![]() |
Những ngày mùa thu tháng Tám năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hân hoan đón nhận tin vui: Ngày 10-8-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020.
Nghị quyết 16 tiếp tục kế thừa, phát triển Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010” triển khai trong 10 năm qua, đã đúc kết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay”.
Xác định tầm nhìn và phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2020, Nghị quyết 16 đã nêu ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Đồng thời với việc giao nhiệm vụ, Nghị quyết cũng đề ra một số cơ chế, chính sách để “TPHCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước”.
Có những nội dung khá mới tạo động lực thúc đẩy TPHCM phát triển: Tiếp tục cho phép TPHCM được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp; tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố trong một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng tính tự chủ về ngân sách, quyết định một số khoản thu chi; về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; tổ chức, nhân sự; thẩm quyền xử phạt hành chính… phù hợp với điều kiện của thành phố.
Có thể nói đây là những tiền đề cơ bản, quan trọng để TPHCM tiếp tục phát triển vững chắc, thể hiện vai trò đầu tàu, thực sự trở thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Cơ chế thí điểm nêu trên cũng là nền tảng để TPHCM xây dựng và triển khai đề án mô hình chính quyền đô thị - điều mà Đảng bộ, nhân dân thành phố ấp ủ từ lâu, bởi thực tế mô hình quản lý hành chính hiện hữu không còn phù hợp, quá nhiều tầng nấc, thiếu thực quyền, gây cản trở cho sự phát triển tương thích với giai đoạn mới.
Một yêu cầu trong việc xây dựng chính quyền đô thị mà UBND TPHCM đề đạt là cần tổ chức các cơ quan chuyên môn của thành phố theo hướng các sở chuyên ngành được giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt về lĩnh vực thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi khi xóa bỏ các tầng nấc trung gian của cơ quan quản lý hành chính, rút ngắn chi phí và thời gian. Hiệu lực quản lý Nhà nước cũng được thực thi nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thực tế tại TPHCM qua 3 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; bộ máy tinh gọn, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, đồng thời phát huy dân chủ ở cơ sở.
Với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, TPHCM luôn tỏ rõ vai trò xung kích, đi đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội, có đóng góp lớn về tổng sản phẩm nội địa (GDP), nghĩa vụ nộp ngân sách Trung ương trong thời gian dài.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức thời gian qua, tốc độ tăng trưởng GDP thành phố năm 2011 vẫn đạt 10,3%; gấp 1,75 lần so với mức trung bình cả nước. Năm 2012 suy giảm kinh tế tác động nhiều mặt, hàng loạt doanh nghiệp đình đốn nhưng TPHCM vẫn phấn đấu đưa GDP tăng 10%.
Để vượt thoát “bẫy” của nước phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, TPHCM có nỗ lực lớn đưa GDP bình quân đầu người đạt 3.320USD (năm 2011) trong khi bình quân chung cả nước chỉ trên 1.200USD. Dự kiến năm nay đạt 3.700USD và giai đoạn tăng tốc phát triển thời gian tới, kỳ vọng vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.500USD!
Đó là những thành tựu đáng trân trọng, tự hào để mọi người nhân dịp Quốc khánh 2-9 nhìn lại các cột mốc phát triển của đất nước nói chung, của TPHCM nói riêng. TPHCM ngày nay đã tỏ rõ tầm vóc là một đô thị văn minh, hiện đại với các khu nhà cao tầng, các công trình tầm cỡ khu vực; trở thành trung tâm thương mại-giao lưu quốc tế, tài chính-ngân hàng, dịch vụ hậu cần hàng hải-xuất nhập khẩu, du lịch…
Tuy vậy, trong tiến trình phát triển, TPHCM vẫn bộc lộ nhiều bất cập: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của thành phố; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng yếu kém, quá tải, ô nhiễm nghiêm trọng… cản trở mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng, làm cho đời sống nhân dân chậm cải thiện và chưa thụ hưởng tương xứng với thành quả kinh tế đạt được.
Một điều đáng quan ngại là tốc độ tăng trưởng trong 3 năm gần đây có biểu hiện ngày càng chậm lại do cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chưa điều chỉnh kịp thời để phát huy hết tiềm năng nội lực và thu hút ngoại lực trong công cuộc phát triển tương xứng với vị thế của TPHCM.
Sau hơn 25 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Người dân TPHCM kỳ vọng với tầm nhìn mới về phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2020 mà Nghị quyết đề ra, cùng với các cơ chế mới, sự hỗ trợ của Trung ương, sự đồng thuận của người dân, thành phố mang tên Người sẽ thật sự thay da đổi thịt, trở thành một đô thị tiêu biểu của nước Việt Nam thời kỳ hội nhập với nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vững vàng vào năm 2020.