Tăng trưởng tín dụng đạt 1,95%

(ĐTTCO) - Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, số liệu về tăng trưởng tín dụng đầu năm nay chưa có nhiều khả quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu của NHNN, đến ngày 10-5, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tín dụng toàn hệ thống 2 tháng đầu năm giảm so với cuối năm 2023. Đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34%. Từ ngày 29-3 đến 10-5 (42 ngày), tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3.

Trong khi đó mới đây, Thủ tướng chỉ đạo dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của NH, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tăng tín dụng 5-6% ngay trong quý II này.

Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng, trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết từ năm 2023 trở về trước, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng. Nhóm chi nhánh NH nước ngoài được tăng tín dụng theo kiểm soát tín dụng (room tín dụng) tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh NH nước ngoài với quy mô nhỏ được tăng theo kế hoạch tự xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động.

Năm nay, NHNN không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh NH nước ngoài. Tuy nhiên, NHNN tiếp tục giao room tín dụng đối với các tổ chức tín dụng còn lại và sẽ tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp trên.

Dù vậy, theo NHNN, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhận thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là áp lực lạm phát vẫn còn, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của cơ quan này. Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống NH, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

"Khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ NH. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống NH, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản. Với điều kiện kinh tế đặc thù của này, nếu NH tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011", báo cáo nhấn mạnh.

Các tin khác