Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm (2011-2015); phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm tới đạt 6,5-7%/năm, riêng năm 2016 đạt 6,7%. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh nội dung này.
Phóng viên: - Ông có đánh giá như thế nào về bản báo cáo tình hình kinh tế-xã hội mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp lần này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Thứ nhất, bản báo cáo này rất nghiêm túc, nghiêm khắc, thẳng thắn và không né tránh những vấn đề gay gắt đang đặt ra hiện nay. Thứ hai, đánh giá này không chỉ nhìn về quá khứ, mà đánh giá cả triển vọng, lòng tin khá rõ, mặc dù thách thức rất lớn.
- Mục tiêu tổng quát trong năm 2016 và 5 năm tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm tới đạt 6,5-7%/năm, riêng năm 2016 đạt 6,7%. Vậy đâu là những tín hiệu khả quan để Chính phủ đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng?
- Những năm qua là giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất từ khi cải cách và tốc độ tăng trưởng chung khá thấp. Hai năm gần đây, phục hồi tăng trưởng vững vàng, đi liền với ổn định cũng chắc chắn. Trong 2-3 năm nay, lạm phát xuống thấp và giữ được ở mức quá thấp. Đây là một cơ sở có thể nhận định phục hồi tăng trưởng có khả năng vững chắc, mặc dù có nhiều yếu tố để nói rằng phục hồi tăng trưởng có phần mong manh.
Nhưng xét trong tương quan tổng thể, việc dự báo hay đặt ra mục tiêu cho năm 2016 và 5 năm tiếp theo cao hơn 5 năm vừa qua là rất có cơ sở. Có một yếu tố quan trọng là chúng ta đang nỗ lực chuyển sang một nhịp là hội nhập mạnh hơn rất nhiều, đẳng cấp cao hơn rất nhiều.
Và khi nhìn nhịp hội nhập thì thấy một bối cảnh phát triển cho giai đoạn mới là khác xa. Chúng ta đều biết tất cả đều phải có cả cơ hội và thách thức, cơ hội lớn thì thách thức càng lớn. Thậm chí chúng ta có thể hiểu, cơ hội lớn có thể chuyển thành thách thức lớn nếu chúng ta không biết tận dụng.
Khi đó, nhìn ở góc độ cơ hội, Việt Nam có thể có khả năng bùng nổ nếu chúng ta đáp ứng được cơ hội hội nhập. Hiện nay, chúng ta đang quyết tâm hội nhập nên dự báo tăng trưởng theo quyết tâm đó là làm được. Thế giới nói chung kỳ vọng, khi Việt Nam được hút vào quỹ đạo này sẽ trở thành toạ độ tăng trưởng rất hấp dẫn của thế giới.
Đơn cử như các chuyên gia nhận định, tham gia TPP, Việt Nam có cơ hội được hưởng lợi và tăng trưởng nhiều nhất. Đến năm 2020, GDP có thể tăng thêm 20-30 tỉ USD, tuỳ thuộc nhiều điều kiện. TPP mở ra cơ hội và tạo ra niềm tin để chúng ta tin rằng tăng trưởng cao hơn.
- Hiện tại, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được ở một số lĩnh vực và sắp tới, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, một loạt thỏa thuận thương mại tự do đã và sẽ được ký kết. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong sân chơi chung như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp yếu thế… Mục tiêu tăng trưởng trên liệu có bị cản trở bởi những thách thức này?
- Nhìn dài hạn, Việt Nam đang có một số lĩnh vực theo kiểu “hai bàn tay ta làm nên tất cả/có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Tức là chúng ta chỉ có tài nguyên và hai bàn tay, còn công nghệ và chất lượng chưa được mạnh. Trong khi đó, quốc tế đang hướng tới cạnh tranh bằng năng suất, bằng hiệu quả, công nghệ, mà Việt Nam thì đang yếu vấn đề này.
Hơn nữa, cơ cấu doanh nghiệp của chúng ta hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu, nếu không để doanh nghiệp vào, Nhà nước hỗ trợ, thì không thể cạnh tranh được. Vì tài trí nông dân chỉ có hạn, nếu không xoay chuyển và tạo cho họ động lực mới thì họ sẽ khó thay đổi.
Mặc dù Nhà nước quan tâm đến nông nghiệp rất lớn nhưng nền nông nghiệp của Việt Nam chỉ đến thế. Nếu doanh nghiệp không vào cùng với nông dân trên nền tảng hỗ trợ của Nhà nước thì nông nghiệp khó mà cạnh tranh được.
Doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ khu vực tư nhân yếu. Số doanh nghiệp thực sự mạnh, cạnh tranh được trên thế giới là không nhiều và chỉ là những doanh nghiệp mạnh ở lĩnh vực tài chính, bất động sản...
- Số doanh nghiệp thành lập hay giải thể sẽ thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, với số liệu trong báo cáo Thủ tướng nêu, ông đánh giá điều này sẽ tác động ra sao đến mục tiêu tăng trưởng?
- Có lẽ doanh nghiệp trong mấy năm vừa rồi đóng cửa nhiều, thể hiện năng lực đối mặt với hệ thống thị trường hoàn chỉnh, cạnh tranh đầy đủ của ta vẫn yếu. Con số thống kê về doanh nghiệp thành lập cũng chỉ đáng tin cậy ở một mức nào đó, vì con số đăng ký chưa phải là con số hoạt động.
Theo tôi, doanh nghiệp của chúng ta rất yếu, yếu từ năng lực tài chính, sức cạnh tranh, tầm nhìn… Chúng ta phải có chương trình quốc gia mới cho doanh nghiệp Việt Nam và phải đặt nền tảng quốc gia khởi nghiệp, chứ không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp vì đây là trách nhiệm quốc gia, cả phương thức phát triển, để cổ động khởi nghiệp quốc gia.
- Trước những thuận lợi và thách thức, trên góc độ cá nhân, PGS dự báo như thế nào về mục tiêu tăng trưởng cho 5 năm tới?
- Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% là vừa phải. Mặc dù tôi tin có những yếu tố có khả năng bùng nổ tăng trưởng nếu mình tận dụng tốt, đơn cử như đầu tư nước ngoài. Nếu cải cách thể chế trong nước tốt để doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, thì 2 năm sau sẽ có chuyển biến căn bản.
Nếu chúng ta theo logic của Tổ chức Thương mại Thế giới là tăng trưởng cao ngay, nhưng không lo cải cách thể chế thì lúc đó cơ hội sẽ biến thành thách thức, thời cơ biến thành nguy cơ. Chúng ta phải rút ra bài học một cách nghiêm túc. Tôi vẫn kiến nghị với Chính phủ, với Thủ tướng, giai đoạn đầu nên bình tĩnh về tốc độ tăng trưởng. Khi chúng ta có nền tảng tốt thì sẽ có tăng trưởng cao bền vững.
- Xin cảm ơn PGS!