Từ thực tiễn cuộc sống nhiều khó khăn cùng với sự biến động của xã hội khiến giá cả leo thang, các đối tượng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đã len lỏi tìm cách tiếp cận người lao động với ý đồ trục lợi bất chính.
Do vậy, để hạn chế tiến tới dẹp bỏ nạn “tín dụng đen,” cho vay nặng lãi, ngoài các giải pháp phòng, chống, cần phải tạo nguồn vốn an toàn, có thủ tục nhanh gọn; đồng thời phổ cập kiến thức tài chính để công nhân, người lao động hiểu rõ và tiếp cận dễ dàng các nguồn tín dụng an toàn.
Ngăn chặn ngay từ đầu
Để bảo vệ công nhân, người lao động trước vấn nạn này, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp Công đoàn cần sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, người lao động để chủ động hỗ trợ, giúp đỡ.
Trường hợp có công nhân lao động gặp khó khăn đột xuất về tài chính, Công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân lao động vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.
“Ở những nơi có dấu hiệu "tín dụng đen" hoạt động, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân, người lao động hoặc được bảo vệ khi có nguy cơ bị tội phạm tấn công. Cán bộ Công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với Công an địa phương để phối hợp, hỗ trợ kịp thời,” ông Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.
Bằng cách này, Công đoàn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) với gần 40.000 công nhân lao động đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống nạn cho vay nặng lãi, "tín dụng đen." Các trường hợp vướng “tín dụng đen” không nhiều và hầu hết đều được kiểm soát chặt chẽ bởi cán bộ Công đoàn và Công an địa phương.
Để làm được điều này, ông Củ Nghiệp Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam cho biết, mỗi cán bộ Công đoàn, chuyền trưởng, tổ trưởng, phân xưởng phải thật sự gần gũi để công nhân chia sẻ. Họ phải chỉ cho công nhân, người lao động thấy được những tác hại, nguy hiểm của “tín dụng đen;” đồng thời tham gia hỗ trợ, tháo gỡ, can thiệp kịp thời những trường hợp bị vướng.
Ông Củ Nghiệp Phát cho biết thêm thông qua Công đoàn giới thiệu, hơn 10.000 công nhân, người lao động đang vay vốn tại Chi nhánh CEP, Ngân hàng Đông Á. Qua đó, không chỉ xây dựng hình ảnh của tổ chức Công đoàn, tạo được niềm tin trong công nhân mà còn giúp người lao động an tâm để gia tăng sản xuất.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biêys, từ giai đoạn dịch COVID-19 đến giữa tháng 8/2022, đã xử lý gần 350 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa hoặc có hành vi khủng bố tinh thần liên quan đến hoạt động “tín dụng đen.”
Phòng Cảnh sát Hình sự-Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 120 vụ việc có liên quan đến "tín dụng đen", trong đó Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan hoạt động “tín dụng đen,” đòi nợ thuê.
Các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 10 vụ với hàng chục bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Hiện Công an Thành phố đang phối hợp điều tra, xác minh đối với hàng chục vụ việc hoạt động “tín dụng đen” với nhiều tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau…
Để ngăn chặn nạn “tín dụng đen,” Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn, Công an sẽ tham mưu với chính quyền địa phương có kế hoạch khảo sát những hộ nghèo có nhu cầu vay vốn; tăng cường phối hợp với các cấp ngành, mặt trận và các đoàn thể vận động người dân nói không với “tín dụng đen.” Đồng thời, công an thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan hoạt động "tín dụng đen."
Ông Lê Mạnh Hà đề xuất đơn giản hóa thủ tục cho vay để người dân có thể tiếp cận các nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính chính thống của công nhân, người lao động hoặc thành lập các quỹ cho vay hỗ trợ người nghèo của từng xã, phường, thị trấn gắn với chính sách giải quyết việc làm cho người lao động.
Thêm nhiều nguồn vốn an toàn
Ghi nhận tại Tổ chức tài chính vi mô (CEP) trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều chương trình cho công nhân, người lao động vay vốn. Khi có nhu cầu, người vay có thể đăng ký qua app CEP hoặc liên hệ với Công đoàn cơ sở tại đơn vị. Cụm trưởng CEP ngay tại khu phố, ấp hoặc liên hệ trực tiếp các chi nhánh CEP sẽ được hướng dẫn cụ thể và giải quyết cho vay sớm nhất có thể.
Theo ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP, để góp phần hạn chế "tín dụng đen," CEP luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp người vay dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và hoàn trả vốn vay nhanh nhất. Trong đó, chương trình phối hợp với các Công đoàn cơ sở để phục vụ đoàn viên, công nhân, người lao động vay ngay tại nơi làm việc, thủ tục hồ sơ đơn giản, lãi suất và cách hoàn trả phù hợp với nguồn thu nhập của công nhân, người lao động.
Tùy gói tín dụng người vay chọn, nhưng lãi suất vay chỉ dao động từ 0,4%-0,68%/tháng, tức bình quân 4,8-8,16%/năm. “CEP đã đẩy mạnh "tín dụng tận ngõ, tận tay, tận nơi làm việc", lập điểm giao dịch ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để người lao động dễ tiếp cận. CEP tạo điều kiện để khách hàng biết đến mọi hoạt động, thủ tục hồ sơ đơn giản, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi…" ông Hoàng Văn Thành thông tin.
CEP đã và đang tiếp tục thực hiện rất nhiều chương trình “CEP chia sẻ yêu thương - Cùng công nhân và người lao động vượt khó do COVID-19;” hỗ trợ các hộ gia đình nghèo vay vốn từ CEP có người thân mất do dịch, người lao động nghèo; trao tặng bảo hiểm y tế, học bổng; xây dựng sửa chữa nhà…
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng bình quân 19,3%/năm; các chương trình tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân 22%/năm đã ngăn chặn phần nào “tín dụng đen.”
Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai như cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, thuê mua và tạo lập nhà ở… với lãi suất ưu đãi đã góp phần hạn chế “tín dụng đen.”
Để tạo thêm nguồn vốn an toàn, thủ tục đơn giản, đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động, Ngân hàng Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi khảo sát với Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Các công ty tài chính thuộc hai ngân hàng này sẽ bố trí nguồn vốn 20.000 tỷ đồng cho công nhân, người lao động vay với lãi suất bằng 50% lãi suất hiện hành.
Công ty tài chính Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) được giao triển khai gói vay tiêu dùng cho công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đơn vị này đang gấp rút phối hợp cùng các cơ quan chức năng và các tỉnh, thành phố cùng với doanh nghiệp địa phương để triển khai gói vay ưu đãi này tới người lao động trong thời gian tới.
Cùng với hoạt động của các tổ chức tín dụng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động hàng ngàn tỷ đồng từ mọi nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tiền điện… hướng đến giảm nghèo bền vững, trong đó, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi hơn 1.500 tỷ đồng; giải ngân cho hơn 4.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn nghèo với tổng số tiền hơn 216 tỷ đồng; tổng dư nợ của hơn 36.200 hộ này là 1.400 tỷ đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình chăm lo hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần cho các hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc tại địa phương, trong đó có phòng, chống, tố giác tội phạm, các tổ chức “tín dụng đen,” cho vay nặng lãi qua các hình thức thôn tin, thông báo, tin nhắn qua group, zalo.