Tăng trưởng không còn đồng đều
Tính đến 30-6, trừ các NH yếu kém và NH bị kiểm soát đặc biệt gồm SCB, Dong A Bank, OceanBank, GPBank và CB, các NHTM còn lại đều đã công bố báo cáo tài chính quý II. Số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có khá nhiều NH đã đạt mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) ấn tượng, trong khi mặt bằng chung vẫn ở mức thấp. Cụ thể, đã có đến 11 nhà băng có mức TTTD trên 10%/năm, trong đó một số nhà băng đã gần chạm đến mục tiêu đề ra trong cả năm.
Chẳng hạn, TTTD của NCB đạt đến 16% trong 6 tháng đầu năm (tương ứng đã cho vay ra 9.000 tỷ đồng), trong khi mục tiêu cho vay khách hàng cả năm dự kiến tăng trưởng 16,27%. LPBank cũng là một điểm sáng trong bức tranh tín dụng khi dư nợ cho vay thị trường 1 đến cuối quý II đạt 317.417 tỷ đồng, tăng 15,23% so với cuối năm 2023.
Hoạt động tín dụng của HDBank cũng ghi nhận kết quả tích cực, nửa đầu năm nay đạt 13,3%. Qua nửa chặng đường 2024, ACB ghi nhận mức TTTD 12,8% so với đầu năm, mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua. Cũng ở mức cao tương đương là MSB, với mức TTTD riêng lẻ đạt 12,41%.
Trong khi đó, TTTD hợp nhất của VPBank tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 10,2%, Nam A Bank 10,69%, VietBank 10,21%, MB 10,2%, KienLong Bank 10,02%, BaoVietBank 9,24%, Eximbank 8%, Sacombank 7%, VietABank 6,86%.
Song bên cạnh đó cũng còn khá nhiều nhà băng có mức TTTD dưới mức tăng trưởng chung của toàn ngành, như PVComBank 5,54%, SHB 5,2%, VIB 4,8%, TPBank 3,98%, PGBank 3,87%, OCB 3,74%, SeABank 3,45%, BVBank 3,15%, BacABank 2,28%, SaigonBank 1,76%. Đáng chú ý, ABBank đã đạt mức TTTD âm trong 6 tháng đầu năm, với mức giảm 7,2%.
Nhóm Big 4 (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) dù vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường về cho vay, với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng tính đến 30-6, chiếm đến 52% tổng thị phần của các NH, nhưng tốc độ TTTD vẫn nằm ở nhóm sau. Trong đó, Vietcombank có mức TTTD cao nhất nhóm đạt 7,75%, kế đến VietinBank 6,7%, BIDV 5,9% và Agribank 2,59%.
Vốn chảy vào đâu?
Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã đạt khoảng hơn 3,08 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ, tăng 6,8% so với cuối năm 2023. Xét về giá trị, tín dụng cho lĩnh vực BĐS đã tăng gần 200.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tăng 190.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1-2024 và tăng 64.000 tỷ đồng so với tháng 5-2024, tương ứng mỗi tháng tăng khoảng 33.000 tỷ đồng.
Tại ACB, trong 6 tháng đầu năm có sự cân bằng ở cả 2 phân khúc cá nhân và doanh nghiệp (DN). Cụ thể, báo cáo cho thấy 2 phân khúc này đều tăng trưởng cao, trên 12% so với đầu năm.
Tại Techcombank, dư nợ tín dụng DN tăng 4,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 7% của dư nợ cá nhân.
Tại VPBank, 2 phân khúc chiến lược cá nhân và DN nhỏ và vừa tiếp tục đóng góp lớn vào TTTD của NH mẹ, với tỷ trọng ở mức 56% và dư nợ tăng ròng hơn 20.000 tỷ đồng. Phân khúc khách hàng cá nhân ghi nhận tăng trưởng dư nợ tập trung ở các sản phẩm cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng. Đồng thời, cho vay mua nhà phố nối tiếp đà tăng từ quý I với tăng trưởng đạt 7%, chiếm tỷ trọng 53% trên tổng danh mục cho vay mua nhà của NH.
Tại LPBank, ngành bán buôn chiếm 1/4 danh mục cho vay, ngành xây dựng chiếm tỷ trọng gần 15%.
Trong khi đó, nhóm NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank tăng trưởng nhanh trong quý II khi điều chỉnh chiến lược, tập trung vào khách hàng FDI và các DN lớn, với tín dụng bán buôn tăng 9,2%, hỗ trợ cho mức tăng trưởng thấp hơn của tín dụng bán lẻ.
Nửa cuối năm liệu có “hanh thông”?
Tín dụng phục hồi trong quý II là điều đáng mừng, nhưng thực tế vui chưa được lâu, ngành NH lại vấp phải khó khăn. Bởi số liệu đến cuối tháng 7 cho thấy, dư nợ tín dụng chỉ tăng 5,66% so cuối năm 2023. Như vậy trong tháng 7, tín dụng đã giảm 0,34%.
Theo NHNN, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Tuy nhiên, với diễn biến tăng trở lại của chi phí huy động vốn, các chuyên gia phân tích thị trường đánh giá cho rằng, lãi suất cho vay đã tạo đáy và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích lên vào cuối năm.
Thực tế, nhóm NH có vốn nhà nước, do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các NHTMCP có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào.
Cùng lúc, nợ xấu lại đang lên cao, “bộ đệm” dự phòng rủi ro của các NH đang bị thu hẹp, trong khi Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024, có thể khiến nhiều khách hàng bị “nhảy” nhóm nợ. Khi đó, lãi suất cho vay phải được điều chỉnh hợp lý để cân đối với rủi ro của khách hàng. Nếu mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên, nhiều khả năng việc tiếp cận tín dụng mới cũng có thể bị hạn chế.
Về phía điều hành, năm nay NHNN đã giao hết toàn bộ hạn mức (room) tín dụng cho các NH ngay từ đầu năm. Hiện tại để giải quyết bài toán TTTD nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhà điều hành đang "mạnh tay" với những NH tăng trưởng thấp.
Cụ thể, NHNN đang áp dụng việc điều hòa tín dụng trong hệ thống, chuyển room từ NH không có nhu cầu sang các NH có khả năng tăng trưởng, để chủ động tạo điều kiện cho những NH có khả năng phát triển tín dụng. NH nào cố tình "ôm" room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng, sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm 2025.
Như vậy, nhà băng nào không nỗ lực hoặc hết cách TTTD không chỉ có lợi nhuận thấp ở thời điểm này mà còn sẽ mất đi cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các DN có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Vậy nên không chỉ điều hòa tín dụng mà câu chuyện làm thế nào để giữ mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ DN, cũng là một bài toán đối với nhà điều hành.