Tôi đến New York để tìm hiểu về thị trường bất động sản Hoa Kỳ khi Virginia vừa xảy ra động đất khá mạnh. Mọi người chưa kịp hoàn hồn thì nhận được tin bão lớn Irène sắp đổ bộ vào bờ Đông. Tối hôm đó, quảng trường Times (Times Square) vẫn tràn ngập người dạo phố với đủ loại sắc tộc và màu da, khó phân biệt được đâu là dân bản xứ, đâu là khách du lịch.
Sáng hôm sau, tôi đón xe bus xuống Washington DC để làm việc với ông Chủ tịch Hiệp hội Các nhà môi giới khu North Virginia (bao gồm cả Washington DC và các khu lân cận). Cũng may, vì sau chuyến xe tôi đi hãng xe bus nghỉ chạy 3 ngày do bão Irène.
Xe chạy hơn 4 tiếng rưỡi mới đến nơi, dù là xe tốc hành. Ở Hoa Kỳ, xe bus đường dài có thể mua vé qua mạng giống như đi máy bay. Tài xế hầu hết là người lớn tuổi nhưng còn sức khỏe, có cả phụ nữ tham gia làm “bác tài”. Giữa đường có trạm dừng cho khách xả hơi và mua đồ ăn, thức uống.
Ở Washington DC giống như Hà Nội, vì là thủ đô nên giá nhà đắt hơn các bang khác. Thành phố này tập trung trụ sở của các hãng lớn trên thế giới ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nhờ quy hoạch tốt nên các tòa nhà được bố trí thành từng cụm, lẫn trong các khu cây xanh được điểm xuyến bằng các hồ nước tạo cảm giác yên bình và dễ chịu.
Dọc các đại lộ là những công viên cây xanh rợp bóng, lại có các khu đồi lúp xúp phía xa. Đi giữa thành phố mà vẫn có cảm giác như đang ngoạn cảnh ở một vùng quê. Ở đây tuyệt nhiên không có khái niệm “nhà mặt tiền” như ở Việt Nam. Xe cộ cũng có vẻ thưa thớt và không khí trầm lắng, chắc một phần do tin bão sắp vào, phần khác do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
![]() |
Tác giả trên Quảng trường Times ở New York. |
Ông Chủ tịch Hiệp hội đón tôi ở khách sạn rồi đưa đi thăm một số công ty môi giới bất động sản, thăm trụ sở của Hiệp hội ở Virginia. Đây là một tòa nhà xây theo công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng. Hoạt động của họ rất quy củ, bài bản.
Chủ tịch Hiệp hội chỉ có nhiệm kỳ 1 năm, nhưng đó là quãng thời gian phải làm việc cật lực. Các realtor (chuyên viên địa ốc) muốn có chứng chỉ hành nghề đều bắt buộc phải qua các khóa đào tạo của Hiệp hội. Đêm đó, bão ập vào thành phố, cây cối bị gió lớn quặt quẹo suốt đêm, mưa trút ầm ầm, mọi người rút hết về nhà, đường phố vắng tanh.
Bão Irène tàn phá một số vùng duyên hải bờ Đông Hoa Kỳ, làm chết mấy chục người và hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng do mất điện và phải di tản khẩn cấp. Tổng thống Obama đang đi nghỉ hè phải lật đật quay về để chỉ huy chống bão.
Do thời gian có hạn nên sau 1 ngày xuống Florida để nghiên cứu tình hình địa ốc các thành phố ven biển, tôi trở ngay về New York, thành phố hiện đại, đắt đỏ và năng động nhất Hoa Kỳ.
Tương tự TPHCM, các ô phố của New York san sát cửa hàng thương mại, dịch vụ, giải trí ở tầng trệt các cao ốc, phía trên là văn phòng làm việc, thỉnh thoảng có cả căn hộ. Đường phố New York quy hoạch ngang dọc như bàn cờ theo hai hướng Bắc Nam và Đông Tây.
