Đề án đặt người dân làm trung tâm của đô thị, được hiểu là người dân sẽ có chất lượng tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát và xây dựng TP. Để đạt được mục tiêu này cần rất nhiều yếu tố, trong đó công nghệ thông tin là nền tảng.
Lấy người dân làm trọng tâm
TPHCM xác định xây dựng ĐTTM là một hướng phát triển cùng với 7 chương trình đột phá, nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân...
Các mục tiêu này sẽ phục vụ 3 đối tượng chính của ĐTTM. Đó là chính quyền TP. Theo đó, ĐTTM sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.
Trong xu thế phát triển công nghệ theo hướng kết nối và tương tác, nhiều công nghệ chủ đạo của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành công cụ chủ yếu của ĐTTM. Nhu cầu sử dụng các thiết bị tự động và có tương tác với con người trong các lĩnh vực: an ninh, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục... ngày càng tăng. Vì thế, xây dựng ĐTTM là một quá trình liên tục, mang tính chất “mở”. |
Đồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích, cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng ĐTTM TPHCM ngày càng bền vững.
ĐTTM ưu tiên tập trung, bám sát các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá đã được Thành ủy và UBND TPHCM xây dựng kế hoạch thực hiện, cùng những lĩnh vực có vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của người dân.
Cụ thể như cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, vấn đề giao thông, chống ngập, môi trường, y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự an toàn xã hội, chỉnh trang đô thị.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về tài chính; giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân; giải pháp về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như chương trình truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người dân tham gia vận hành ĐTTM; chương trình tuyển dụng, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và đội ngũ kỹ thuật của TP để triển khai và vận hành ĐTTM.
Cần hội đủ 6 nhóm yếu tố
Cần hội đủ 6 nhóm yếu tố
Các đô thị dù là hiện đại hay chưa, dù là thông minh hay chưa, đều phải có hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ, bao gồm 6 nhóm chủ yếu: Quy hoạch bền vững; hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện; điện - năng lượng - chiếu sáng, cấp - thoát nước đầy đủ và ổn định; viễn thông - thông tin liên lạc thông suốt; hệ thống các dịch vụ như hành chính công, y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh…; hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện, ít ô nhiễm.
Thí dụ, trong ĐTTM, chúng ta có những thông tin cơ bản mà người dân “bấm” là có và sẵn sàng trả tiền như điện, nước, thu gom rác… Bên cạnh đó có 2 nhóm môi trường cơ bản cần cho sự vận hành ĐTTM. Một là môi trường công nghệ, chủ yếu là giải quyết vấn đề kết nối. Việc này giải quyết không khó khăn. Hai là môi trường xã hội. Đây là vấn đề rất phức tạp cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện.
Tôi xin nêu thí dụ: Kiến tạo hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, tức xây dựng nguồn lực thông tin. Ở đây cũng có 2 nhóm công việc chủ yếu. Hãy hình dung, việc này giống như xây một cái chợ thông tin với rất nhiều loại hàng hóa. Việc thứ nhất là xây chợ, một khu chợ đầu mối về thông tin, việc này các công ty phần mềm có thể làm được. Việc thứ hai khó hơn, tốn kém hơn về mọi mặt là tích tụ “hàng hóa thông tin” sẽ được mua - bán qua chợ.
Vì thế, để tháo gỡ vấn đề này, ngay từ bây giờ cần chế tạo những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng dùng được chúng để có được thông tin cơ bản một cách dễ dàng. Điều nhiều người hay nói đến là các thiết bị cá nhân thông minh, chẳng hạn các điện thoại thông minh khá phổ biến nhưng còn chưa thật dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Một phần vì giá, nhưng phần khác có lẽ quan trọng hơn là quá nhiều chủng loại và sử dụng không đơn giản cho số đông người dân.
Ứng dụng y tế thông minh
Ứng dụng y tế thông minh
Với xu thế công nghệ mới, điện toán đám mây, mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT)…, lượng dữ liệu tạo ra ngày càng tăng với tốc độ rất nhanh. Xuất phát từ nhiều nguồn, đa dạng về hình thức (cấu trúc, phi cấu trúc…), khối lượng lớn, tăng trưởng nhanh, tập dữ liệu này chứa đựng bên trong nó các thông tin và tri thức có giá trị.
Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác dữ liệu này hiện chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả trong phạm vi nội bộ ngành, lĩnh vực, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ hoạt động, hỗ trợ ra quyết định.
Với góc nhìn tổng thể, thông tin phục vụ quản lý và giá trị tri thức phát hiện được sẽ càng lớn khi các nguồn được tích hợp và kết nối phù hợp, áp dụng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Do đó, việc nghiên cứu phát triển và xây dựng mô hình để quản lý và phân tích các loại dữ liệu này nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp, từ đó đưa ra các quyết định tốt nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, tăng chất lượng cuộc sống cho người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Đơn cử như hướng tiếp cận xây dựng hệ thống y tế thông minh, trước tiên là xây dựng bệnh viện thông minh, gồm các dịch vụ thông minh như đặt lịch khám trực tuyến, ứng dụng xếp hàng thông minh cho hoạt động khám, xét nghiệm, xem báo cáo xét nghiệm cận lâm sàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra còn chăm sóc sức khỏe từ xa, các hệ thống dùng sinh trắc học, chia sẻ thông tin khám chữa bệnh và cuối cùng là chăm sóc sức khỏe chủ động và thông minh.