Hội thảo có sự kết nối trực tuyến với các tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico, Chile và Brazil kiêm nhiệm Peru để trao đổi và giải đáp cho các doanh nghiệp những thông tin cập nhật về chính sách thương mại và tiếp cận thị trường tại nước sở tại.
Phát biểu tại hội thảo, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hội thảo nhằm mục đích cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp thông tin về các thị trường, các cơ hội, mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, cũng như hỗ trợ và định hướng cho doanh nghiệp cách tiếp cận các thị trường trong thời gian tới, qua đó góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác nói trên, đặc biệt trong bối cảnh thương mại quốc tế đang trải qua nhiều biến động và suy thoái do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Công Thương, 3 nước Mexico, Chile và Peru đang là những thị trường tiềm năng lớn ở khu vực Nam Mỹ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tận dụng được các lợi thế ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại.
Đối với thị trường Mexico, trong thời gian gần đây Mexico tiếp tục chiến lược mở cửa của mình. Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh (sau Brazil và Argentina). Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico là điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may.
Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Một số mặt hàng có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm: cá tra, cá basa, cá ngừ (những mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn sang Mexico được hưởng thuế suất 0% kể từ năm thứ 3), mặt hàng cá đông lạnh hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 2 sang Mexico (sau Trung Quốc); mặt hàng gạo (Mexico hiện phải nhập khẩu khoảng 900.000 tấn/năm); dệt may (xóa bỏ thuế theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16 và trong những năm qua, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico trên 100 triệu USD hàng dệt may, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Mỹ, Bangladesh, Ấn Độ).
Trong khi đó, Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của Việt Nam bởi 75% các công ty xuất - nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil.
CPTPP có hiệu lực sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ thương mại 2 nước Việt Nam - Peru khi Peru cam kết xóa bỏ 81%. Đây cũng là lần đầu tiên 2 nước có quan hệ FTA và doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu một số loại hàng hóa có thế mạnh như đồ gỗ ngoại thất, hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê (thuế suất về 0%); dệt may, giày dép (thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16).
Đối với Chile, đây là thị trường tích cực mở cửa cho hàng hóa Việt Nam trong những năm qua kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile chính thức có hiệu lực vào năm 2014. Trong bối cảnh CPTPP được thông qua, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. FTA Việt Nam- Chile có 1.118 sản phẩm nằm trong danh sách loại trừ. Do đó, với việc thực thi CPTPP một số lượng sản phẩm tiếp cận thị trường sẽ nhiều hơn, thời gian giảm thuế của CPTPP cũng nhanh hơn so với FTA song phương.
Chile cam kết cắt giảm 95,1% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi CPTPP có hiệu lực và 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8. Tiềm năng tại thị trường Chile đối với một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam là rất lớn. Các mặt hàng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu sang Chile có thể kể tới như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, mật ong; nông sản, thủy sản (thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực); gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép, cao su…
Dẫu vậy, để được hưởng những ưu đãi trên, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn như về nguyên tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về vận chuyển, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành có tính khu biệt đối với từng loại sản phẩm… Để làm được điều này, một mặt, cơ quan chức năng cần sớm nội luật hóa các quy định của Hiệp định CPTPP. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần phải tự đổi mới và hoàn thiện cơ cấu sản xuất của mình để đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được phê chuẩn vào ngày 30-12-2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1-2019. Trong số 11 quốc gia thành viên tham gia CPTPP, 3 nước Mexico, Chile và Peru thuộc khu vực Mỹ Latinh, trong đó, Mexico và Peru là 2 nước lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA. Đây là những quốc gia có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hóa Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, như Chile (95%), Peru (80%) và Mexico (77%).
Năm 2019, một năm sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, tổng giá trị thương mại 2 chiều của Việt Nam với Mexico, Chile và Peru đạt 5,12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang 3 thị trường này đạt 4,11 tỷ USD, tăng 26,76% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những thị trường Việt Nam xuất siêu cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh, với tổng giá trị thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD. Tăng trưởng ghi nhận lần lượt tại các thị trường: Mexico (26,3%), Chile (20,3%) và Peru (36,4%).
Năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, xuất khẩu sang 3 nước thành viên CPTPP thuộc khu vực Mỹ Latinh vẫn đạt 3,74 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng trưởng ghi nhận ở cả Mexico (8,6%) và Chile (0,7%).