Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng cần điều chỉnh mục tiêu bội chi để kích thích tăng tổng cầu trong thời gian tới. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khi dư địa điều hành của chính sách tiền tệ còn rất ít. Trao đổi với ĐTTC, ông Lịch cho biết:
Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng cần điều chỉnh mục tiêu bội chi để kích thích tăng tổng cầu trong thời gian tới. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khi dư địa điều hành của chính sách tiền tệ còn rất ít. Trao đổi với ĐTTC, ông Lịch cho biết:
|
Tăng bội chi để kích thích tổng cầu, kích tín dụng nhưng cần giám sát chặt chẽ. Ảnh: LONG THANH |
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thu ngân sách chỉ đủ để chi thường xuyên, do vậy Quốc hội trong thời gian tới nên chấp nhận tăng bội chi với con số đủ để các địa phương trả nợ các dự án xây dựng cơ bản mà các DN đã và đang triển khai. Con số này chưa chính thức nhưng cũng có thể lên đến gần trăm ngàn tỷ đồng. Với số lượng này, nếu chúng ta xử lý được sẽ gỡ được một phần dòng vốn, tạo sự lan tỏa sang các ngành khác. Có thể nói, đây được xem là biện pháp kích thích tổng cầu tốt nhất hiện nay.
Để xử lý tình hình hiện nay, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất là không đủ. Muốn vực dậy nền kinh tế, ngăn chặn tình trạng DN tiếp tục thua lỗ, giải thể, phá sản, chúng ta phải nghĩ đến chính sách tài khóa.
Việc chúng ta có dám mạnh dạn tăng bội chi hay không khi một số công trình xây dựng cơ bản đã thực thi đến 70% nhưng thiếu vốn là một quyết định rất khó. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tiếp tục đầu tư để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Dĩ nhiên, biện pháp khó khăn này phải kèm theo sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong việc sử dụng đồng tiền.
Phóng viên: - Nhưng tăng bội chi cũng có nghĩa là gây thêm áp lực cho ngân sách và làm tăng nợ công, thưa ông?
ĐBQH Trần Du Lịch: - Sở dĩ tôi nói đây là quyết định rất khó khăn vì nợ công của nước ta đã đến mức báo động, ngân sách nhà nước bội chi lớn. Phải làm sao để trong một hai năm tới, nợ đọng trong xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước được giải quyết.
Song tôi thấy, trong hoàn cảnh hiện nay không còn phương thuốc nào để kích tổng cầu tốt nhất ngoài biện pháp cho phép tăng bội chi. Và trong chính sách tài khóa hiện nay, tôi ủng hộ việc sửa thuế thu nhập DN để tiến tới năm 2014, mức thuế này giảm xuống còn 22%, đến năm 2016 giảm xuống còn 20%.
Tôi cho rằng mức thuế này là hợp lý để tạo niềm tin cho DN, đồng thời giúp ngân sách sẽ không bị thất thu nhiều. Nhưng đây là cái lớn trong trung, dài hạn.
- Theo quan điểm của ông, lúc này chính phủ có cần một gói kích cầu khác hay không?
- Tôi nghĩ rằng không cần gói gì lớn nữa. Hỗ trợ thị trường chứ không thể làm thay thị trường. Chúng ta cũng không nên quá nóng ruột mà dùng những biện pháp làm méo mó thị trường. Trước hết hãy để thị trường tự điều chỉnh.
- Xin cảm ơn ông.
Gia tăng đầu tư công mới kích tín dụng Ông ĐÀO VĂN HÙNG Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (Bộ KH-ĐT) Hiện nay mặt bằng lãi suất đã trở về giai đoạn 2005-2007. Tôi cho rằng với nền kinh tế hiện nay, lãi suất như vậy khá hợp lý. Nhưng mặt bằng lãi suất ít nhất 4-6 tháng nữa mới có chuyển biến tích cực trên thị trường. Chúng ta mới điều hành vài tháng nay, nếu sốt ruột quá nhiều khi lại làm méo mó chính sách, không nhất quán trong điều hành. Điều đáng quan ngại là trong thời gian qua tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, kể cả đầu tư xã hội. Đương nhiên kéo theo sức mua của nền kinh tế sẽ giảm xuống. Do vậy hiện nay nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ để cứu DN, vực dậy nền kinh tế khó có thể đạt được. Có 2 vấn đề cần xem xét, thứ nhất là bội chi ngân sách, trong bối cảnh này vẫn giới hạn bội chi như vậy là hơi cứng nhắc, cần có những thảo luận, trao đổi để nới lỏng bội chi ngân sách nhằm gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thứ hai, tại cuộc hội thảo mà Học viện Chính sách và phát triển vừa tổ chức, chúng tôi cũng thảo luận về vấn đề này và thấy rằng gần như các nước trên thế giới đang xem xét lại trần nợ công. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xem lại quan điểm về nợ công. Trong lúc nền kinh tế suy giảm, không có giải pháp nào nhanh chóng hơn bằng gia tăng đầu tư công, chi tiêu ngân sách của chính phủ. Bài học này từng thấy ở các nước khi khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên, nếu gia tăng chi tiêu của chính phủ, chi tiêu công phải đảm bảo hiệu quả, nhờ vậy mà tăng hiệu quả của nền kinh tế. Lúc đó, nhu cầu tín dụng mới gia tăng. Gần như là chu kỳ hai của giải pháp thúc đẩy kinh tế. |
HÀM YÊN (ghi)