Riêng đường Broadway nổi tiếng, bắt đầu từ Times Square chạy hình vòng cung xuống phía Nam, qua Wall Street đến tận Bowling Green, điểm cực Nam của bán đảo ở khu Manhattan. Đời sống văn hóa của New York cũng phong phú như việc kinh doanh thương mại, có rất nhiều nhà hát đủ cỡ ở phố Theater District thường xuyên tổ chức các chương trình hòa nhạc, xiếc, chiếu phim, nhạc kịch với nhiều tác phẩm kinh điển và hiện đại được dàn dựng công phu, hoành tráng.
Đầu tư rất lớn và khách luôn luôn chật rạp. Đặc biệt nổi tiếng là khu Madison Square Garden, chỉ dành cho những nghệ sĩ hàng đầu thế giới biểu diễn. Khu mua sắm thời trang nổi tiếng của New York là South of Houston (SOHO), với đủ các nhãn hiệu đắt tiền dành cho giới nghệ sĩ và nhà giàu. Ẩm thực ở đây cũng rất phong phú.
Bạn có thể đi ăn món Tàu hay món Italia ở Chinatown hoặc Little Italia. Nếu lười đi xa, bạn có thể đi vòng quanh khu phố mình ở, chắc chắn sẽ có rất nhiều quán ăn đủ các kiểu, từ MacDonald, Hotdog quen thuộc của Hoa Kỳ, đến món Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Brazil, Thái Lan, Hungary, Ấn Độ... và tất nhiên là có cả Việt Nam.
Một buổi tối, tôi đi tìm món Thái cho đỡ ngán, tình cờ tìm thấy quán ăn “Sài Gòn 48” nằm kế bên với đủ các món từ bánh cuốn, bò kho, bò viên, hủ tiếu, phở cho đến cơm chiên, cà phê đá. Tuy nhiên, khi hỏi nước mắm lại không có. Thì ra chủ quán và nhân viên đều là người Hoa.
Lạ một điều là khách ăn quán này rất đông, mà toàn là khách Hoa Kỳ, châu Âu. Thế mới biết, món ăn Việt Nam rất được ưa chuộng ở nước ngoài. Ngược lại, qua đây mới biết hamburger MacDonald nổi tiếng và có chi nhánh toàn cầu nhưng lại không được dân New York chính hiệu chuộng bằng hamburger của cửa hàng Shake Shack.
Cửa hàng này không có chi nhánh, nên khách sẵn sàng xếp hàng rồng rắn hàng giờ chỉ để mua một miếng bánh kẹp thịt bò và một bịch khoai tây chiên.
Đến New York, bạn cần đi bộ quanh khu Times Square về đêm để cảm nhận hết sự hào nhoáng, rực rỡ, ồn ào rất đặc trưng của dân Hoa Kỳ. Bạn cũng nên đến thăm trung tâm Rockefeller, một thời là biểu tượng của Hoa Kỳ, đã bị mấy ông chủ người Nhật Bản mua lại từ cuối những năm 80, khi kinh tế Nhật Bản đang ở thời kỳ sung sức.
Bây giờ, cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều dè chừng Trung Quốc, vì hàng hóa nước này đang tràn ngập thị trường thế giới, thậm chí Trung Quốc còn là một trong những chủ nợ lớn của Hoa Kỳ và một số nước khác. Thời cuộc luôn luôn thay đổi.
Từ thời xa xưa, triết gia cổ Hy Lạp Heraclitus đã bảo rằng: “Không có yếu tố nào là vĩnh hằng ngoài thay đổi”. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng từng nói: “Để hoàn thiện hơn bạn cần thay đổi, để hoàn hảo bạn cần thay đổi thường xuyên”.
Và Alvin Toffler, một tác giả về văn hóa đại chúng đã bổ sung: “Thay đổi không chỉ là điều cần thiết trong cuộc sống, thay đổi chính là cuộc sống”. Thế đó, chúng ta cũng mong rằng Việt Nam sẽ liên tục thay đổi, để ngày càng lớn mạnh và hoàn thiện hơn, sánh vai với cường quốc năm châu.