Hoạt động đầu tư ngân hàng

Tạo nền tảng kinh doanh bài bản

Khi cửa cho vay bị hạn chế do chính sách siết chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát của NHNN, nhiều NHTM năm nay đặt kỳ vọng vào nguồn thu lợi nhuận từ hoạt động đầu TƯ và kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, khả năng tìm kiếm lợi nhuận khó đạt kỳ vọng mong muốn.

Khi cửa cho vay bị hạn chế do chính sách siết chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát của NHNN, nhiều NHTM năm nay đặt kỳ vọng vào nguồn thu lợi nhuận từ hoạt động đầu TƯ và kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, khả năng tìm kiếm lợi nhuận khó đạt kỳ vọng mong muốn.

Cửa nào cũng khó!

2010 là một năm thất thu trong hoạt động đầu tư của các NHTM trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và suy giảm của thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, khác với năm 2008 và 2009, năm 2010 hầu hết NHTM đã chuyển hướng danh mục đầu tư từ cổ phiếu, chứng khoán sang trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu của tổ chức tín dụng cũng như các giấy tờ có giá khác. Điều này là tất yếu khi TTCK diễn biến bất thường, nhiều tổ chức, cá nhân tiếp tục thua lỗ trong đầu tư cổ phiếu, trong đó không ít ngân hàng phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán với số tiền không nhỏ.

Hoạt động đầu tư ngân hàng hiện nay phải chấp nhận làm ăn bài bản, căn cơ. Ảnh: M. TRÂM

Hoạt động đầu tư ngân hàng hiện nay phải chấp nhận làm ăn bài bản, căn cơ. Ảnh: M. TRÂM

Nhưng khi tập trung đầu tư vào giấy tờ có giá là TPCP, các NHTM cũng khó kiếm lãi lớn từ nghiệp vụ này vì lãi suất TPCP năm 2010 thường xuyên thấp hơn so với lãi suất thực tế của thị trường. Việc kiếm chênh lệch lãi suất từ kinh doanh TPCP cũng khó hơn khi từ năm ngoái NHNN quản lý chặt chẽ hạn mức cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Hơn nữa, khi các NHTM đều tập trung vào đầu tư TPCP, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận bị chia sẻ, không còn là mảng “ngon ăn” đột biến đối với một số ngân hàng có lợi thế vốn lớn như trước. Nhiều NHTM thừa nhận hoạt động đầu tư TPCP thời gian qua chủ yếu giúp giải quyết thanh khoản hơn là kiếm lợi nhuận cao. Nếu như mảng đầu tư chứng khoán và TPCP chưa đem lại kết quả như mong muốn thì các danh mục đầu tư, góp vốn liên doanh có tính dài hạn ở các NHTM đến nay vẫn chưa đem lại nguồn thu đáng kể. Các NHTM có  hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp tiềm năng hoặc các ngân hàng nhỏ vẫn đang tiếp tục thực hiện nhưng là việc tính kế lâu dài còn trước mắt hoạt động này vẫn chưa mang lại lợi nhuận kỳ vọng.

Phải chấp nhận làm ăn bài bản, căn cơ

Năm nay, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ trình đại hội cổ đông, hầu hết NHTM đều đưa ra mục đích sử dụng nguồn vốn tăng lên vào hoạt động đầu tư như góp vốn, mua cổ phần, liên doanh liên kết, thành lập công ty… bên cạnh việc đầu tư tài sản cố định, công nghệ ngân hàng. Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đầu tư và dịch vụ nhằm nâng tỷ lệ nguồn thu từ mảng này lên 10-15% trong tổng thu nhập. Theo đó, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện đa dạng cổ phiếu, trái phiếu, tối ưu hóa danh mục đầu tư, thành lập các công ty con để khai thác có hiệu quả tài sản của ngân hàng. NamABank có kế hoạch thành lập công ty đầu tư tài chính với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. VietABank đặt ra kế hoạch thành lập công ty con trực thuộc như công ty đầu tư tài chính, công ty kinh doanh và dịch vụ bất động sản. HDBank cho biết sẽ tận dụng nguồn huy động từ thị trường 2 (liên ngân hàng) để đẩy mạnh đầu tư mua TPCP, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng.

Mặc dù khó khăn nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn là một trong những danh mục đầu tư an toàn. Bởi lẽ hiện nay ít ngân hàng dám đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp. Với những ngân hàng có tỷ lệ cổ tức cao, room đầu tư dành cho tổ chức gần như không còn. Nhưng với các ngân hàng nhỏ, nếu đầu tư được cần phải “trường vốn” vì khó có thể thu lợi nhuận cũng như giá trị đầu tư trong ngắn hạn.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết trong tình hình TTCK suy giảm hiện nay ACB sẽ tái cấu trúc danh mục đầu tư, lựa chọn những cổ phiếu tốt và hy vọng từ nay đến năm 2013 ACB sẽ đạt được kết quả xứng đáng từ quá trình đầu tư. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận nhiều thách thức đang đặt ra đối với hoạt động đầu tư của các NHTM cũng như các công ty chứng khoán có chức năng tự doanh. Bởi TTCK và thị trường bất động sản chưa có cơ hội tăng trưởng mạnh do các biện pháp hạn chế bong bóng bất động sản và chứng khoán.

