Chuyển biến tích cực
Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết 120 với chủ trương “thuận thiên” đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương.
Thực tế cho thấy đã có nhiều chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển ĐBSCL, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, dịch vụ vận tải…
Qua đó, góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông sản trên thị trường quốc tế.
“Chuyển đổi kinh tế được đẩy mạnh theo hướng liên kết vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối hạ tầng nội vùng với TPHCM và Đông Nam bộ. Thống kê sơ bộ đã có 1.165 dự án với khoảng 280.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp TPHCM ký kết hợp tác với ĐBSCL để thực hiện liên kết, kết nối hạ tầng giao thông theo tinh thần Nghị quyết 120…” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua đã ưu tiên thực hiện 4 lĩnh vực then chốt, gồm xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), gắn xây dựng nông thôn mới; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng chống xói lở bờ biển, bờ sông; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thích ứng BĐKH.
Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các bộ ngành trình Chính phủ hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL hơn 6.622 tỷ đồng để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh.
Đối với nghiên cứu giống cũng có những kết quả khích lệ khi hiện nay toàn vùng ĐBSCL sử dụng giống lúa xác nhận lên đến 75%, dự kiến năm 2025 tăng lên 90% và năm 2030 là 100%, góp phần tích cực nâng chất lượng hạt gạo và tăng cao về giá trị khi xuất khẩu ra thế giới.
“Điểm thay đổi tích cực là cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL chuyển dịch đúng hướng "thủy sản, trái cây, lúa gạo" thay cho "lúa gạo, thủy sản, trái cây". Kết quả, trước khi Nghị quyết 120 ra đời, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp có 1,82 triệu ha đất lúa, 860.000ha thủy sản, 385.000ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết 120, diện tích trồng trái cây tăng lên 450.000ha, thủy sản trên 900.000ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha. Về xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt 7 tỷ USD, đến năm 2020 tăng lên 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên là đúng và hiệu quả” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Đề cập đến trăn trở nhiều năm qua của ĐBSCL về hệ thống giao thông chưa đồng bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cho biết giai đoạn 2016-2021 Bộ GTVT triển khai đầu tư 31 dự án, công trình giao thông ở ĐBSCL với tổng vốn 88.963 tỷ đồng.
Đến nay có 14 dự án hoàn thành nâng cấp và xây mới 281km đường quốc lộ, cùng những cây cầu lớn như Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung, Mỹ Lợi… Hoàn thiện 46,5km luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28km kênh Chợ Gạo giai đoạn 1.
Hiện có 14 dự án đang thực hiện như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, hoàn chỉnh luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, tiếp tục nâng cấp kênh Chợ Gạo… với tổng vốn 40.494 tỷ đồng.
Đẩy mạnh đầu tư đồng bộ
Đẩy mạnh đầu tư đồng bộ
Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều thành quả, nhưng không lấy đó để kể công, kể thành tích, mà phải xem đây là nhiệm vụ, trách nhiệm phải làm. Đây chỉ là bước khởi đầu, còn những chặng đường dài tiếp theo với rất nhiều việc phải thực hiện… Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC |
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến hỗ trợ các dự án ở ĐBSCL (do địa phương quản lý) khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so giai đoạn 2016-2020; trong đó vốn NS đối ứng địa phương khoảng 162.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn NSNN đầu tư qua các Bộ GTVT, Y tế, NN-PTNT... để triển khai các công trình dự án ĐBSCL khoảng 121.000 tỷ đồng. Tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 khoảng 388.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí này sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm, như thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ khác.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị, Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050. Cái khó của ĐBSCL hiện nay là chưa có tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế. Đường hàng không, sân bay Cần Thơ chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistics hàng không. Cảng quốc tế Cái Cui Cần Thơ có công suất tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn, nhưng không có hàng hóa thông quan. TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp về vấn đề này.
Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, cho biết trong giai đoạn 2015-2020, WB đã huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động trong khu vực ĐBSCL, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120.
Bà Carolyn Turk khẳng định: “Trong tương lai chúng tôi sẵn sàng huy động thêm kiến thức và nguồn tài chính để thực hiện tầm nhìn, mục tiêu của Nghị quyết 120. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ cho các cơ quan Trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro, nắm bắt cơ hội do BĐKH. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2025 có hơn 60% dự án đầu tư công sẽ được lồng ghép các yếu tố của BĐKH”.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trăn trở của các chuyên gia, các địa phương… với mong muốn mang lại sự phát triển cho đồng bằng.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, chính sách để phát triển ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh vùng đang chịu tác động nặng nề từ BĐKH. Nghị quyết 120 được ra đời cũng trên tinh thần đó, với những giải pháp và hành động không chỉ đơn thuần để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, mà xa hơn là sự sẻ chia của tất cả cùng hướng về đồng bằng.
Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tập trung tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy, hoàn thiện các thị trường, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt linh hoạt trong các quy hoạch, chuyển đổi cây trồng có khả năng thích ứng BĐKH, cho thu nhập cao hơn, đảm bảo sinh kế cho người dân…