Công tác hoạch định chính sách nói chung và ở Việt Nam nói riêng cần có những thay đổi trong quan điểm và triết lý đối với loại hình kinh tế mới này. Nhiều chuyên gia khẳng định như vậy tại cuộc tọa đàm mới đây do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), hiện nay Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Kinh tế số đã xâm nhập và đang thay đổi nhanh chóng diện mạo xã hội Việt Nam, buộc chúng ta phải đối diện với rất nhiều vấn đề, từ pháp lý, đạo đức, an toàn an ninh mạng, quyền riêng tư…
Cùng với việc ban hành một số đạo luật như Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Chính phủ đang xây dựng 2 nghị định (nghị định về định danh xác thực và nghị định về chia sẻ dữ liệu), được coi là sẽ giải quyết phần nào những vấn đề cơ bản mà Việt Nam đang gặp phải khi xây dựng kinh tế nền tảng số (gồm việc định danh mọi người, tất cả giao dịch để loại bỏ thông tin giả mạo).
Một ví dụ đáng lưu ý đã được ông Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX (FPT University X - Đại học FPT online), chia sẻ, đó là đề nghị cấp chứng chỉ cho sinh viên theo học mô hình giáo dục trực tuyến của FUNiX (vốn không “vừa khớp” vào khung khổ quy định hiện hành nào về bài giảng, người hướng dẫn và sinh viên), ban đầu đã bị từ chối thẳng thừng. “Bộ không đồng ý, làm gì có chuyện chứng nhận cho học hành như thế. Trường lớp thì không có, không thấy học sinh đâu, thầy đâu…”, người đứng đầu FUNiX kể lại.
Thừa nhận bản chất của giáo dục từ hàng ngàn năm nay là trao truyền tri thức trực tiếp từ một người biết cho một người chưa biết, rồi tiến đến việc giáo dục theo trường lớp (đến đúng giờ, đúng lớp…) là sản phẩm của cách mạng công nghiệp, là cách thức phù hợp để đào tạo ra những con người làm công nghiệp thời kỳ “trước kỷ nguyên số”, song các chuyên gia cho rằng, mô hình giáo dục truyền thống đã không còn phù hợp trong một số lĩnh vực nữa.
Ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh, cách học trực tuyến đặc biệt phù hợp với những môn mới, không phải cơ bản. Chẳng hạn như học trí tuệ nhân tạo, có rất ít người am hiểu về lĩnh vực này nên không dễ để tìm được người giảng dạy. Do đó, tuy chưa thuyết phục được Nhà nước công nhận, cấp chứng chỉ cho mô hình học tập này, song ông Nam lấy làm mừng vì “Bộ GD-ĐT đã không cấm”.
Cuộc sống luôn vận động và công tác xây dựng pháp luật cũng vậy. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn mới trong xây dựng chính sách thời kinh tế số.