Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú như các mỏ than đá, sắt, chì, vàng cốm, vàng sa khoáng, bauxit, cát sỏi... Việc khai thác nguồn tài nguyên này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý khai thác, đặc biệt tình trạng khai thác trái phép đang khiến nguồn tài nguyên khoáng sản dần cạn kiệt, người dân mất đất sản xuất, ngân sách nhà nước thất thu, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng.
Khai thác tràn lan
Được đánh giá là nơi có trữ lượng vàng lớn nhất khu vực Tây nguyên, xã Hiếu, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đang là điểm nóng của việc khai thác vàng. Từ năm 2013 đến nay, hàng trăm người dân từ các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Quảng Ngãi, Gia Lai... đổ về khu vực suối Đăk Hre (bắt nguồn từ xã Hiếu chảy vào sông Re đổ về huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) để đào đãi vàng.
Cả một khu vực lớn của thượng nguồn sông Re bị băm nát, lật tung để tìm kiếm vàng sa khoáng. Đất, đá bị máy múc, máy bơm khoét sâu tạo thành những hố bom nham nhở khắp nơi. Tại các bãi vàng vừa khai thác xong, mùi xyanua bốc lên nồng nặc, sông Re đục ngầu vì bùn, cây cối xung quanh bị cưa xẻ làm lán trại ngã rạp ngổn ngang.
Không những vậy, để tranh giành địa bàn, các nhóm người khai thác vàng không ngại thanh toán lẫn nhau, kể cả ép người dân bán đất để họ đào bới tìm vàng. Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý nên tình hình tạm lắng xuống.
Sở TN-MT Gia Lai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có quy định địa phương để xảy ra tình trạng này Chủ tịch UBND nơi đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quy định này chỉ hạn chế, không thể dứt điểm được. Trong năm 2104, tỉnh Gia Lai sẽ cơ bản hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định, đây chính là cốt lõi của vấn đề”. Ông Phạm Duy Du, |
Không chỉ tại xã Hiếu, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum như huyện Đắk Glei, huyện Kon Rẫy... nạn khai thác vàng trái phép cũng diễn ra công khai. Hậu quả từ những cơn bão vàng là các đám ruộng rẫy mỡ màng bị cày xới, các dòng sông bị băm vằm, đất đai bạc màu, nguồn nước ô nhiễm... khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Dọc theo con suối Đắk Tờ Re (xã Đắk Tờ Ve, huyện Kon Rẫy), đoạn chảy qua các thôn 1, 2, 3, hầu như không còn ruộng lúa, phần đã được nhóm người khai thác mua, phần bị bồi lấp do khai thác vàng. Theo người dân địa phương, toàn bộ khu vực này vốn là thung lũng hoang sơ, có con suối chảy qua cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hộ dân các thôn 1, 2, 3. Tuy nhiên, hiện nay thung lũng này không còn nguyên dạng.
Tương tự, dòng sông Đắk Bla chảy qua thôn 8, xã Đắk Tờ Ve (huyện Kon Rẫy) bao đời nay luôn xanh ngắt, nhưng từ khi người khai thác vàng đổ về, dòng nước trở nên đục ngầu, lòng sông để lại những hố sâu rất nguy hiểm.
Ông A Minh, người dân tộc Xơ Đăng ở thôn 8 ngao ngán: “Có mấy sào đất trước trồng mì, trồng bắp giờ phải để không vì đất trơ toàn sỏi đá, có trồng cũng không có củ, có trái”. Không chỉ nạn khai thác vàng trái phép, ngay cả những khu vực có mỏ vàng được cấp phép, cuộc sống người dân nơi đây cũng bị đảo lộn.
Điển hình như khu vực ven suối Đắk Mỹ, thôn Đắk Đoát, xã Đắk Pét, huyện biên giới Đắk Glei, hàng chục ha đất ở đây trong thời gian dài là "cần câu cơm" nuôi sống người dân. Nhưng từ khi Công ty TNHH Kim Sơn Thủy tiến hành khai thác vàng sa khoáng, vùng đất này trở thành bãi hoang tàn, chỉ toàn đá sỏi. Thậm chí, gần 2 năm kể từ khi Công ty Kim Sơn Thủy kết thúc khai thác, người dân địa phương vẫn chưa thể canh tác lại được.
Cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường
Không nóng như ở Kon Tum, nhưng việc khai thác vàng ở tỉnh Gia Lai cũng để lại nhiều hệ lụy đến môi trường và đời sống của người dân. Những bờ sông, con suối, đất đai màu mỡ tại những bãi vàng ở xã Đắk Sơ Mei (huyện Đắk Đoa), xã Hà Tây (huyện Chư Pah), xã Ya Hội (huyện Đắk Pơ) và huyện Kông Chro... oằn mình chịu trận, kéo theo đó là cảnh ngộ khốn khổ của người dân địa phương.
Như con suối Đắk Pơ Tơng đoạn chảy qua địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Pah, nơi người dân địa phương sử dụng nguồn nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, sau khi bị đào xới không thương tiếc từ những con tàu đào, đãi vàng sa khoáng công suất lớn, bờ suối bị xói lở nghiêm trọng, dòng nước đục ngầu...
