Thu hút đầu tư tư nhân
Việt Nam xếp thứ 79/137 quốc gia về chất lượng CSHT nói chung. Chỉ có 20% hệ thống đường sá Việt Nam được trải nhựa, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Ấn Độ và Indonesia. Các thị trường mới nổi đã áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư phát triển các dự án CSHT bằng chính sách riêng. Bởi PPP thu hút nguồn tài chính tư nhân, giúp chính phủ các nước phát triển tài sản khu vực công không phải chi trả trước những khoản vốn đầu tư lớn.
Sự cần thiết của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phát triển CSHT giúp khai thác tốt hơn các thị trường tài trợ trong nước, bao gồm thị trường ngân hàng và có thể là thị trường tài chính. Chuyên môn, khả năng sáng tạo và công nghệ của khu vực tư nhân giúp chất lượng thiết kế dự án tốt hơn, triển khai đúng tiến độ, giảm toàn bộ chi phí vòng đời dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư cho chính phủ.
Phát triển CSHT rất cần thu hút vốn từ tư nhân qua PPP, nhưng cần minh bạch thông tin và tính pháp lý.
Xét trên toàn cầu, khu vực tư nhân đang có sự quan tâm đáng kể đối với thiết kế CSHT, phát triển, xây dựng, vận hành, bảo trì và sở hữu các tài sản mang lại dòng tiền dự báo được, ổn định và độc quyền. Năm 2018, các công ty đầu tư đã huy động 80-90 tỷ USD trên thị trường tài chính quốc tế nhằm mục tiêu vào CSHT trên toàn cầu (dự kiến năm 2019 hơn 150 tỷ USD).
Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường mới nổi năng động nhất trong ASEAN. Tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm trong những năm gần đây, do tăng trưởng trong xuất khẩu và tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ có nhu cầu đầu tư lên tới 25 tỷ USD/năm vào CSHT bền vững. Vì thế, dựa hoàn toàn vào đầu tư công sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách công.
Đa dạng nguồn tài chính trong nước và quốc tế
Đa dạng nguồn tài chính trong nước và quốc tế
Tuy nhiên, với PPP nhà đầu tư sẽ thận trọng lựa chọn đầu tư vào nơi có môi trường pháp lý vững chắc và có thể ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác đáng tin cậy. Bởi bản chất mô hình PPP nhằm thiết lập các kết quả phù hợp thường dài hạn, dựa trên các thỏa thuận hợp đồng để tối ưu hóa đòn bẩy kinh tế và tài chính của tài sản giữa khu vực công và tư nhân. Với công trình CSHT trong nước, Việt Nam nên đưa ra các chương trình để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế nhằm mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất
Với trong nước, ưu điểm là đồng tiền trả nợ là nội tệ (VNĐ) thu từ phí cung cấp dịch vụ, và không yêu cầu hỗ trợ từ Chính phủ liên quan tới dự trữ ngoại tệ, khả năng chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá. Nhưng thách thức là ít kinh nghiệm trong thẩm định các dự án CSHT để cho vay trên cơ sở không truy đòi; hạn chế cạnh tranh trong các nhà phát triển dự án trong nước có mối quan hệ tốt với ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ đề xuất của họ; các dự án lớn có thể có nhu cầu vay vượt quá khả năng của thị trường trong nước (giới hạn của 1 người vay).
Với nguồn vốn quốc tế, ưu điểm là tiếp cận thị trường cho vay sâu, rộng hơn, có năng lực cho vay các dự án lớn; chi phí tài chính thấp hơn do lãi vay USD thấp hơn; tăng cường năng lực của thị trường trong nước để hỗ trợ phát triển nhiều dự án hơn; tăng tính cạnh tranh từ các nhà đầu tư quốc tế nhằm đem lại hiệu quả đầu tư cao hơn; áp dụng thông lệ quốc tế trong rà soát đặc biệt (các khoản vay) và kỹ thuật chuyên môn, giúp chuyển giao rủi ro tối ưu hơn cho khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, thách thức ở chỗ đồng tiền trả nợ là ngoại tệ, không phải VNĐ thu từ phí cung cấp dịch vụ. Do đó cần hỗ trợ từ Chính phủ về dự trữ ngoại tệ, khả năng chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá; hỗ trợ theo hợp đồng đối với các nghĩa vụ của cơ quan nhà nước ký hợp đồng.
Các hình thức hỗ trợ
Các hình thức hỗ trợ
Những quan tâm của nhà đầu tư về các hình thức hỗ trợ của Chính phủ cho PPP tại Việt Nam nằm ở 3 điểm. Thứ nhất, nghĩa vụ trực tiếp ngắn hạn gồm vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình. Nhà nước cần đưa ra chính sách tiêu chuẩn về sử dụng vốn hỗ trợ xây dựng công trình. Trong đó bao gồm mức vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình tối đa được phép cho dự án; các tiêu chí/điều kiện để dự án được nhận vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình; các nguyên tắc giải ngân để triển khai vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình.
Thứ hai, nghĩa vụ trực tiếp dài hạn, gắn với việc thanh toán cho sự sẵn sàng của dịch vụ (AP) với các chính sách tiêu chuẩn về áp dụng. Trong đó, bao gồm các nguyên tắc cần tuân thủ đối với các dự án sử dụng AP đáp ứng các tiêu chuẩn đã thỏa thuận; hướng dẫn về cấu trúc các hợp đồng PPP theo hình thức AP, đưa ra các thông số kỹ thuật đầu ra rõ ràng và cơ chế điều chỉnh để xác định nghĩa vụ thanh toán.
Thứ ba, nghĩa vụ tiềm tàng, bao gồm các cơ chế hỗ trợ doanh thu và hỗ trợ của Chính phủ theo hợp đồng. Trong đó, chính sách tiêu chuẩn về áp dụng các cơ chế hỗ trợ doanh thu cần đặt ra, như mức độ hỗ trợ rủi ro doanh thu dự kiến (chia sẻ rủi ro từ phía Chính phủ trong trường hợp doanh thu giảm); nghĩa vụ tiềm tàng tối đa cho Chính phủ; các sự kiện cụ thể dẫn tới cơ chế hỗ trợ doanh thu được áp dụng.
Về chính sách tiêu chuẩn áp dụng hỗ trợ của Chính phủ theo hợp đồng cần đề ra tiêu chí điều kiện cần đáp ứng để dự án được nhận hỗ trợ; bản chất của rủi ro được bảo lãnh, như rủi ro cơ quan nhà nước không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, cân đối ngoại tệ, khả năng chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro tỷ giá…
Doanh nghiệp dự án PPP nên được áp dụng chế độ kiểm toán tương tự doanh nghiệp tư nhân, không nên áp dụng yêu cầu kiểm toán như đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án PPP có thể xem xét áp dụng chuẩn mực kế toán IPSAS 32 và IFRIC 12. |