LTS: Năm 2011, diễn biến phức tạp của kinh tế trong nước và thế giới đặt đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đang được đặt ra như nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2012 và những năm tiếp theo, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Thìn 2012, phóng viên Báo Đầu tư Tài chính đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vấn đề này.
![]() |
PHÓNG VIÊN: - Kính thưa Chủ tịch nước, Chủ tịch nhận định thế nào về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng?
Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: - 2011 là một năm biến động hết sức phức tạp của thế giới cả về chính trị và kinh tế, vì vậy nước ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ: chính trị tiếp tục ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường; các vấn đề phức tạp về chủ quyền trên đất liền, trên biển và hải đảo được tăng cường giải quyết bằng các giải pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, được dư luận quốc tế ủng hộ.
Trên lĩnh vực kinh tế, lạm phát bước đầu đã được kiềm chế mặc dù còn ở mức cao; kinh tế vĩ mô có chuyển biến tích cực; tăng trưởng GDP đạt xấp xỉ 6%...
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao đã làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là người nghèo gặp rất nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện rất quyết liệt để giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Khó khăn vẫn còn nhiều nhưng những kết quả đạt được trong điều kiện hết sức khó khăn vừa qua là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để đất nước tiếp tục phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo.
- Thưa Chủ tịch nước, Việt Nam đang bắt đầu tiếp cận một giai đoạn phát triển kinh tế mới với nội hàm và không gian rộng mở hơn trước rất nhiều. Chúng ta cần phải làm gì để mở đầu cho giai đoạn phát triển mới này?
![]() ![]() |
- Chính sách đối ngoại đúng đắn ngày càng tạo thêm môi trường quốc tế thuận lợi cho việc phát triển đất nước, nhưng yếu tố nội lực vẫn mang tính quyết định.
Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước trên thế giới, cần hoàn thiện thể chế kinh tế tạo môi trường thông thoáng, hết sức thuận lợi để thu hút thật tốt các nguồn lực từ bên ngoài.
Đảng và Nhà nước ta đang triển khai chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang dần phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao.
- Chủ tịch nước vừa đề cập tới vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Đây có phải là nhiệm vụ chính được đặt ra trong năm 2012?
- Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã quyết định trong 5 năm tới việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Hiện nay, các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực trên đang được tích cực xây dựng để trình các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, nhưng chủ trương tái cơ cấu không phải là vấn đề đơn giản, phải làm hết sức cẩn trọng. Đây chính là vấn đề sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực để phát triển đất nước theo hướng hiệu quả, bền vững.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa cho phép chúng ta chậm chạp, trì trệ khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn lực của đất nước cần phải sớm chuyển từ những lĩnh vực kém hiệu quả sang lĩnh vực có hiệu quả, từ những lĩnh vực có năng lực cạnh tranh yếu kém sang lĩnh vực thực sự phát huy được sức mạnh cạnh tranh.
Đây là một trong những nhiệm vụ chính của năm 2012 và những năm tiếp theo mà toàn Đảng, toàn dân ta đang phải tập trung thực hiện.
- Thưa Chủ tịch nước, dự báo trong năm 2012 nền kinh tế nước ta tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước sẽ đi theo hướng nào để giúp người dân cải thiện đời sống và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
![]() |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng thông xe hầm Thủ Thiêm (vượt sông Sài Gòn) |
- Hiện nay, kinh tế vĩ mô của nước ta còn có những yếu kém, năm 2012 cần phải tập trung để giải quyết. Theo đó, dứt khoát phải kiềm chế lạm phát ở mức còn một con số và đến năm 2015 lạm phát ở mức 5-6%. Bên cạnh đó, các cân đối vĩ mô khác như thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, dự trữ ngoại tệ, tỷ lệ nợ công... cũng cần được củng cố.
Có như vậy mới tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển một cách bền vững, thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hơn. Đó cũng chính là con đường để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách trong năm 2011 chính là nhằm thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục cho miễn giảm thuế một số đối tượng và đang nỗ lực để giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Lạm phát phải hạ mới giảm được lãi suất. Gốc của vấn đề vẫn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế.
- Xin cảm ơn Chủ tịch nước. Kính chúc Chủ tịch nước cùng gia đình một mùa xuân mới an khang, hạnh phúc.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2012 - Tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức khoảng 6-6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Nhập siêu khoảng 11-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. - Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. - Tạo khoảng 1,6 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt đạt 46%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng ở các huyện nghèo giảm 4%. - Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2011-2015 - Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6,5-7%. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5-35% GDP. Nhập siêu giảm dần từ năm 2012 và phấn đấu dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015. - Bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (đã cộng phần vốn trái phiếu chính phủ). Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. - Số lao động được tạo việc làm 8 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. - Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%. Các giải pháp, nhiệm vụ chính - Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. - Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất - nhập khẩu... kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm. Ưu tiên sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước để giảm bội chi, tăng trả nợ hoặc giảm vay nợ. Kiểm soát chặt chẽ và giảm tối đa nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. - Quốc hội thông qua 9 định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Một trong các giải pháp quan trọng là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng gồm: Cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nguồn: Website Chính phủ |