Tăng cường tham vấn, đối thoại

Với việc công bố PCI hàng năm, các lãnh đạo địa phương có dịp nhìn lại mình qua lăng kính, góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. ĐTTC đã trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, xung quanh vấn đề này.

Với việc công bố PCI hàng năm, các lãnh đạo địa phương có dịp nhìn lại mình qua lăng kính, góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. ĐTTC đã trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, xung quanh vấn đề này.

Cải thiện môi trường kinh doanh

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể cho biết những nét chính về kết quả PCI 2013 và có điểm gì khác so với PCI những lần công bố trước?

-Ông ĐẬU ANH TUẤN: - PCI 2013 là PCI năm thứ 9 VCCI tiến hành công bố. PCI năm nay có sự phản hồi của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh và hơn 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Điểm mới năm nay là phương pháp đã có sự thay đổi sau khi giữ ổn định từ năm 2009.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu PCI có tiến hành bổ sung một chỉ số thành phần mới “Cạnh tranh bình đẳng” vào bộ chỉ số nhằm đánh giá môi trường cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp tư nhân tại địa phương. Sau nhiều vòng tham vấn các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã tiến hành bổ sung và sửa đổi một số chỉ tiêu mới nhằm phản ánh, cập nhật đầy đủ những thay đổi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại Việt Nam.

Hệ thống trọng số của các chỉ số thành phần cũng được tính toán lại để phù hợp với tình hình kinh doanh cấp tỉnh.

- Tại PCI năm 2012, cảm nhận của doanh nghiệp là chất lượng điều hành của các địa phương sụt giảm. Điểm số của tỉnh trung vị ở mức thấp nhất từ trước đến nay; chất lượng điều hành kinh tế tại các tỉnh đang dần hội tụ ở mức trung bình; không tỉnh nào vượt qua mức 65 điểm dành cho nhóm tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc; 42% doanh nghiệp đã trả hoa hồng cho cán bộ liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng của cơ quan nhà nước - tăng mạnh so với năm 2011… Thưa ông, những điều này có xảy ra với PCI 2013?

- Sau khi có xu hướng chững lại ở năm ngoái, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Nhìn theo chuỗi thời gian 7-8 năm qua, chỉ số PCI gốc (hệ thống các chỉ số so sánh cố định từ năm 2006) có xu hướng tăng dần (năm 2012 có xu hướng giảm) và đến năm 2013 đạt giá trị cao nhất trong các năm với 47 điểm. Qua thời gian, chúng tôi có thể đánh giá một số lĩnh vực chuyển biến tương đối tốt như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch.

Chi phí không chính thức, phiền nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính đều có xu hướng cải thiện dù không nhanh như kỳ vọng.

Thu hẹp khoảng cách hội tụ

- Thưa ông, đã có những ý kiến nghi ngờ về tính xác thực của PCI vì số doanh nghiệp được điều tra ít. Cụ thể tại Bình Dương, năm 2012 VCCI chỉ tiến hành khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp, trong đó chỉ 30% doanh nghiệp có phản hồi, tức chỉ khoảng 60/13.000 doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?

- PCI được xây dựng từ đánh giá của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bằng cách này chúng tôi mới có thể so sánh được toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cách thức thực hiện điều tra PCI là điều tra chọn mẫu, tức bằng cách chọn một lượng doanh nghiệp nhất định trong tỉnh (từ toàn bộ danh sách doanh nghiệp đang hoạt động), cảm nhận của nhóm doanh nghiệp được chọn này có thể đại diện tương đối tốt cho toàn bộ bức tranh doanh nghiệp trong tỉnh về loại hình, quy mô, ngành nghề và năm hoạt động.

Phương pháp điều tra PCI được tiến hành theo những chuẩn mực cao theo tiêu chuẩn quốc tế của một điều tra xã hội học.

Mỗi năm VCCI tiến hành điều tra gần 10.000 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đây là cuộc điều tra doanh nghiệp có thể nói quy mô thuộc loại lớn nhất nước được tiến hành định kỳ hàng năm. Năm 2012 Bình Dương có 214 doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra, chúng tôi gửi đi 800 phiếu điều tra.

Đây không phải là một con số nhỏ và là một mẫu điều tra tương đối tốt. Bình Dương nhiều năm qua không cao trong bảng xếp hạng PCI, điều này phản ánh một góc nhìn và kỳ vọng của các doanh nghiệp dân doanh đối với chính quyền tỉnh. Chúng tôi biết rằng Bình Dương đã rất thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm qua. Môi trường đầu tư của Bình Dương ở nhiều khía cạnh khác rất ưu việt.

Chẳng hạn Bình Dương là một trong những tỉnh luôn tốt nhất cả nước về chỉ số về hạ tầng qua nghiên cứu PCI. Đối với đa số nhà đầu tư đây là yếu tố quan trọng hàng đầu cùng với các yếu tố khác như vị trí địa lý, sự phát triển của khu công nghiệp, sân bay, cảng biển…

Khi đã quyết định đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi thấy rằng xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài là chọn những địa phương có các lợi thế về hạ tầng hay lao động cao để bù đắp các điểm yếu về Việt Nam theo đánh giá của họ.

- Từng có một thời gian liên tục dẫn đầu, vị trí của Bình Dương, Đà Nẵng vài năm gần đây liên tục giảm, điểm số cũng giảm. Phải chăng động lực cải cách ở những địa phương này không còn?

- Nếu theo thời gian đúng là chỉ số về tính năng động của lãnh đạo cấp tỉnh theo đánh giá của doanh nghiệp có giảm. Khoảng cách giữa nhóm tỉnh đứng đầu và nhóm tỉnh đứng sau theo thước đo PCI cũng dần hội tụ trong vài năm gần đây. Nét tích cực của năm nay là Đà Nẵng và một số trung tâm kinh tế lớn của cả nước có những kết quả rất khả quan.

- Ông có khuyến cáo gì sau kết quả của PCI 2013?

- Tăng cường hơn nữa tiếng nói của doanh nghiệp cho quá trình xây dựng và hoạch định chính sách là thông điệp quan trọng của báo cáo năm nay. Theo đó, trong báo cáo năm nay chúng tôi dành 1 chương riêng để phân tích và chỉ ra rằng có mối tương quan thuận chiều giữa việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp với vai trò của họ trong tham vấn chính sách, cùng với phản hồi của cơ quan nhà nước khi tham vấn.

Chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước cần tăng cường tham vấn doanh nghiệp, công khai phản hồi những đề xuất, góp ý của doanh nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến mức độ thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác