Tâm thư của một người nộp Thuế TNCN

Thân gửi các tri kỷ đã gắn bó 15 năm.

Thân gửi các tri kỷ đã gắn bó 15 năm.

Khi ngồi viết lá thư này, tôi giật mình vì thời gian quen biết của chúng ta đã kéo dài bằng hành trình lưu lạc của Thúy Kiều. Ôi, một phần tư đời người với bao nhiêu buồn vui. Thế nhưng, càng ngày chúng ta càng ít có cơ hội gặp gỡ chúc tụng lẫn nhau. Vì tình cảm phai nhạt chăng? Không hề! Vì bận rộn chăng? Không hẳn! Vậy nguyên nhân chính là gì? Tôi đã suy nghĩ rất lâu mới tìm được câu trả lời: do mỗi người phải lo nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Ngày chúng ta mới quen nhau, giá vàng 5 triệu đồng/lượng. Mỗi người thu nhập hàng tháng khoảng 2-3 triệu thì có thể mua 1-2 chỉ vàng dằn túi, sau khi đã tiêu xài khá thoải mái theo cá tính tuổi trẻ. Thậm chí có người làm cho công ty tư nhân, lương tháng tương đương cả lượng vàng. Nhớ lại, thấy cái giai đoạn ấy sao mà… oanh liệt quá.

Bẵng đi vài năm, xuất hiện thuế thu nhập cao. Ai thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế, còn lại thì vô tư. Chà, lúc đó ai được nộp thuế thì tự hào lắm. Người có năng lực thì mới có thu nhập cao chứ. Tôi nhớ, nhóm tụi mình có 2 người được lọt vào danh sách nộp thuế thu nhập cao, khiến 4 người còn lại mắt tròn mắt dẹt kính phục.

Hơn 10 năm trước, tôi chỉ là một nhân viên bình thường, lương nhỉnh hơn 3 triệu đồng một chút, nhưng vẫn có cuộc sống khá dễ chịu. Suốt 10 năm qua, tôi phấn đấu không mệt mỏi, được nâng lương đều đều và chưa hề bị kỷ luật hay khiển trách gì. Bây giờ tôi đã thành một cán bộ cấp trưởng phòng, tổng thu nhập hàng tháng tròm trèm 10 triệu đồng. Dĩ nhiên, 10 triệu so với 3 triệu đồng là một khoảng cách đáng kể, nhưng nếu quy ra… vàng thì thật ê chề.

Nói thật với mọi người, từ năm 2007 ra đời thuế TNCN đến nay, tôi luôn tuân thủ mọi nguyên tắc nộp thuế. Mức khởi điểm nộp thuế cũng liên tục được tăng lên, nhưng khi so sánh với chuyển động của thị trường thì dường như vẫn còn nhiều khập khiễng. Tôi không dám mạo muội bàn về những quyết sách lớn của Nhà nước. Tôi chỉ muốn bày tỏ tâm sự riêng mình.

Thực sự tôi luôn cảm thấy vinh dự khi bản thân đóng góp vào nguồn thu thuế của xã hội không ngừng tăng lên từng năm. Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2009 mới thu được trên 14.000 tỷ đồng thì năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi, tới 26.200 tỷ đồng và năm 2011 ước khoảng 38.500 tỷ đồng từ thuế TNCN, chủ yếu là tiền lương và tiền công.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng sâu rộng đến bữa cơm hàng ngày. Vợ tôi ngày nào đi chợ về cũng than ngắn thở dài nghe thật xót xa và não nùng. Ban đầu tôi cứ nghĩ đàn bà ưa than vãn. Rồi một ngày vợ ốm, tôi phải tự thân vào siêu thị mua vật dụng cho gia đình. Trời, giá cả bất kỳ mặt hàng nào cũng nằm ngoài dự đoán của mình. Từ cái bàn chải đánh răng cho đến gói mì, hộp sữa đều đặt ra những bài toán vô cùng nan giải. Hôm đó, tôi rời khỏi siêu thị mà lòng ngổn ngang trăm mối.

Có điều gì như cơn ớn lạnh chạy dọc cơ thể mình. Giá cả như thế mà mỗi tháng đưa cho vợ 7 triệu đồng để lo lương thực cho cả nhà mấy miệng ăn thì thật tội nghiệp cho cô ấy. Hôm đó về nhà tôi len lén nhìn mái tóc vợ xem có sợi bạc trắng nào đã xuất hiện sau bao nhiêu lo toan cực nhọc mỗi ngày không.

 Giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt khiến cuộc sống nhiều người thêm eo hẹp (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt khiến cuộc sống nhiều người thêm eo hẹp
(ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Mới đây, nghe nói Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế khiến tôi không khỏi vui mừng. Bất ngờ, tại cuộc họp mới đây về dự án sửa đổi Luật Thuế TNCN, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh mà Chính phủ đề xuất là cao và không phù hợp với bản chất thuế TNCN.

Vì vậy, cơ quan này đề xuất mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 7 triệu đồng/tháng thay vì 9 triệu đồng, và người phụ thuộc là 2,8 triệu đồng/tháng thay vì 3,6 triệu đồng như đề xuất của Chính phủ.

Tôi xin hỏi thật bạn bè, với tổng thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng như tôi, thì bao giờ mới dành dụm đủ tiền để mua nhà hay mua xe? Này nhé, tiền chi tiêu hàng tháng giao cho vợ là 7 triệu đồng, tiền học phí cho con là 2 triệu đồng, còn lại 1 triệu cho tôi đổ xăng. Nếu giá xăng tiếp tục tăng thì eo ơi, tôi cũng chưa biết phải làm sao.

Nói ra rất đáng xấu hổ, đã lâu tôi không chở vợ đi xem phim, hay nghỉ mát. Nếu tôi có đề nghị thì vợ cũng lặng lẽ từ chối bằng lời giải thích vô cùng chí lý chí tình: “Nếu dư vài trăm ngàn thì đưa đây em cất dùm cho, lỡ nay mai có ai mời đám cưới thì đỡ bấn loạn lên”. Thậm chí, tôi còn phát hiện vợ mình quanh quẩn chỉ có mấy bộ quần áo mà thôi. Tấm lòng của người vợ đôn hậu và cam chịu đôi khi khiến tôi ứa nước mắt.

Càng nghĩ tôi càng thấy bất an. Dự thảo Luật Thuế TNCN giới hạn số người phụ thuộc là 2 người. Nếu tôi có thêm 1 đứa con thì không thể chu cấp cho mẹ già ở quê. Lẽ nào tôi phải chọn lựa giữa tội trốn thuế và… tội bất hiếu?

Mấy lần họp mặt bạn bè gần đây, tôi đều… vắng mặt. Chân thành xin lỗi mọi người. Không lẽ cùng nhau nâng ly mà tôi không góp tiền? Có thể bạn bè thông cảm cho tôi, nhưng tôi ngượng ngùng lắm. Hơn nữa, hoàn cảnh khó khăn chung.

Công ty của A đã cắt giảm nhân công rồi. Tiệm phở của B đã vắng bớt khách rồi. Trung tâm môi giới địa ốc của C cũng đã đóng cửa rồi. Mỗi người đều có vướng mắc riêng, tôi không thể để bạn bè gánh chịu thiệt thòi mà bao bọc cho tôi.

Có thể ý kiến của tôi hơi cực đoan, nhưng tôi vẫn nghĩ thuế thu nhập cá nhân không thể chỉ tính yếu tố bảo đảm cho cái ăn hàng ngày. Người lao động còn phải chuẩn bị cho tương lai chứ. Cuộc sống đòi hỏi trình độ cá nhân mỗi ngày mỗi gay gắt, nếu không được bồi đắp về kiến thức và thẩm mỹ thì làm sao thích nghi cuộc sống hiện đại?

Tôi bắt đầu cảm thấy mình trì trệ về tư duy khi tiết giảm mọi nhu cầu sinh hoạt. Người thu nhập hàng tháng khoảng 10 triệu đồng ở giữa đô thị đắt đỏ thì tránh sao khỏi cái vòng lẩn quẩn công sở - căn nhà?

Hoàn cảnh hiện tại của tôi, nghĩ cho cùng cũng không đến nỗi tệ hại khi… liên hệ với những đồng nghiệp chưa lập gia đình. Giá vàng cứ leo thang thế này, thì những người thu nhập cỡ như tôi chẳng biết đến bao giờ mới có đủ tiền cưới vợ.

Bây giờ muốn tổ chức một đám cưới, chi ly lắm cũng tốn hơn 100 triệu đồng. Vay mượn để cưới vợ thì chờ… nợ mòn con lớn sao? Hú hồn cho tôi đã cưới vợ sớm, chứ loay hoay lạm phát và nộp thuế thì chỉ biết ngửa mặt kêu trời.

Lời ngắn, tình dài. Mong bạn bè thông cảm cho bữa tiệc nào đó mà tôi… không đến được. Thành thật chia sẻ với những ai chưa vợ sẽ không dám lấy vợ.

Cầu chúc mọi người bình an.

TPHCM, tháng 9-2012

Các tin khác