PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về động thái nới room tín dụng hồi đầu tháng 12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 1,5-2%, khi có ý kiến cho rằng việc nới room thời điểm cuối năm không còn nhiều ý nghĩa?
TS. CẤN VĂN LỰC: - Việc NHNN tiếp tục cấp 1,5-2% tăng trưởng tín dụng, về cơ bản nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, không làm tăng thêm lượng tiền. Có 3 lý do khiến NHNN đưa ra quyết định nới room tín dụng vào thời điểm này. Thứ nhất, áp lực từ bên ngoài như các chỉ số về lạm phát, tỷ giá… đã giảm, đồng USD trong tháng 11 đã mất giá khoảng 3,5%. Thứ hai, chỉ số lạm phát đã được kiểm soát tương đối tốt, theo dự báo năm nay chỉ khoảng 3,3%. Thứ ba, áp lực về tăng tỷ giá đã giảm nhiệt so với giai đoạn trước đó, tính thanh khoản của hệ thống NH đã được cải thiện, người dân đã bắt đầu gửi tiền vào NH nhiều hơn so với giai đoạn trước.
Thêm vào đó, nhu cầu về vốn của thị trường gồm cả người dân (tiêu dùng) và doanh nghiệp - DN (sản xuất) vào dịp cuối năm rất lớn, việc cấp thêm tín dụng sẽ đáp ứng về thanh khoản, về vốn để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh của DN. Do đó, việc tăng trưởng tín dụng lúc này rất cần thiết.
Vấn đề đặt ra, sau khi nới room tín dụng dòng vốn sẽ đổ vào lĩnh vực ưu tiên nào? Hiện nay nhiều hồ sơ tín dụng vẫn đang nằm chờ, lượng khách hàng cần vốn rất lớn. Nên với việc nới room, lượng vốn tín dụng tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng được cấp ra, khả năng hấp thụ sẽ rất lớn và chủ yếu đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Bởi hiện nay không tổ chức tín dụng nào muốn dùng số tiền đó để cho vay mang tính chất đầu cơ, vì những thách thức và rủi ro năm tới tương đối cao.
Một vấn đề nữa dư luận quan tâm là việc nới room có tác động đến lạm phát hay không? Thực tế, với lượng tiền cấp ra thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng không phải quá lớn so với khối lượng tiền khổng lồ đầu tư toàn xã hội. Khả năng hấp thụ vốn hiện nay trên thị trường được đánh giá tương đối tốt, cộng với chỉ số lạm phát năm nay được kiểm soát, sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến lạm phát và các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô. Năm tới, áp lực lạm phát được dự báo tăng cao hơn, ở mức 4-4,5% chấp nhận được.
- Thời gian qua các DN bất động sản (BĐS) “khát vốn” do tín dụng siết chặt với lĩnh vực này. Nhiều ý kiến lo ngại BĐS sẽ rơi vào suy thoái. Ý kiến của ông như thế nào?
- Để đánh giá thị trường BĐS, theo tôi nên đánh giá lại tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính. Dù vấn đề suy thoái đang xâm nhập vào những thị trường, trong đó có BĐS, nhưng thị trường Việt Nam sẽ không thể suy thoái. Năm 2022, Việt Nam đã tăng trưởng 8% và đang được dự báo 6% trong năm 2023, và chúng ta đã có các bước điều chỉnh rất cần thiết. Hơn nữa, Việt Nam với mức tăng trưởng 6% là rất cao so với các nền kinh tế khu vực khác. Đáng lưu ý, Việt Nam chỉ có giảm tốc độ về tăng trưởng chứ khó suy thoái. Đối với thị trường BĐS trong giai đoạn tới có nhiều ý kiến nói đang rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, trong quý IV năm nay so với các tháng đầu năm nếu giảm liên tục mới tạm thời gọi là suy thoái kỹ thuật, đúng hơn là suy giảm. Đây là quá trình vận hành thị trường để đi vào phát triển lành mạnh hơn.
Theo đánh giá chung, nền kinh tế thế giới hiện đang phục hồi khá tốt khi tăng trưởng 6% trong năm 2021, năm 2022 đà tăng có phần giảm nhưng đã nhích lên khoảng 3%. Theo dự báo, năm 2023 vẫn sẽ suy thoái nhẹ, mức tăng trưởng chỉ 2,3-2,5%. Tuy nhiên, tình hình lạm phát đã tăng khá mạnh trong năm nay trên 8,5%, nhưng sẽ hạ nhiệt dần vào 2023 và sẽ giảm dần xuống chỉ còn khoảng 6,5%.
Trong giai đoạn từ nay đến 2023 sẽ xuất hiện một số rủi ro, thách thức, có thể gọi tắt là “4 tăng 2 giảm”. 4 tăng bao gồm những yếu tố bất định tăng, lạm phát tăng, lãi suất huy động cũng tăng, rủi ro về tài chính tăng. 2 giảm bao gồm giảm biên độ lợi nhuận của DN, giảm quá trình phục hồi kinh tế hay suy thoái kinh tế nhẹ vào năm 2023. Đây cũng là lúc xuất hiện các xu hướng dịch chuyển nhanh như các hoạt động kinh tế số, lĩnh vực tài chính xanh, hay chuyển đổi năng lượng và BĐS xanh…
- 2023 được dự báo có nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Năm 2023, kinh tế trong nước được dự báo thị trường tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi trở lại. Năm 2022, GDP cả nước đạt khoảng 8%, nhưng năm 2023 dự báo thấp hơn, khoảng 6%. Quá trình hồi phục tốt sẽ diễn ra trong năm 2023, dù vẫn có chút gập ghềnh do cả bên trong lẫn bên ngoài. Với bên ngoài, trong năm 2023 sẽ tiếp tục suy thoái, nhưng suy thoái nhẹ và ngắn. Mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,5%, giảm 0,5% so với 2022, là mức giảm rất nhẹ. Riêng đối với những nước phát triển ở châu Á, tỷ lệ lạm phát đỉnh rơi vào khoảng 4%/năm. Vậy nên, trong năm 2023 Việt Nam vẫn đang ở mức 4%/năm, là mức chung đối với các nước châu Á.
Nhìn chung, các nền kinh tế châu Á đang phải chứng kiến 3 “cú sốc” tài chính mang theo nhiều yếu tố rủi ro: (i) nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, kéo theo hệ lụy làm giảm tổng cầu, khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 1 điểm % trong năm 2023; (ii) suy thoái nhẹ toàn cầu khiến giảm tổng cầu về du lịch, mua sắm, dệt may; (iii) điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn, kéo theo nhiều rủi ro hơn và lợi suất tăng. 3 tác nhân này khiến kinh tế châu Á giảm khoảng 1 điểm %. Riêng kinh tế Việt Nam sẽ bị giảm gần 2% điểm. Do đó, phải hành động ngay lúc này để giảm bớt tác động tiêu cực. Phải tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế và DN.
- Xin cảm ơn ông.
Năm 2023 kinh tế châu Á dự kiến giảm khoảng 1 điểm %. Riêng kinh tế Việt Nam sẽ bị giảm gần 2% điểm. Do đó, phải hành động ngay lúc này để giảm bớt tác động tiêu cực. Phải tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế và DN. |