Tản mạn bên bờ Hiền Lương

Tháng 12-1975, sau 3 ngày nằm chờ bên bờ biển Đồng Hới, một chiếc xe liên vận đón chúng tôi (vì lúc đó đường xe lửa chưa thông Bắc - Nam), theo đường quốc lộ 1 xuôi về Nam. Qua những cồn cát Quảng Bình, chúng tôi bắt đầu đi vào vùng đất Quảng Trị. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Quảng Trị đập vào mắt tôi là một bãi chiến trường đúng nghĩa. Vết tích chiến tranh vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đang là mùa đông nên cảnh vật càng quạnh hiu, ảm đạm.

Tháng 12-1975, sau 3 ngày nằm chờ bên bờ biển Đồng Hới, một chiếc xe liên vận đón chúng tôi (vì lúc đó đường xe lửa chưa thông Bắc - Nam), theo đường quốc lộ 1 xuôi về Nam. Qua những cồn cát Quảng Bình, chúng tôi bắt đầu đi vào vùng đất Quảng Trị. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Quảng Trị đập vào mắt tôi là một bãi chiến trường đúng nghĩa. Vết tích chiến tranh vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đang là mùa đông nên cảnh vật càng quạnh hiu, ảm đạm.

Chuyện người gác nghĩa trang

Xe qua cầu Hiền Lương, sông Bến Hải khi trời đã chạng vạng. Chúng tôi đề nghị bác tài đứng tuổi chạy chậm khi tới cầu và thật chậm khi qua cầu, để tận mắt ngắm chiếc cầu Hiền Lương, con sông Bến Hải... Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng chiếc xe rầm rập chạy qua những nhịp cầu sắt.

Chiếc cầu in bóng trong những tia nắng cuối cùng ở cuối chân trời. Trái tim tôi chùng xuống. Vĩ tuyến 17 là đây. Con sông Bến Hải là đây. Và chiếc cầu vô tội đã thành nơi chia cắt 2 miền đất nước, chia cắt bao nhiêu gia đình, vợ chồng, mẹ con, anh em...

Tôi bỗng nhớ da diết giọng hát của Thanh Huyền trong một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp "Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...”.

Năm 2000, khi có dịp đi ra Quảng Trị để thực hiện bộ phim tài liệu về đề tài chất độc da cam, tôi đã tranh thủ lội xuống bờ sông Bến Hải, để nhúng tay xuống dòng nước mát. Và bây giờ mới có thời gian thăm thị xã Đông Hà, mừng vì Đông Hà có chiếc cầu vượt mới, người dân Đông Hà bắt đầu có cuộc sống sung túc hơn.

Đi Cam Lộ, Hướng Hóa để quay phim, cả đoàn xúc động vì những người dân phải trải qua bao biến cố chiến tranh vẫn kiêu hãnh vươn lên. Cam Lộ, Hướng Hóa của Quảng Trị là vùng đất có tỷ lệ người nhiễm ảnh hưởng chất độc da cam rất cao. Có gia đình cả 4, 5 đứa con đều bị dị tật bẩm sinh mà cha mẹ, anh chị vẫn yêu thương, đùm bọc.

Trên đường đi quay, ngày mấy lần tôi đã đi qua nghĩa trang Trường Sơn, có những lúc ngồi trò chuyện với người gác nghĩa trang. Người phụ nữ ấy khoảng 40 tuổi. Và một nửa số tuổi của chị là những năm tháng công tác ở nghĩa trang Trường Sơn. Chị đi bộ đội, đến năm 1979 chuyển ngành về đây, làm người gác nghĩa trang Trường Sơn. Chị tên là Đoàn Thị Hồng.

NSND Trà Giang và NSND Đoàn Dũng tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm bộ phim Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm. 

NSND Trà Giang và NSND Đoàn Dũng tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm bộ phim
Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm.
 

Buổi sáng ở nơi đây thật yên tĩnh và mát mẻ. Chỉ có tiếng chim kêu "bắt cô trói cột” và tiếng tu hú đang gọi bầy... “Đã sắp sang hè rồi còn gì?” - chị Hồng nói với tôi khi hai chúng tôi ngồi trên bậc đá của khu nghĩa trang chưa có tên người nằm dưới.

