Nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng qua 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng thấp nhất trong 13 năm qua và tăng thấp thứ hai trong gần 40 năm, đã khiến nhiều ý kiến lo ngại tổng cầu bị liệt. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, diễn biến này phù hợp với mục tiêu duy trì CPI 6% trong năm nay.
Khắc phục yếu kém
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đánh giá của ông về hành trang của nền kinh tế bước vào năm 2014 ra sao?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Bước vào năm 2014, kinh tế nước ta có sự cải thiện hơn so với đầu năm 2013 nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Để nền kinh tế từ năm 2016 có thể phục hồi tốc độ tăng trưởng của thời kỳ 2001-2010, các chính sách kinh tế trong 2 năm 2014 và 2015 phải khắc phục 3 vấn đề trung và dài hạn.
![]() |
Thứ nhất, nền công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu dựa vào gia công với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Dù có nhiều lợi thế nhưng ngành nông nghiệp vẫn dựa vào xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp. Thị trường nông thôn với lượng người tiêu dùng chiếm hơn 70% dân số nhưng không thể mở rộng cơ cấu sản xuất.
Thứ hai, năng suất tổng hợp - chỉ báo quan trọng thể hiện sự sử dụng các yếu tố sản xuất như tài nguyên, nhân lực và vốn có hiệu quả - giảm tuyệt đối trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây. Việc tăng nhanh yếu tố vốn đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào vốn đầu tư.
Hệ số ICOR tăng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư. Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Cần nói thêm rằng 2 năm qua, sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước không có khả năng tăng trưởng xuất khẩu.
Trong khi đó, giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống, khiến chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm. Công nghiệp hỗ trợ, then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị và giảm giá thành sản phẩm vẫn thiếu chính sách phát triển.
Thứ ba, vấn đề tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang vướng mắc về mặt tư duy, làm chậm quá trình tái cơ cấu. Điều này thể hiện rõ qua việc thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường đã có sự lẫn lộn giữa Nhà nước và thị trường.
Song song đó là hạn chế trong việc sử dụng các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước, vai trò dẫn dắt hỗ trợ thị trường của các thể chế kinh tế và hành chính công; sự phân bố nguồn lực kém hiệu quả đối với đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, bất động sản…
Kích hoạt đầu tư công
- Ông từng nói muốn vực dậy nền kinh tế phải kích tổng cầu. Nhưng CPI 2 tháng đầu năm thấp, liệu tổng cầu có bị liệt?
Sự thay đổi chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu sẽ tạo dư địa cho thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ trong 2014-2015, trong đó tăng chi công qua phát hành TPCP và tăng mức dư nợ tín dụng, giảm lãi suất. Các giải pháp điều hành của Chính phủ năm 2014 hướng vào mục tiêu phục hồi kinh tế, giải quyết đồng bộ 4 vấn đề là sức mua của thị trường, xử lý nợ xấu của NHTM, làm ấm thị trường bất động sản và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực ưu tiên. |
- Chúng ta không trông chờ CPI tăng cao. Trong 2 tháng đầu năm, CPI vẫn tăng mặc dù thấp. Trong điều kiện sức mua không tăng đáng kể, mức tăng CPI đó cho thấy trong nền kinh tế, giá cả vẫn chi phối do chi phí đẩy, không phải do cầu kéo. Nhưng không thể thấy CPI thấp mà kích tổng cầu mạnh lên, tức chúng ta phải duy trì mức lạm phát chủ động, lạm phát mục tiêu.
Còn quá sớm để nói rằng CPI không tăng trong các tháng tới, bởi nếu đặt mục tiêu cả năm CPI tăng 6%, tức mỗi tháng phải tăng 0,5% không phải là chuyện đơn giản. Vì thế đừng nôn nóng nghĩ rằng CPI thấp gây liệt tổng cầu mà tổng cầu không thể tăng mạnh do sức mua. Tôi cho rằng diễn biến như vậy là phù hợp.
- Vốn ứ đọng nên NHTM đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ (TPCP), góp phần hỗ trợ để vốn từ xã hội chảy vào nền kinh tế thông qua đầu tư công. Theo ông việc này có thể kích được tổng cầu?
- Đúng là hiện nay NHTM đang thừa tiền nhưng nghẽn đầu ra nên an toàn nhất là mua TPCP. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu trong lúc tín dụng nền kinh tế chưa tăng được cần kích thích bằng tăng chi tiêu công, đầu tư công. TPCP sẽ có tác động nhất định.
Hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải triển khai nhanh các dự án, đưa dòng tiền ra sớm, không để lặp lại tình trạng mấy tháng đầu năm nằm chết, những tháng cuối năm bung ra. Vấn đề hiện nay đặt ra đối với việc tăng đầu tư công có tác động hay không là ở chỗ này. Đầu tư công, chi tiêu chính phủ chỉ có tác dụng nếu như có lộ trình giải ngân đều đặn ngay từ đầu năm.
Còn nếu làm như kiểu thủ tục hành chính, giai đoạn đầu bị tắc rồi ồ ạt giải ngân sẽ không có tác dụng, thậm chí còn gây lạm phát. Đặt ra vấn đề này để trả lời những lo ngại TPCP có kích tổng cầu hay không còn tùy thuộc vào cách thức, lộ trình và thời gian sử dụng TPCP.
- Việc các NHTM mua TPCP liệu có làm giảm lợi nhuận ngân hàng khi lãi suất trái phiếu không quá cao và giải pháp này có nên kéo dài?
- Mua TPCP hiện nay đang là kênh tốt đối với NHTM. Bởi hiện nay lãi suất TPCP vẫn cao hơn lãi suất huy động của ngân hàng, đồng thời ngân hàng còn có những công cụ khác. Lợi nhuận ngân hàng không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay mà còn có nhiều nghiệp vụ khác để hoạt động.
Trong 1-2 năm tới, NHTM sẽ không còn tình trạng tìm kiếm lợi nhuận quá dễ dãi hay quá cao so với các ngành khác, mà có giới hạn theo mặt bằng chung. Những năm trước đây dư luận luôn phàn nàn doanh nghiệp lỗ trong khi ngân hàng lãi lớn, bây giờ đang trở lại bình thường. Vì vậy, cũng không nên lo NHTM không có lợi nhuận.
- Xin cảm ơn ông.