Tăng cường nội lực thu hút ngoại lực

Thực hiện chính sách Đổi mới kinh tế từ năm 1986, Việt Nam đã liên tục đạt được những thành quả ấn tượng trong hoạt động thương mại và đầu tư: Gia nhập khối ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) trở thành thành viên chính thức vào năm 1995; tham gia vào những nỗ lực tự do hóa khu vực ASEAN hướng tới một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất (biểu đồ). Hoạt động xuất khẩu của nước ta cũng tăng từ 5 tỷ USD vào năm 1995 lên 150 tỷ USD trong năm 2014, một phần nhờ vào việc mở cửa các hoạt động đầu tư và thương mại.

Thực hiện chính sách Đổi mới kinh tế từ năm 1986, Việt Nam đã liên tục đạt được những thành quả ấn tượng trong hoạt động thương mại và đầu tư: Gia nhập khối ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) trở thành thành viên chính thức vào năm 1995; tham gia vào những nỗ lực tự do hóa khu vực ASEAN hướng tới một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất (biểu đồ). Hoạt động xuất khẩu của nước ta cũng tăng từ 5 tỷ USD vào năm 1995 lên 150 tỷ USD trong năm 2014, một phần nhờ vào việc mở cửa các hoạt động đầu tư và thương mại.

Cạnh tranh tạo động lực phát triển

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 (tháng 7-2015), vấn đề được các đại biểu quan tâm trong việc hội nhập kinh tế quốc tế là con đường Việt Nam phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả. Chính phủ đã chuẩn bị giải pháp gì để hạn chế rủi ro khi hàng hóa, doanh nghiệp (DN), lao động nước ngoài tự do vào Việt Nam?

Hội nhập sẽ có nhiều cái khó, nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được. Khó như khi Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Khó như khi Việt Nam đổi mới cách tiếp cận các hoạt động kinh tế trong thời kỳ mở cửa. Ấy là lúc chưa có nhiều luật lệ, chưa có nhiều mô hình kinh tế để Việt Nam học tập và áp dụng. Do vậy cái cần lúc này là tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN, giúp họ tiến xa hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế một cách an toàn, hiệu quả và ít tổn thương nhất.

TS. Cao Sỹ Kiêm

Lo ngại này đã được Chính phủ giải đáp. Cho đến nay Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện song phương, đa phương và khu vực. Trong năm 2015, nổi bật là việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); ký kết 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Liên minh Kinh tế Á-Âu và Hàn Quốc, hiện đã vào giai đoạn đàm phán cuối cùng; 2 FTA lớn khác là Hiệp định TPP và FTA với Liên minh châu Âu (hiện đã thỏa thuận nguyên tắc).

Thực ra các hoạt động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế luôn mang lại cả lợi ích và thách thức. Đầu tiên là sức ép cạnh tranh do Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu từ năm 1996 (khi bắt đầu gia nhập ASEAN) theo Chương trình Ưu đãi Thuế quan phổ cập (CEPT/AFTA). Do vậy, trong quá trình đàm phán Việt Nam đã cố gắng yêu cầu có lộ trình cắt giảm thuế dài nhất có thể, cụ thể là kéo dài đến hết năm 2015, một số mặt hàng nhạy cảm được linh hoạt đến 2018.

Trong khi đó các nước ASEAN-6 đã cơ bản hoàn tất lộ trình vào năm 2010 với mức độ tự do hóa tới 99% biểu thuế. Như vậy DN cũng đã có thời gian để chuẩn bị cho thách thức.

Cạnh tranh là tính 2 mặt không thể phủ nhận: tác động tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhưng mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Xét trên bức tranh lớn, tác động tổng thể và cộng hưởng của các FTA là tích cực, giúp Việt Nam thiết lập và củng cố trạng thái cân bằng động trong quan hệ với các đối tác, tránh phụ thuộc sâu vào một thị trường hay một khu vực cụ thể; mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, giúp giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm; tạo thêm động lực cải cách thể chế, giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch; đồng thời thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Lo ngại nhất là vấn đề lao động nước ngoài tự do vào Việt Nam khi tham gia vào AEC. Thực ra cam kết trong WTO chỉ dành cho các lao động có kỹ năng và trình độ cao, chỉ di chuyển ngắn hạn, tạm thời; còn các cam kết về lao động trong khuôn khổ Hiệp định Di chuyển thể nhân trong ASEAN (2012) cũng như trong các FTA với các đối tác hầu hết đều giữ mức cam kết tương đương như WTO.

Những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN về dịch vụ chuyên môn (MRA) chỉ mới nhằm thiết lập khuôn khổ chung cho việc đàm phán MRA đa phương hoặc song phương, chưa cam kết nghĩa vụ cụ thể. Hơn nữa, khi tham gia AEC, Việt Nam có lợi thế về lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ.

Khắc phục hạn chế, yếu kém

Để chủ động hội nhập, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới hệ thống các luật lệ, quy định và môi trường pháp lý sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và theo nguyên tắc của thị trường. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng và hệ thống DN nhà nước cũng đã có những chuyển biến tích cực, dù kết quả còn chậm.

Cải cách tư pháp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và sửa đổi lề lối làm việc của các cơ quan công quyền đã được khởi động cũng là để phục vụ cho quá trình tiến tới hội nhập.

Tuy nhiên, đáng lo ngại hiện nay là năng suất lao động của Việt Nam bị đánh giá yếu nhất trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân chưa có sự đầu tư, trang bị công nghệ cho phù hợp với yêu cầu của các hoạt động kinh tế hiện đại cũng như với xu hướng phát triển toàn cầu.

Điều đó thể hiện Việt Nam chưa có nhiều ngành công nghiệp “đầu đàn”, các ngành công nghiệp nhỏ mang tính phụ trợ còn yếu, thiếu trầm trọng những nhà quản lý giỏi, những nhà hoạch định chính sách hay những nông dân, công nhân lao động có trình độ tay nghề cao… Do đó dễ hiểu vì sao sức cạnh tranh của các DN Việt Nam không cao và ít cơ hội giành phần thắng trên thương trường.

Nói như TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN: Sự khiếm khuyết về đào tạo nên nhận thức của đa phần DN còn chưa đồng đều. Làn sóng hội nhập và sự cận kề của hội nhập đã ở ngay ngưỡng cửa nhưng sự hiểu biết về các thông tin hội nhập của các DN Việt Nam còn rất lơ mơ. Hiện có đến 70% DN chưa nhận thức rõ về tiến trình hội nhập và các nội dung cam kết. DN chưa xác định được những yếu kém của bản thân để chuẩn bị đối phó, cũng như không biết đâu là tiềm năng, thế mạnh của mình để phát huy và tận dụng cơ hội. Đặc biệt các DNVVN hiểu biết về hội nhập chưa có hệ thống.

Trong hội nhập, họ không biết sẽ phải làm cái gì, làm từ đâu và làm như thế nào; tác động xấu, tốt ra sao tới thị trường; không biết thị trường thế giới đòi hỏi những gì, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng ra sao; thậm chí không hiểu đâu là những điều cần tránh trước những rủi ro pháp lý trong thương mại. Chưa kể đến những hạn chế về trình độ quản lý, năng lực quản trị DN... Đó chính là những điều DN đang cần để tiến tới hội nhập một cách an toàn và chủ động.

Chủ động nắm bắt cơ hội

GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận: “Độ am hiểu thông tin các FTA mà AEC ký kết thì DN Việt còn thua nông dân Thái Lan. Ngay từ khi bắt đầu đàm phán các hiệp định, nông dân Thái đã được thông tin về cơ hội và những tiêu chuẩn khi hội nhập; cách thức nuôi trồng chuyên nghiệp để sản phẩm có thể cạnh tranh; đồng thời liên kết chặt chẽ với DN để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ngược lại, DN Việt rất lơ mơ, mù mờ thông tin. Hơn nữa nông dân Thái Lan làm ăn rất bài bản, biết quảng bá nông sản, cập nhật những tiêu chuẩn hội nhập để về làm cho đúng. Một số hội chợ nông sản thế giới tổ chức ở Thái Lan luôn có nông dân Thái đến tìm hiểu thông tin khách hàng, trong khi DN Việt Nam ít khi thấy tham gia”.

Diễn giả giới thiệu cho các nhà đầu tư tại một hội thảo tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: LÊ TOÀN

Diễn giả giới thiệu cho các nhà đầu tư tại một hội thảo tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Ảnh: LÊ TOÀN

Nhiều DN khi được hỏi về hội nhập đều nói họ được tuyên truyền thông tin chủ yếu qua các hội nghị, hội thảo và đọc trên báo chí. Tuy vậy, tại các hội thảo DN thường đến nghe diễn giả nói về các vấn đề vĩ mô chung chung khi hội nhập. Nhiều DN than thở ở đâu cũng nghe mọi người bàn đến hội nhập thông qua hàng loạt hiệp định thương mại, nhưng cụ thể như thế nào ít người biết nên họ không biết phải làm gì.

Hệ quả là DN đứng trước khó khăn, nguy cơ phá sản. Ngành chăn nuôi là một thí dụ. Hiện các trang trại của DN chăn nuôi đang đuối sức trong việc cạnh tranh với thịt ngoại giá rẻ nhập vào ồ ạt. Ngay cả những ngành được hưởng nhiều ưu đãi, lợi thế xuất khẩu khi Việt Nam hội nhập, song nhiều DN thủy sản vẫn bức xúc vì không được cung cấp thông tin sớm khiến lỡ mất nhiều cơ hội làm ăn.

Một DN thủy sản kể: Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết FTA. Theo đó, đối với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế. Đáng tiếc là hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế. Cơ hội xuất khẩu cho con tôm, vậy mà đến khi hiệp định được ký kết DN mới biết rõ nội dung trên. Trong khi Thái Lan với sự chuyên nghiệp trong nuôi trồng, chế biến đã nhanh chân hơn DN Việt Nam một bước, chiếm lĩnh thị trường trước.

Thực tế bản thân các DN cũng thiếu chủ động nắm bắt thông tin về hội nhập. Chẳng hạn như cử người nghiên cứu, học hỏi để chuẩn bị “hành trang” cần thiết tiếp cận với các hiệp định thương mại. Trước thực trạng trên, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước cần phải đưa đến cho DN những thông tin chính thống, hiệu quả, qua đó giúp DN tìm được những thị trường tin cậy.

Ngược lại, các DN cũng phải phát huy vai trò chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng. Từ đầu năm đến nay có hàng ngàn đại diện DN từ các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia… đến thăm dò, tìm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Họ không chờ Nhà nước mà từ lâu đã chủ động các phương án bán hàng cạnh tranh với các DN Việt.

Các tin khác