Sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, thị trường dường như tiếp tục có những phản ứng tiêu cực. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà TẠ THANH BÌNH, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN).
PHÓNG VIÊN: - Bà nhìn nhận thế nào về những phiên giao dịch gần đây?
Bà TẠ THANH BÌNH: - Sau khi tăng mạnh trong quý I, VN Index đạt mức cao nhất 1.204,33 điểm vào ngày 9-4, TTCK trong thời gian vừa qua liên tục có những phiên tăng, giảm đan xen. Ngày 4-5, so với thời điểm cao nhất (ngày 9-4), VN Index dừng ở mức 1.026,8 điểm, giảm 17,3%.
Mặc dù so với đầu năm, VN Index vẫn có mức tăng 3,35% - đứng thứ 2 châu Á, nhưng tốc độ giảm điểm của TTCK Việt Nam đang nhanh hơn mức bình quân của thế giới. Trên TTCK phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 5 và 6 một vài phiên trước đây đều thấp hơn chỉ số VN30 cơ sở, cho thấy NĐT tiếp tục lo ngại về xu hướng giảm giá đối với các chứng khoán trong rổ VN30.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn đạt khá tốt. Tháng 4, tổng giá trị giao dịch bình quân CP đạt gần 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 46% so với quý IV-2017.
Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục là năm trọng tâm của cổ phần hóa, thoái vốn, cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho thị trường. Theo kế hoạch, Chính phủ tiếp tục cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn tại 181 doanh nghiệp với nhiều tên tuổi lớn như: Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Viễn Thông MobiFone, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn... |
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ đã vượt mốc 3% lần đầu tiên trong 4 năm trở lại đây (vào ngày 24-4). Điều này khiến NĐT nước ngoài có xu hướng lo ngại sự bất ổn về kinh tế, thận trọng hơn trong giải ngân, lo ngại về việc kênh đầu tư chứng khoán trở nên ít sinh lời hơn các kênh đầu tư khác. Đặc biệt, nguy cơ căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu nhiều vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, từ đầu năm 2018 đến 6-4, TTCK Việt Nam tiếp tục thiết lập các đỉnh ngắn hạn trong khi xu thế TTCK thế giới đã giảm. Kể từ khi thiết lập đỉnh vào tháng 1, đến nay các TTCK lớn đều đã giảm 8-9%. Do vậy, việc điều chỉnh giảm của TTCK Việt Nam nửa cuối tháng 4 là nằm trong dự báo sẽ xảy ra trong ngắn hạn.
Thứ ba, NĐT và đặc biệt là khối tự doanh của các CTCK đẩy mạnh chốt lời do TTCK Việt Nam đã tăng trưởng cao, và được đánh giá là khá đắt so với TTCK các nước trong khu vực. Việc giảm giá mạnh nửa cuối tháng 4, đặc biệt trong các ngày 19-4, 23-4 và 26-4 tập trung vào nhóm CP vốn hóa lớn trong rổ VN30 và các CP nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là những ngành tăng nóng nửa cuối 2017 và đầu 2018 thể hiện rõ xu thế này.
Thứ tư, nguồn cung hàng gia tăng mạnh trong quý I. Huy động qua phát hành chứng khoán trên thị trường ước đạt hơn 67.000 tỷ đồng, hoạt động đấu giá cổ phần hóa qua 2 sở giao dịch chứng khoán đạt hơn 25.000 tỷ đồng với nhiều đợt đấu giá lớn. Trong thời gian tới, việc IPO của Techcombank và Vinhomes với giá trị huy động khoảng 44.000 tỷ đồng (tương đương 1.922 triệu USD) - lớn nhất từ trước đến nay, cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến NĐT bán mạnh CP trên sàn để dành vốn tham gia các đợt chào bán mới này.
Thứ năm, NĐT giữ tâm lý dè dặt, thận trọng, tạm ngừng giải ngân để quan sát thị trường, đặc biệt khi liên tục có các nhận định và khuyến nghị từ phía các định chế tài chính lớn, về việc cần quan sát thận trọng trước các diễn biến khó lường từ các vấn đề kinh tế, tài chính, thương mại thế giới.
- UBCKNN đang và sẽ triển khai những biện pháp gì để thị trường phát triển một cách bền vững?
- Trong giai đoạn hiện nay, UBCKNN tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp ổn định, phát triển thị trường một cách bền vững như: đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo chương trình đã duyệt; tăng cường phân tích diễn biến thị trường và những đánh giá tác động từ các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, để có cái nhìn khách quan về cơ hội và rủi ro tiềm ẩn của thị trường; theo dõi sát diễn biến dòng vốn ngoại trên TTCK; kiểm soát, quản lý chặt nguồn tiền tài trợ giao dịch ký quỹ để có các giải pháp phù hợp.
Tiếp tục gia tăng hàng hóa cho thị trường theo đúng lộ trình: triển khai giao dịch chứng quyền có bảo đảm vào tháng 5 và sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào tháng 8; tập trung hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam.
- Bà nhìn nhận thế nào về triển vọng của TTCK và mối quan tâm của các NĐT ngoại?
- Tình hình TTCK hiện nay được đánh giá đan xen giữa những thuận lợi, cơ hội tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn. Nhận định chung cho rằng, năm 2018 thị trường vẫn tiếp tục là một năm tăng trưởng cao về quy mô, vốn hóa thị trường có khả năng đạt 100% GDP. Tuy nhiên, thị trường trong năm 2018 khả năng sẽ có điều chỉnh tăng giảm đan xen với tần suất và mức độ cao hơn.
Trong ngắn hạn, TTCK thế giới nhiều khả năng tiếp tục xu hướng giảm giá, do giới đầu tư tiếp tục gia tăng lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ (dự báo FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 6). Do đó, với xu thế giảm điểm chung của TTCK thế giới và châu Á, TTCK Việt Nam khả năng tiếp tục diễn biến cùng chiều với xu hướng của TTCK thế giới.
Tuy nhiên, về dài hạn UBCKNN cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới, vì các nguyên nhân: Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, mức cao nhất so với cùng kỳ 10 năm qua; xuất khẩu tăng mạnh; thị trường tài chính - tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, có mức tăng trưởng khá. Theo số liệu công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2017, tính đến 24-4, 94% số công ty trên HOSE và 88% số công ty trên HNX có lãi. Doanh thu thuần 2017 tăng trung bình 18,45%, lợi nhuận sau thuế 2017 tăng 27,54% so với năm 2016.
- Xin cảm ơn bà.