Cùng với đó, việc khai thác cát lậu trong thời gian dài đã làm thất thoát lượng lớn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền không nhỏ.
Từ khi các doanh nghiệp đến thăm dò và khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn huyện, người dân chưa được hưởng lợi bao nhiêu nhưng đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy như mất đất sản xuất, gia tăng tình trạng phá rừng làm nương rẫy trái pháp luật. Ông Trịnh Xuân Lộc, |
Có thể nói, việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, thiếu hợp lý đang làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, đặc biệt nguồn tài nguyên nước. Tây nguyên hiện có trữ lượng ước tính 15 tỷ KWh điện/năm, chiếm 22% lượng điện của cả nước. Cho đến nay, 8 bậc thềm đã khai thác gần hết với hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ đang vận hành.
Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành hồ chứa phù hợp với lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, đã gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, làm thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân địa phương. Việc khai thác khoáng sản tràn lan, nhất là khai thác và chế biến quặng bauxit đang tiêu tốn một lượng lớn điện và nước, đồng thời thải một lượng lớn bùn đỏ, có thể hủy hoại môi trường nghiêm trọng.
Ngoài ra, thủy điện cũng gián tiếp gây nên tình trạng phá rừng bừa bãi. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây nguyên, hiện chủ đầu tư các dự án thủy điện ở Tây nguyên mới trồng được gần 800ha rừng, trên tổng diện tích rừng phải trồng thay thế gần 23.000ha.
Còn ở lĩnh vực khai khoáng than đá tại khu vực phía Bắc - một trong những tài nguyên rất phong phú, có trữ lượng cực kỳ lớn - vẫn chủ yếu áp dụng 2 phương pháp chính là khai thác lộ thiên và khai thác mỏ, cho thấy trình độ công nghệ khai thác hầm lò của Việt Nam chậm hơn so với các nước có nền công nghiệp phát triển vài thập niên.
Đây chính là nguyên nhân lớn dẫn đến việc môi trường bị ảnh hưởng nặng nề ở những khu vực khai khoáng, bởi công nghệ lạc hậu sẽ dẫn đến sự hủy hoại môi trường lớn hơn, gây lên sự rò rỉ khoáng sản, ảnh hưởng tới nguồn nước và không khí trong khu vực.
Cần giải pháp cấp bách
Có một thực tế, ngay cả việc khai thác khoáng sản được hợp pháp hóa, công tác bảo vệ môi trường đã rất khó khăn nên việc khai thác khoảng sản, như vàng, bạc, titan, cát… trái phép hầu như không thể ghi nhận hết những tác động về môi trường.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lợi dụng việc triển khai dự án để khai thác vàng sa khoáng tại các khu vực cấm thuộc vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn (KBT), đã gây ra hệ lụy khôn lường. Điển hình là vụ khai thác vàng xảy ra tại VQG Ba Vì (Hà Nội); vùng lõi VQG Pù Mát (Nghệ An); KBT thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn); KBT thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An); khai thác thạch anh hồng ở VQG Chư Yang Sin (Đắk Lắk)…
Tác động xấu như vậy, nhưng ngân sách thu về cho các địa phương từ việc khai thác khoáng sản không đáng là bao. Hiện nay, nguồn thu trực tiếp từ việc khai khoáng vẫn dựa chủ yếu vào thuế tài nguyên khoáng sản. Doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khoáng sản thực tế khai thác hàng năm, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm cơ sở cho việc tính thuế tài nguyên khoáng sản, ngoại trừ dầu khí có luật riêng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp báo cáo chưa đúng sản lượng khai thác gây thất thoát nguồn thu ngân sách. Cụ thể, tại tỉnh Điện Biên, trong suốt 3 năm (2007-2010) chỉ thu được vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng tiền thuế khai thác khoáng sản, dù có tới gần 90 điểm mỏ được cấp phép khai thác các loại khoáng sản từ vàng cốm, vàng sa khoáng đến than, chì, kẽm, sắt, bauxit, đá vôi, cát sỏi…
Nhằm chấn chỉnh các hoạt động gây nguy hại nói trên, 9 tháng năm 2014, Bộ TN-MT đã tiến hành thanh tra chuyên đề hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng tại 5 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại Hà Giang, Nghệ An cũng được bộ này tiến hành.
Ngoài ra, Bộ TN-MT còn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép tại 6 tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên; kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Thanh Hóa và nhiều đợt kiểm tra đột xuất khác. Qua kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định không đưa mỏ vào hoạt động.
Khai thác vàng sa khoáng tràn lan ở Kon Tum. |
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, song theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, việc triển khai pháp luật về khoáng sản tại các bộ, ngành và địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ TN-MT đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; thu hồi sản phẩm từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Những giải pháp cụ thể đó cho thấy sự quyết tâm tăng cường quản lý việc khai thác khoáng sản, tránh thất thoát nguồn tài nguyên của quốc gia.