Đó là do năng lực nội sinh chưa được khai thác tốt, chưa được sử dụng hiệu quả. Chuyển tiềm năng thành năng lực thật đang là vấn đề cấp thiết. Đó là do năng lực nội sinh chưa được khai thác tốt, chưa được sử dụng hiệu quả. Chuyển tiềm năng thành năng lực thật đang là vấn đề cấp thiết.
Có một thực tế cần được phân tích kỹ lưỡng. Đó là dường như trong mấy thập niên qua đang tồn tại điệp khúc: tăng trưởng kinh tế sau 10 năm lại 1 lần suy giảm. Trong 10 năm 1991-2000 tốc độ tăng GDP bình quân 7,56%; 10 năm 2001-2010 tăng trưởng GDP 6,61%; 10 năm 2011-2020 tốc độ tăng GDP đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ 4 dự kiến GDP tăng 5,6%. Rõ ràng, với tăng trưởng như thế, không đủ để có thể vượt quá bẫy thu nhập trung bình.
Nhìn vào 3 thập niên qua, tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn đang chậm lại, dưới mức tiềm năng và tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn. Đến nay nền kinh tế đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với điều kiện bình thường và tình trạng này có nguy cơ kéo dài.
Thực trạng trên cho thấy nhiều nguồn lực lớn đang không được khai thác hết. Cụ thể, nguồn lực đối tác công tư chưa được khai thác tốt; nguồn lực về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả.
Theo đó, những năm 2010-2015 rất nhiều dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ký kết, trong đó đã huy động rất tốt nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông, hàng loạt dự án BOT, BT... được triển khai. Nhưng đến nay, các dự án đầu tư này đang giảm. Mấy năm nay khối doanh nghiệp nhà nước cũng không triển khai dự án lớn nào.
Bên cạnh đó, nguồn lực lớn trong dân chưa được khai thác và huy động tốt để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, mà vẫn đang được gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Hiện nhiều doanh nghiệp có nhiều tiền gửi ngân hàng để chờ chính sách, chứ không đầu tư. Đây chính là biểu hiện nguồn lực nội sinh chưa được khai thác hiệu quả, vì thế tăng trưởng của chúng ta vẫn dưới mức tiềm năng.
Năng lực nội sinh được hình thành từ nhiều nhân tố như tài nguyên tự nhiên gắn với lợi thế về địa - kinh tế, nguồn nhân lực, nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp, là sức chống chịu, là nền tảng vĩ mô, là môi trường... Nói gọn lại, năng lực nội sinh chính là những gì ta có, quan trọng là cần có hệ thống thể chế tốt, tạo được niềm tin để khai thác hiệu quả nhất các nhân tố đó.
Với thể chế chưa tốt, môi trường kinh doanh vẫn nhiều rào cản, quy định pháp luật nhanh thay đổi và khó tiên lượng, rủi ro pháp lý lớn, chi phí tuân thủ cao… khiến người dân và doanh nghiệp không yên tâm khi bỏ tiền đầu tư. Vì thế, vốn thiếu vẫn thiếu nhưng tín dụng ngân hàng vẫn không ra được. Còn doanh nghiệp vẫn không mạnh dạn vay vốn để đầu tư, để mở rộng sản xuất kinh doanh, càng khiến doanh nghiệp Việt vẫn nhỏ bé, khó lớn, thậm chí không muốn lớn.
Đất nước đang bước sang giai đoạn mới với khát vọng phát triển lớn lao: Đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2021-2025) khoảng 6,5-7%. Đến năm 2030 Việt Nam là nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển thu nhập cao.
Mục tiêu cao, khát vọng lớn, nhưng thế giới đang biến động rất nhanh và tiếp tục có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp và khó lường, những rủi ro ngày càng khó đoán định. Trong nước còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng cường năng lực nội sinh, khơi thông nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ càng trở nên cấp bách.
Đây là thời điểm cần quyết tâm chính trị cao và hành động mạnh mẽ để tăng cường năng lực nội sinh, chuyển năng lực thành thực lực, khát vọng thành hiện thực. Kỳ vọng đang đặt vào Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".