Năm 2011 đánh dấu sự kiện quan trọng - Đại hội XI của Đảng đã đề ra lộ trình đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.
![]() |
Để thực thực hiện các mục tiêu chiến lược này cần có giải pháp đột phá vào những khâu yếu, đang tạo ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Mặt khác, có hóa giải các điểm yếu này mới giải phóng triệt để sức sản xuất, tạo ra xung lực mới khơi dậy mọi tiềm năng các thành phần kinh tế; tạo ra nguồn lực mới cho công cuộc phát triển.
Ba khâu đột phá đã được xác định, gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng; phát triển nhanh nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Để phát huy mọi nguồn lực đất nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường, nền tảng tài chính kinh tế một số nước tư bản lớn đang đổ vỡ, co thủ, về mặt quan điểm - nhận thức, đã có sự đột phá trong đổi mới tư duy: (i) Chủ trương xuyên suốt trong thời gian tới là tái cơ cấu, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp, minh bạch hoạt động kinh doanh và hiệu quả đầu tư.
(ii) Chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Trong Nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng hàng đầu là xây dựng quy hoạch phát triển; tạo môi trường và điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế... Đây có thể nói là những vấn đề trọng yếu trong khâu đột phá cải cách về thể chế.
Những ngày cuối năm, giới doanh nhân nước ta còn hồ hởi đón nhận tin vui. Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Quan điểm của Đảng thể hiện rõ: “Doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.
Nghị quyết nêu rõ: Bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước.
Mục tiêu là xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội; hoạt động có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao để tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp đạt thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.
Có thể nói những chủ trương, quan điểm lớn nêu trên sẽ tạo lực đột phá, giải phóng sức sản xuất, phát huy mọi tiềm năng trong xã hội, khơi gợi tính tự chủ, sáng tạo của mỗi con người, mỗi doanh nghiệp nhằm mục tiêu phát triển, đưa đất nước tiến tới phồn vinh.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy biến động với những đặc điểm rất khác: Khoa học công nghệ phát triển vũ bão đã hình thành nền kinh tế tri thức. Sự phát triển một đất nước không còn dựa vào nền tảng tài nguyên thiên nhiên, các nguồn năng lượng không tái tạo, số đông về lực lượng lao động...
Toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cạnh tranh quyết liệt đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia phải dành ưu thế, xác định chỗ đứng của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vai trò nguồn lực con người ngày càng quan trọng, cụ thể là nguồn nhân lực chất lượng cao - lợi thế cạnh tranh động và là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nước ta có bước phát triển đột phá về nguồn nhân lực? Để tạo sự chuyển biến về chất nền kinh tế, vai trò dẫn dắt của Nhà nước là cực kỳ quan trọng (trong việc tạo ra môi trường, thể chế kinh doanh thuận lợi) nhưng sự vào cuộc, tính xung kích của lực lượng doanh nhân là yếu tố quyết định.
Trước nhất, mỗi doanh nghiệp phải tự cải cách, đổi mới quản trị điều hành, nâng cao nguồn nhân lực tại chính đơn vị mới có thể đóng góp cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng vận hành nhanh, hiệu quả trong thực tế.
Năm 2012 có nhiều cảnh báo không thuận từ diễn biến kinh tế - chính trị thế giới và các yếu kém nội tại nền kinh tế trong nước chưa được hóa giải hiệu quả. Nhưng không vì thế mà ta thụ động bi quan, đón mùa xuân mới kém vui.
Đường lối mới, quan điểm mới, nhận thức mới... đã định vị rõ ràng, vấn đề là thực thi đúng, kiên quyết để biến chủ trương thành hiện thực cuộc sống. Lịch sử nhân loại và đời sống mỗi con người thường phải đối đầu với khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, an hòa.
Nhưng lịch sử vẫn đi lên, nhân loại vẫn thăng hoa, tồn tại kiêu hãnh. Vấn đề là xác định cách ứng biến, có bản lĩnh tìm lối thoát để tiến bước mỗi khi có biến, biến điều bất thường thành bình thường.