Tuy nhiên, hiện nay nếu sử dụng hết chức năng, người sử dụng thẻ ATM gánh đến 20-25 loại phí dịch vụ. Đã vậy, các NH đang điều chỉnh tăng phí và mới nhất là muốn tăng phí rút tiền mặt đối với các giao dịch rút tiền ATM nội mạng.
NHNN 2 lần tuýt còi
Cuối tuần trước, 4 NH lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Cụ thể, từ ngày 15-7, mức phí này sẽ được điều chỉnh tăng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng, đã gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Đáng nói cách đây 2 tháng, NHNN đã “tuýt còi” khi các NHTM nói trên dự kiến tăng phí này. Cụ thể hồi tháng 5, Agribank dự kiến tăng phí rút tiền nội mạng từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch, cộng thêm thuế VAT chủ thẻ phải trả phí 1.650 đồng mỗi lần rút tiền từ ngày 12-5.
Các NH có quyền tự chủ tăng phí trong mức quy định nhưng việc tăng phí phải dựa trên nguyên tắc minh bạch thông tin, hài hòa lợi ích các bên, tạo sự đồng thuận, chia sẻ của người sử dụng dịch vụ cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ. Đồng thời, các NH cần giải thích rõ cho chủ thẻ mức phí thế nào là phù hợp, và khi nhận được sự đồng thuận của khách hàng mới tiến hành tăng phí. |
Theo lý giải của các NH này, việc tăng phí được dự kiến từ lâu và nay khả năng gánh vác chi phí đến mức độ giới hạn nên mới thực hiện. NHNN cho phép mức trần 3.300 đồng/giao dịch, nhưng các NH chỉ duy trì 1.100 đồng/giao dịch. Việc tăng thêm phí cũng vẫn nằm dưới trần quy định và tăng thêm vài trăm đồng trên mỗi giao dịch chỉ bù đắp được phần nhỏ giao dịch, trong khi NH phải đầu tư máy móc, dự trữ tiếp quỹ, vận hành, vận chuyển tiền... với chi phí rất lớn. Hơn nữa, việc này còn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về việc 4 NH lớn chiếm đến 80% thị phần thẻ nội địa dự định tăng phí từ ngày 15-7 tới, đã vấp phải sự phản ứng của khách hàng. Nguyên nhân vì thẻ ATM đã gánh chịu nhiều loại phí và phí liên tục tăng trong khi chất lượng của nhiều máy ATM rất kém. Vì thế, ngày 10-7, NHNN lại một lần nữa yêu cầu các NHTM chưa tăng phí rút tiền ATM nội mạng.
Theo đó, Vietcombank đã chính thức phát đi thông báo chưa triển khai cập nhật biểu phí dịch vụ thẻ từ ngày 15-7. Được biết, hiện nay phí rút tiền ATM tại Vietcombank cao nhất trên thị trường, trong khi một số NHTM khác như VPBank, MB, VIB, SHB, TPBank, Techcombank... đang áp dụng chính sách miễn phí khi rút tại các ATM cùng hệ thống.
Tăng phí ATM chủ yếu đánh vào túi tiền công nhân, người thu nhập thấp là bất hợp lý.
Tăng phí chưa hợp lý
Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang là một vấn đề cần được thúc đẩy, nhưng tăng phí ATM để giảm dùng tiền mặt chỉ là cái cớ để thu phí của các NH. Một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ NH nói riêng, có những tác động tích cực đối với sự phát triển của kinh tế xã hội và sự phát triển của các NHTM. Thông qua hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, NH có thể huy động vốn dồi dào hơn, nguồn vốn ổn định hơn với chi phí thấp hơn, từ đó tạo điều kiện để NH có lãi suất cho vay thấp hơn.
Song để tạo điều kiện cho các chủ thẻ sử dụng thẻ thường xuyên hơn, NHNN cũng đưa ra 2 giải pháp. Thứ nhất, các NH cần đảm bảo lợi ích của chủ thẻ khi sử dụng thẻ. Cụ thể, khi sử dụng thẻ, chủ thẻ mua hàng hóa dịch vụ được giảm giá hoặc có những lợi thế nào đó khi thanh toán thẻ trong quá trình mua bán hàng hóa dịch vụ.
Thứ hai, các NH nâng cao cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại để đảm bảo chất lượng thẻ, việc phát hành thẻ, sử dụng thẻ được an toàn, hạn chế rủi ro, từ đó giúp chủ thẻ yên tâm trong việc sử dụng thẻ. Nếu 2 giải pháp đó được NH triển khai có hiệu quả, những thẻ ít sử dụng hoặc không sử dụng sẽ được hạn chế, qua đó thúc đẩy việc sử dụng thẻ hiệu quả hơn. Điều này đồng nghĩa với với việc không cần phải tăng phí mới thúc đẩy thanh toán thẻ phát triển.
Phó giám đốc chi nhánh của một NHTMCP, chia sẻ hiện nay các NH sẵn sàng bắt tay với doanh nghiệp (DN) lớn để cho vay lãi suất thấp. Ngược lại, DN đó sẽ chọn NH thực hiện nghiệp vụ trả lương qua thẻ. Với hàng chục ngàn lao động trong 1 DN lớn, NH sẽ thu được mức phí rất lớn từ việc sử dụng thẻ của lượng khách hàng này. Được biết hiện nay có nhiều trường hợp, chỉ cần DN có số lượng nhân viên 400-500 người trở lên ký hợp đồng chi hộ lương, NH sẵn sàng đầu tư 1 máy ATM phục vụ ngay tại DN đó.
Điều này cho thấy lợi ích từ việc phát hành thẻ và sử dụng thẻ ATM đối với các NH vẫn rất lớn. Còn nếu các NH quyết tăng phí rút tiền ATM nội mạng trong thời gian tới, những người có thu nhập thấp, cụ thể là giới công nhân sẽ là đối tượng đóng góp nhiều nhất cho NH. Bởi theo quan sát của ĐTTC, sau khi nhận lương, công nhân thường thực hiện 2 lần giao dịch để có thể rút hết tất cả khoản tiền trong tài khoản.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, mặc dù hệ thống ATM tạo ra chi phí cho các NH, nhưng ngược lại các NH cũng có lợi vì đã tận dụng được khoản tiền duy trì tài khoản. Bởi tiền trong tài khoản ATM áp dụng lãi suất không kỳ hạn, trong khi NH có thể dùng tiền đó để cho vay với lãi suất cao hơn. Ngoài ra, đầu tư máy ATM giúp NH giảm bớt được chi phí hơn so với chi nhánh hay phòng giao dịch có nhân viên. Vì những lý do đó, các NH chỉ nên thu những loại phí cơ bản như phí chuyển khoản, phí rút tiền ATM khác hệ thống, thay vì thu phí tràn lan hay tính toán tăng phí rút tiền ATM nội mạng.