Không chỉ do yếu tố môi trường mà yếu tố pháp lý cũng hạn chế cơ hội đầu tư của các NHTM. Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu năm 2011 quy định mức góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư dự án, tổ chức tín dụng đó. Tổng mức góp vốn không quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của các tổ chức tín dụng. Nếu vượt tỷ lệ đó các NHTM phải có văn bản chấp thuận của NHNN và phải đảm bảo chấp hành các tỷ lệ khác về hoạt động ngân hàng, trong đó có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở xuống. Mới đây NHNN đã đưa ra dự thảo thông tư giới hạn các NHTM góp vốn lẫn nhau, trong đó giới hạn các NHTM góp vốn không quá 2 tổ chức tín dụng và không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng khác. Nếu quy định này ban hành chắc chắn sẽ không ít NHTM phải tính đến việc thoái vốn. Nhiều NHTM quốc doanh và ngân hàng cổ phần cho biết muốn đẩy mạnh đầu tư trong năm nay phải tăng vốn điều lệ để đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) theo quy định Thông tư 13 của NHNN. Năm ngoái để đáp ứng chỉ tiêu này nhiều ngân hàng đã phải tính đến thoái vốn các khoản đầu tư trước đây.

Chủ động ngăn chặn rủi ro

Hoạt động đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu trong ngắn hạn lẫn trung hạn được xem là chưa hiệu quả trong năm nay. Vì thế, một lĩnh vực được khá nhiều NHTM lớn kỳ vọng có thể đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng lợi nhuận là kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng. Ở thị trường này, từ đầu năm đến nay lãi suất luôn ở mức cao 18-20%/năm, do NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chỉ mang tính thời vụ vì các NHTM nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong thanh khoản.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cho thấy rủi ro từ hoạt động đầu tư ngân hàng rất lớn. Hàng loạt ngân hàng đầu tư lớn của Hoa Kỳ phải phá sản, sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình. Vì vậy, việc NHNN có những quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư chéo, đầu tư ngoài ngành là nhằm ngăn chặn kịp thời những đổ vỡ khó lường đối với hệ thống NHTM, gây tác động dây chuyền đến nền kinh tế. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh các NHTM dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường tài chính - tiền tệ.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ

Bên cạnh đó, đầu tháng 5-2011 NHNN đã nâng lãi suất tái cấp vốn lên 14%/năm, tái chiết khấu lên 13%/năm, khiến các NHTM lớn không còn cơ hội đầu tư TPCP rồi đem chiết khấu trên thị trường mở nhằm kiếm vốn rẻ cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Khó khăn nữa là hiện nay mức lãi suất TPCP 12,5%/năm không còn phù hợp với lãi suất thực tế trên thị trường khá cao và lãi suất thị trường mở của NHNN. Những điều trên cho thấy đầu tư TPCP thời điểm này cầm chắc lỗ. Do vậy, kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng cũng khắc nghiệt và thu hẹp hơn. Trong bối cảnh như vậy, tất yếu các NHTM phải tính toán đến hoạt động đầu tư làm sao có lợi nhất. Theo đó, các NHTM sẽ xả hàng những danh mục đầu tư chéo chưa đem lại lợi nhuận cao, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, các NHTM thành lập hàng loạt công ty, từ bất động sản đến đầu tư tài chính. Theo các chuyên gia ngân hàng, điều này là tất yếu vì Luật TCTD quy định các NHTM chỉ được thực hiện các nghiệp vụ như tư vấn tài chính doanh nghiệp, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, mua bán TPCP… Còn các hoạt động như bảo lãnh chứng khoán, tự doanh chứng khoán, môi giới chứng khoán, quản lý và phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư…, các NHTM đều phải thông qua công ty con của mình. Ngay như việc đầu tư kinh doanh bất động sản, các NHTM cũng bị hạn chế.

Theo đó NHTM chỉ đầu tư bất động sản làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay có bảo đảm bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán các NHTM buộc phải thành lập công ty con để thực hiện. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự kiểm soát chặt chẽ việc thành lập và hoạt động của các công ty trực thuộc ngân hàng. Bởi không loại trừ khả năng công ty con là nơi để các NHTM lách các quy định về huy động, cho vay lẫn đầu tư. Thực tế, những năm gần đây không ít công ty con của ngân hàng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn và uy tín thương hiệu của ngân hàng.

Các tin khác