tế ở London (Anh quốc). Tui biết đây là cơ hội có một không hai để quảng bá thương hiệu BDX của Bến Tre, nhưng không dám đi bởi lẽ lúc đó BDX còn canh tác theo kiểu tự phát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng như bây giờ.

Đưa đi quảng bá không khó, nhưng khi đối tác nước ngoài chấp nhận mua và yêu cầu phải có tiêu chuẩn chất lượng thì biết ăn nói làm sao. Bây giờ BDX Bến Tre đã có Viet G.A.P rồi, sắp tới sẽ làm Global G.A.P, ai rủ mang BDX đi nước ngoài dự hội chợ nông nghiệp quốc tế tui đi liền, để trái bưởi đặc sản của Bến Tre có thêm thị trường, người trồng bưởi có thêm lợi nhuận”.

Ngồi ngắm ông chủ doanh nghiệp xứ vườn say sưa hoạch định hướng phát triển cho một loại trái cây đặc sản của quê nhà, tôi khâm phục Chín Hưng vì nghị lực, ý chí và tâm huyết để làm thay đổi vận mệnh  BDX, từ vô danh đã trở thành loại bưởi “số 1” được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng, vượt qua bưởi 5 roi và nhiều loại bưởi khác.

Sống chết cùng nhà vườn

Chín Hưng bây giờ trở thành nhân vật nổi tiếng đối với nhà vườn Bến Tre, đặc biệt là những người trồng BDX. Nhiều lần đi công tác ở Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Châu Thành, thành phố Bến Tre… chúng tôi nghe nhà vườn kháo nhau nhiều chuyện thú vị về “ông trùm” BDX.

Nào là Chín Hưng luôn giành thời gian đi vào các vườn bưởi để xem xét phương pháp canh tác, chất lượng sản phẩm, nơi nào trồng bưởi chưa đúng kỹ thuật thì ông tận tình hướng dẫn thêm để bà con có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhằm bán giá cao. Nào là Chín Hưng mua bán sòng phẳng với nhà vườn, giá bưởi lên thì mua lên, giá bưởi xuống thì cũng thông báo cho nhà vườn biết để giảm giá thu mua chút đỉnh, chưa khi nào thấy ông ép giá nhà vườn...

Tâm huyết ông "trùm" bưởi ảnh 4Vợ chồng con cái của tui đã trải qua những tháng ngày cơ cực đến mức bây giờ mỗi khi nhắc lại cả hai đều rơi nước mắt. Cưới vợ xong, cha mẹ cho vợ chồng tôi 1 công đất vườn dừa, lây lất vẫn không đủ sống nên phải dắt díu nhau lên Phước Mỹ Trung để hành nghề sửa máy nổ. Nghèo vẫn hoàn nghèo, nợ nần chồng chất đến mức nhiều năm liền ngày Tết Nguyên đán cả gia đình chỉ có một nồi cùi dừa cứng cạy kho khô để ăn. Căn nhà ọp ẹp bị chủ nợ xiết lấy đồng hồ điện nên suốt nhiều tháng liền phải đốt đèn dầu. Năm 1997, tui chuyển qua buôn cam sành nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Mãi đến khi chuyên tâm với trái BDX, gia đình tui mới khá lên như ngày nay. Bây giờ có của ăn, của để nên tui lúc nào cũng sẵn lòng giúp người nghèo khó.
Tâm huyết ông "trùm" bưởi ảnh 5

Ông ĐÀM VĂN HƯNG,
Giám đốc DNTN Hương Miền Tây

Đem những điều nhà vườn bàn luận về Chín Hưng hỏi ông, “ông trùm” lảng tránh không trả lời. Nài nỉ mãi “ông trùm” mới trải lòng bày tỏ: “Tui chỉ là một mắt xích giúp nhà vườn tiêu thụ được trái BDX với giá cao, có thị trường ổn định. Nhà vườn đổ mồ hôi, đổ công sức ra trồng bưởi, đương nhiên họ phải có lợi nhuận.

Tui mang trái bưởi đi bán, dĩ nhiên tui cũng phải có lời. Nhưng tui quan niệm mình có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cũng nhờ những người trồng BDX, nên lợi nhuận từ việc kinh doanh trái bưởi phải chia sẻ với nhà vườn, không bao giờ ém hàng, ép giá bà con để hưởng lợi riêng.

Điều tui băn khoăn nhất là hiện nay chỉ mới dám ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường với nhà vườn và các HTX trồng BDX trong tỉnh, vì chưa có đầy đủ cơ sở vật chất để tạm trữ hàng nên chưa thể mua đại trà số lượng lớn. Tui đang đầu tư xây thêm một nhà máy chế biến và kho lạnh tạm trữ có diện tích 2.500m2, sau khi hoàn thành sẽ ký hợp đồng bao tiêu đàng hoàng với nhà vườn với giá cố định (giá lên thì mua lên, giá xuống mua theo giá đã ký hợp đồng bao tiêu) để bà con an tâm sản xuất.

Riêng thị trường xuất khẩu, mấy năm nay trái BDX Bến Tre phải xuất qua trung gian nên giá cả vẫn còn thiệt thòi. Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, tui sẽ mở công ty xuất khẩu BDX, làm thương hiệu đàng hoàng, giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài nhằm giảm chi phí trung gian. Khi đó giá thu mua bưởi tại vườn sẽ cao hơn và nhà vườn hưởng lợi nhiều hơn”.

Trong những hoạch định tương lai quanh trái BDX, ngoài việc tri ân nhà vườn, “ông trùm” BDX Chín Hưng còn cho chúng tôi biết những năm gần đây cơ sở của ông nhận được khá nhiều sự giúp đỡ của các cơ quan công quyền từ tỉnh xuống đến xã, hỗ trợ người trồng BDX phát triển mặt hàng chiến lược này.

Bằng chứng là con đường trước mặt nhà máy của Chín Hưng nhỏ hẹp, trọng tải cho phép chỉ có 3 tấn nên mỗi khi lên hàng thì xe tải phải đậu ngoài đường lớn, công nhân phải dùng xe ba gác, khuân vác để trung chuyển bưởi từ nhà máy ra xe, vừa tốn thêm chi phí vừa gây ách tắc giao thông.

Sau khi nghe Chín Hưng trình bày, các ngành chức năng Bến Tre đồng ý nâng tải trọng con đường lên 8 tấn cho xe tải vào tận sân nhà máy ăn hàng, tiết giảm được rất nhiều phí trung chuyển, số tiền tiết giảm này  được Chín Hưng đưa vào giá mua bưởi cho nhà vườn.

Các tin khác