Chị Hồng nói tiếp: Ở đây vắng vẻ lắm, chỉ khi có các đoàn khách đến thăm không khí mới nhộn nhịp. Khách đến thăm nhiều lắm, đó là những người đồng đội cũ, các địa phương, ban ngành đoàn thể, các đoàn khách nước ngoài và nhiều gia đình, người thân của những chiến sĩ đang nằm ở đây...

Chị Hồng nói: "Cái không khí yên tĩnh ở đây cũng không làm chúng tôi buồn đâu. Có thể người khác sẽ thấy cuộc sống ở đây hơi đơn điệu, ngày này qua ngày khác, chúng tôi chỉ nhìn thấy những ngôi mộ và những người khách đến rồi đi.

So với cuộc sống thành thị chắc chắn là buồn rồi. Thế mà chúng tôi đã ở đây 20 năm. Và chắc chắn chúng tôi sẽ còn ở đây cho đến lúc về hưu, cho đến khi cuối đời với các chiến sĩ đã ngã xuống...".

Chuyện của hơn 40 năm trước

Năm 1965, có 2 nghệ sĩ điện ảnh, ông Hải Ninh và ông Hoàng Tích Chỉ, đã vô tận giới tuyến 17 để viết kịch bản cho một bộ phim truyện nhựa. 2 người đã được lãnh đạo công an của giới tuyến cho đóng giả 2 chiến sĩ công an để được ra đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam cầu Hiền Lương tìm chất liệu viết kịch bản.

Trở về Hà Nội, Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh bắt tay vào viết kịch bản. Xong bản thảo, 2 tác giả lại lặn lội vô vùng giới tuyến để đọc cho những người trong cuộc nghe. Họ ghi nhận hết mọi sự góp ý và lại trở ra Hà Nội ngồi viết lại hoàn chỉnh. 2 ông đã hoàn thành kịch bản “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm” trong 5 năm trời.

Cuối năm 1971, lần này tổ làm phim, gồm đạo diễn Hải Ninh, diễn viên Trà Giang, Đoàn Dũng, họa sĩ thiết kế... trở vô Vĩnh Linh để đi thực tế. Và trong chuyến đi này, có một cuộc gặp gỡ mà NSND Trà Giang sẽ nhớ đời. Khi đoàn phim ở Vĩnh Linh có một đơn vị du kích của Gio Linh vượt sông Bến Hải ra Vĩnh Linh để tập luyện.

Đó là công việc thường xuyên của những chiến sĩ du kích vùng giới tuyến. Ban ngày họ vượt sông Bến Hải ra Vĩnh Linh tập luyện, tối lại vượt sông về Gio Linh đánh giặc. Đoàn làm phim được gặp những người thật, nghe những câu chuyện thật của những người sống và chiến đấu từ bờ Nam sông Bến Hải kể lại.

Trà Giang đã gặp một nữ du kích chỉ mới ngoài 20 tuổi. Hai người gặp nhau, chuyện trò tâm sự. Ngày hôm sau, o Thảo (Hoàng Thị Thảo) - tên người nữ du kích - lại trở về Gio Linh... Trà Giang nói, o Thảo đó chính là một phần hình mẫu của vai Dịu mà Trà Giang đã thủ diễn trong ”Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm”.

Năm 1999, Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Huế, Trà Giang cùng đạo diễn Hải Ninh trở ra Quảng Trị tìm đến nhà của o Thảo để thăm, mới hay o Thảo đã hy sinh, chỉ mấy tháng sau khi Trà Giang gặp. Trên con đường làng Gio Quang, huyện Gio Linh, lúc đi tìm nhà o Thảo, Trà Giang và Hải Ninh hỏi đường và tình cờ gặp người chị dâu của o Thảo.

Họ đưa đạo diễn Hải Ninh và Trà Giang về nhà, gặp người anh ruột của o Thảo là ông Hoàng Xuân Đính. Trà Giang đã tặng cho họ tấm ảnh Trà Giang và o Thảo chụp với nhau năm 1971. Cả hai vợ chồng ông Đính đều khóc. Họ đã không hề biết rằng, có cuộc gặp gỡ giữa hai người - cô em gái của họ với một diễn viên điện ảnh.

