Tại các TTCK phát triển, mức độ tham gia của NĐT tổ chức vào khoảng 70-80%, NĐT cá nhân vào khoảng 20-30%. Còn tại TTCK Việt Nam thì ngược lại, ảnh hưởng của NĐT tổ chức mới vào khoảng 20-30%, phần còn lại thuộc về NĐT cá nhân.
Tăng cường sản phẩm mới
![]() |
Những diễn biến trên TTCK Việt Nam hiện tại có nhiều nét tương đồng với một số thời điểm của TTCK Hàn Quốc trước đây. Việc Nhà nước đang tích cực tiến hành IPO các doanh nghiệp nhà nước giống với Hàn Quốc cách đây 25 năm, còn quá trình tái cơ cấu hoạt động các ngân hàng lại giống khoảng 10-15 năm trước. Riêng sự phát triển các quỹ mở tại Hàn Quốc 5-10 năm trước cũng giống với Việt Nam bây giờ…
Hầu hết các biến cố đều tạo ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt và theo hướng tích cực cho thị trường. Tôi lấy thí dụ cách đây 20 năm, quy trình thanh toán mua/bán chứng khoán tại Hàn Quốc cũng là T+3 như Việt Nam hiện nay. NĐT tại Hàn Quốc khi đó cũng mua vào/bán ra CP, cũng có lợi nhuận, thua lỗ, nhưng thị trường hầu hết đi ngang, không định hình một xu thế rõ ràng.
Chỉ đến khi cơ quan quản lý TTCK Hàn Quốc bắt đầu những bước cải cách mạnh về thanh toán bù trừ, thời gian thanh toán được rút ngắn hơn, đã thu hút nhiều NĐT giao dịch, thanh khoản tăng và thị trường hình thành một xu hướng tích cực.
Hiện nay Việt Nam còn rất nhiều doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn, khả năng tăng trưởng dài hạn và cả những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh hay, hiệu quả. Đây chính là những “mỏ vàng” thu hút dòng vốn của NĐT nước ngoài, nhất là NĐT tổ chức. Vậy nên, chỉ cần những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho NĐT, dòng vốn tổ chức sẽ được lưu thông đều đặn, gia tăng. Đây chính là thước đo quan trọng cho sự phát triển của TTCK. |
Cách đây 7-8 năm, TTCK chỉ có hơn 100 CP niêm yết. Một tổ chức đầu tư thông thường khi mua CP sẽ đưa ra rất nhiều tiêu chí để lựa chọn, nhưng khi đó chỉ thỏa mãn một vài tiêu chí. Vậy nên việc đầu tư là vô cùng khó khăn và một vài trường hợp đã không thành công.
Nhưng hiện nay thì khác, chúng ta đang có 700 CP niêm yết, số lượng quỹ tham gia thị trường đang tăng, dẫn đến hàng hóa tăng, thanh khoản tăng và các tổ chức có nhiều sự lựa chọn. TTCK Việt Nam trong khoảng 2 năm qua đã thu hút rất nhiều NĐT nước ngoài, các tổ chức đầu tư. Nhưng hiện tồn tại một vấn đề, là mặc dù sự quan tâm rất lớn nhưng số tiền tham gia lại chưa tương xứng với sự quan tâm đó.
Có khá nhiều nguyên nhân, nhưng đặc biệt chú ý đến 2 vấn đề: Thứ nhất, mức độ minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa cao. Chẳng hạn như việc công bố báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp vẫn thường xuyên bị trễ cũng như thông tin chưa được nhất quán.
Thứ hai, thị trường vẫn thiếu sản phẩm, chứng khoán phái sinh. Trong khi NĐT nước ngoài vốn đã quen sử dụng những công cụ này tại thị trường của họ, nhằm đa dạng hóa danh mục, phòng ngừa rủi ro, nay vào Việt Nam lại chỉ có thể mua hoặc bán CP có thể khiến họ cảm thấy bị trói tay, trói chân.
Tôi nghĩ rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm mới để có thể vừa thu hút cả sự quan tâm cũng như dòng tiền của NĐT nước ngoài.
Kiểm soát rủi ro công cụ
Vấn đề TTCK là cận biên (frontier) hay mới nổi (emerging) hoặc thanh khoản còn thấp không quan trọng bằng việc có thể đảm bảo quyền lợi cho NĐT. Khi NĐT nước ngoài cảm thấy yên tâm khi tham gia TTCK Việt Nam, họ có thể rót một số vốn lớn, và tham gia đầu tư dài hạn. Điều này cũng minh chứng cho diễn biến của TTCK Việt Nam về dài hạn và thu hút những dòng tiền khác.
Theo quan điểm của tôi, nếu các sản phẩm cũng như các quy định trên TTCK làm thỏa mãn tối đa các NĐT, khiến họ cảm thấy rủi ro tham gia ở mức thấp, họ sẽ tự tin giải ngân và hạn chế được việc cứ bỏ vốn hôm nay vài ngày sau lại thấp thỏm và có ý định rút vốn.
Tôi xin lấy thí dụ về mô hình quỹ mở. Mặc dù việc NĐT có thể góp tiền vào quỹ hay rút tiền bất cứ lúc nào là một lợi thế của quỹ mở, nhưng nhiều khi đây cũng là rủi ro cực lớn. Chẳng hạn, nếu TTCK có diễn biến xấu, hay NĐT lo ngại gì đó mà đồng loạt rút tiền khỏi quỹ mở, sẽ tạo ra áp lực bán rất lớn.
Nếu quỹ không thể bán ngay chứng khoán để trả tiền thì sẽ phải vay tiền từ ngân hàng để thanh toán, từ đây lại có thể đẩy lãi suất ngắn hạn lên cao, tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ. Muốn tránh những điều này, quỹ mở phải có hệ thống kiểm soát rủi ro cũng như tư vấn, chia sẻ thông tin thật tốt.
Tại Hàn Quốc, rất hiếm có trường hợp quỹ mở xin cấp phép lần đầu tiên mà có được giấy phép. Lý do là vì cơ quan quản lý thường yêu cầu các quỹ phải thực hiện thật chi tiết về điều lệ quỹ, đặc biệt trong các vấn đề đảm bảo quyền lợi NĐT và cả những biện pháp chế tài.
Chẳng hạn thời gian từ khi NĐT yêu cầu bán lại chứng chỉ quỹ mở đến khi rút được tiền về là bao nhiêu ngày, nếu trả tiền cho NĐT không đúng hạn sẽ bị phạt ra sao? Rồi còn cả việc quỹ tư vấn cho NĐT về thông tin, về thời điểm đầu tư cũng phải minh bạch, chính xác, nếu sai lệch sẽ bị phạt nặng.
Một thí dụ khác là một số tiêu chí đầu tư của các quỹ Hàn Quốc cũng phải được cơ quan quản lý chấp thuận rồi quỹ mới có thể giải ngân. Chẳng hạn, nếu một quỹ muốn đầu tư ra nước ngoài mà lại đầu tư vào CP chưa niêm yết (OTC), cơ quan quản lý sẽ đánh giá rủi ro của thị trường OTC đó ra sao.
Nếu thị trường OTC có biến động giá quá lớn, không rõ ràng, thiếu minh bạch, nhiều khả năng quỹ này sẽ không được cấp phép. Những giải pháp này đều hướng đến việc bảo vệ tiền cho các NĐT.