“Hàng năm, sản lượng cá ngừ đại dương của Bình Định đạt 10.000 tấn. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá ngừ rất thấp, chỉ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu dưới dạng phi lê nên giá trị thấp. Vì vậy, nâng cao chất lượng để tăng giá trị xuất khẩu là mục tiêu lãnh đạo tỉnh Bình Định hướng đến để giúp ngư dân đánh bắt cá ngừ mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định khi trao đổi với ĐTTC về định hướng phát triển kinh tế biển.
![]() |
-PHÓNG VIÊN: - Ông từng nói Bình Định có đội tàu đánh bắt rất hùng hậu, cụ thể thế nào, thưa ông?
Ngày 10-6, UBND tỉnh Bình Định và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu cá vỏ thép và vật liệu mới. Tại buổi lễ, hợp đồng đóng mới 2 tàu cá vỏ thép đầu tiên đã được ký giữa Công ty Đóng tàu Cam Ranh thuộc SBIC và ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. |
Ông LÊ HỮU LỘC: - Bình Định hiện có gần 7.400 tàu cá, trong đó có 2.500 chiếc đánh bắt xa bờ. Khu vực khai thác chủ yếu của các tàu là quần đảo Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK.
Riêng về đội tàu khai thác cá ngừ đại dương hơn 1.000 chiếc, sản lượng đánh bắt khoảng 10.000 tấn/năm. Lợi thế từ kinh tế biển đã giúp Bình Định giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động, nâng thu nhập cho các hộ dân và cộng đồng ngư dân ven biển, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế địa phương.
- Các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển thời gian qua được Bình Định thực hiện như thế nào?
- Trong năm 2013, Bình Định đã hỗ trợ trên 7.686 lượt tàu đánh bắt xa bờ với tổng số tiền gần 280 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay số tiền hỗ trợ cho ngư dân sẽ tăng lên trên 300 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, ngư dân đã mua nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, mua máy thông tin liên lạc, bảo hiểm tai nạn thuyền viên và trạm thông tin liên lạc trên bờ.
Ngư dân trong tỉnh cũng đã đầu tư đóng mới 493 tàu có công suất 350-1.000CV và cải hoán 1.117 tàu cá có công suất 300-400CV để vươn xa bám biển dài ngày khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những năm tiếp theo, Bình Định tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích và hỗ trợ kinh phí để ngư dân đóng mới và cải hoán tàu có công suất lớn trên 900CV trở lên để đánh bắt hải sản xa bờ; củng cố 265 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển; triển khai xây dựng thí điểm 2 mô hình nghiệp đoàn nghề cá tại Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn.
- Đánh bắt cá ngừ đại dương là một trong những mũi nhọn kinh tế biển, tỉnh sẽ khai thác lợi thế này ra sao?
- Những năm gần đây, các tàu khai thác cá ngừ đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng. Phương pháp mới này mang lại chất lượng tốt hơn cho cá ngừ đại dương. Tuy vậy, cách thức sơ chế, chế biến ngay trên biển của ngư dân còn thủ công, cá không đủ tươi do thời gian mỗi chuyến biển dài ngày.
Với quyết tâm đưa cá ngừ đại dương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Định đang chọn bước đi đột phá. Cụ thể, xuất cá ngừ trực tiếp sang thị trường Nhật Bản với sự trợ giúp (kỹ thuật đánh bắt, chế biến) của các doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản.
Vừa qua, được sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp thủy sản Nhật Bản, tỉnh Bình Định triển khai thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo tổ đội 5 tàu cá tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng cho 5 tàu cá (mỗi tàu 300 triệu đồng), trong đó 200 triệu đồng mua sắm các thiết bị, 100 triệu đồng cho sửa chữa hầm bảo quản theo công nghệ của Nhật Bản.
Nếu thí điểm thành công, Bình Định sẽ nhân rộng mô hình để tăng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản. Tỉnh cũng có kế hoạch làm việc với các ngân hàng về hình thức cho ngư dân vay vốn ưu đãi.
- Hậu cần nghề cá Bình Định nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Bình Định sẽ cải thiện thực trạng này như thế nào, thưa ông?
- Tổng sản lượng đánh bắt thủy sản của Bình Định hàng năm khoảng 180.000-200.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ 20% trong số đó được chế biến tại chỗ. Vì vậy, năm 2013 sản lượng chế biến xuất khẩu chỉ đạt 9.300 tấn các loại, trong đó có 6.600 tấn cá và 2.700 tấn tôm đông lạnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 56,4 triệu USD.
Để khắc phục hạn chế trên, tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngư dân. Theo đó, tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn lưu động phục vụ đánh bắt thủy sản; đóng mới, cải hoán tàu, đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn đóng mới tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua hải sản cho ngư dân; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hải sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư xuất khẩu thủy sản ra các thị trường ngoài nước; xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách các khu dịch vụ hậu cần nghề cá và khu tránh trú bão cho tàu thuyền.
Nói chung, tỉnh cùng các ngân hàng thực hiện cơ chế đầu tư hỗ trợ khép kín từ đóng tàu, khai thác, chế biến thu mua và tiêu thụ. Có như vậy việc khai thác hải sản mới mang lại hiệu quả cho ngư dân, nâng giá trị kinh tế và thu nhập, làm cho ngư dân phấn khởi an tâm bám biển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đối với cá ngừ đại dương, thực hiện thí điểm đánh bắt, bảo quản bằng công nghệ Nhật Bản, tập huấn ngư dân (trong 5 tàu được hỗ trợ đợt này, có một tàu thay phiên nhau đưa cá vào bờ hoặc làm dịch vụ hậu cần cho các tàu khác). Giao CTCP Thủy sản Bình Định chịu trách nhiệm thu mua cá ngừ với giá trước mắt cao hơn 20% (sau khi bán được giá cao hơn sẽ mua giá cao hơn) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đảm bảo thời gian từ khi đánh bắt cá đến khi cá có mặt tại Nhật Bản từ 10-12 ngày (giá cá ngừ hiện ngư dân bán 70.000-75.000 đồng/kg, giá tại thị trường Nhật Bản 250.000 -260.000 đồng/kg).
- Xin cảm ơn ông.