Chuyện của hơn 40 năm sau

Tôi lại đứng trên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải buổi sáng cuối tháng 8 - 2012. Những người bạn đồng hành của tôi cũng rất đặc biệt, 2 NSND của điện ảnh là chị Trà Giang và anh Đoàn Dũng. Đó không phải là một chuyến đi bình thường. Viện phim Việt Nam tổ chức Tuần lễ phim Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Quảng Trị giải phóng và cũng là 40 năm bộ phim “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm” ra mắt khán giả.

Có buổi gặp mặt của những cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu, công tác ở giới tuyến những ngày chống Mỹ; có cả những khán giả đã từng xem bộ phim “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm” năm 1972 và 2 diễn viên chính của phim, Dịu - Trà Giang,  Vệ - Đoàn Dũng.

Trà Giang và Đoàn Dũng đã kể về năm 1971... 40 năm sau ngày bộ phim “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm” công chiếu. 40 năm ngày chiến thắng Quảng Trị, ra thăm lại Quảng Trị lần này, Trà Giang lại nung nấu ước muốn trở lại Gio Quang để thăm mộ o Thảo và 2 vợ chồng người anh ruột của o Thảo.

Năm nay chị đã tròn 70 tuổi, còn anh Đoàn Dũng thì đã 75. Mấy năm nữa, sức khỏe liệu có còn đủ để có thể thực hiện những chuyến đi? Nắng chiều rực rỡ khi chúng tôi đến căn nhà nhỏ của ông bà Hoàng Xuân Đính ở Gio Quang, Gio Linh, Quảng Trị. Nhìn tấm ảnh o Thảo và Trà Giang chụp với nhau để trên bàn thờ bên cạnh bằng Tổ quốc ghi công ai cũng xúc động.

Ông Hoàng Xuân Đính cho hay, o Thảo hy sinh đầu năm 1972, khi đang về xã chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Khi ấy, cô mới 22 tuổi. trẻ và xinh đẹp. Vợ chồng ông Đính kể rằng, họ đã coi phim ”Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm”, yêu thích diễn viên Trà Giang trong vai Dịu mà không ngờ Dịu là một phần hình ảnh của em gái mình.

Ông Đính đưa chúng tôi ra nghĩa trang Gio Quang để thăm mộ o Thảo. 2 lần Trà Giang đến thăm mộ o Thảo đều phải leo rào vô nghĩa trang. Lần trước, năm 1999 không tìm được người giữ chìa khóa, lần này tìm được, nhưng người gác nghĩa trang lại đưa không đúng chìa. Và một lần nữa, người NSND 70 tuổi lại leo rào để vô nghĩa trang đốt nhang cho o du kích dũng cảm.

Đứng trên bãi biển Cửa Việt, địa đạo Vịnh Mốc... thăm lại những nơi đoàn làm phim đã từng quay,  tôi lại nghĩ đến chuyện ông Hoàng Tích Chỉ, ông Hải Ninh lặn lội vô giới tuyến để viết kịch bản; đến chuyện NSND Hải Ninh, Trà Giang, Đoàn Dũng... đi thực tế  để có vốn sống mà làm phim. Và cả việc, có dịp họ lại trở lại thăm những người đã góp sức làm nên bộ phim “Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm”.

Làm phim ngày trước trong hoàn cảnh gian khổ và có thể hy sinh. Người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ là vậy. Nhưng đâu ai nề hà! Vậy nên "Vĩ tuyến 17- Ngày và Đêm" mới trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Trà Giang, Đoàn Dũng được nhân dân Quảng Trị chào đón như người thân trong nhà.

Còn phim bây giờ, có khi chưa hết phim, người xem đã quên ngay những phần trước. Ngày trước, khán giả gọi tên diễn viên bằng tên nhân vật trong phim, NSND Lâm Tới là ông Tám Huyện, NSND Lý Huỳnh là ông Hai Lúa; NSƯT Thùy Liên là Sáu Linh, NSƯT Nguyễn Chánh Tín là Nguyễn Thành Luân... Còn bây giờ, ít ai nhớ đến một vai diễn của diễn viên. Sao vậy?

Các tin khác