Tạo sức cạnh tranh nông phẩm

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ:

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ:

Tạo sức cạnh tranh nông phẩm

Khi chúng ta hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Hàng hóa nông sản Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với những quốc gia phát triển hơn. Và muốn cạnh tranh được buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa. Đã qua thời sản xuất chạy theo sản lượng, mọi người đều làm theo ý muốn cá nhân của mình. Bây giờ các bên phải cùng nhau làm việc, cùng nhau sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam để có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) đã trình Chính phủ những chương trình KH-CN lớn để hỗ trợ các ngành sản xuất nói chung và nông nghiệp sản xuất ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu là chương trình phát triển sản phẩm quốc gia với 9 sản phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 3 sản phẩm quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp là lúa gạo chất lượng cao, nấm ăn và nấm dược liệu, cá da trơn.

Chúng tôi đầu tư hợp phần KH-CN cho tất cả sản phẩm này theo chuỗi giá trị từ khâu giống cho tới khâu canh tác nuôi trồng, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, chế biến và đưa ra thị trường, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Mỗi khâu như thế trong chuỗi giá trị đều có sự đầu tư của KH-CN. Mục đích làm sao giống phải tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt; quá trình canh tác, nuôi trồng, bảo vệ thực vật phải sử dụng những chế phẩm an toàn; quá trình thu hoạch làm sao giảm thiểu tối đa sự tổn thất; quá trình bảo quản, chế biến cũng phải giữ được chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó mới cung ứng ra thị trường. Vai trò của KH-CN ở đây rất quan trọng, bởi không có khâu nào lại không liên quan đến ứng dụng và tiến bộ của KH-CN để nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi giá trị.

Lâu nay, mối liên kết 4 nhà được nhắc đến rất nhiều nhưng vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Vì vậy, cần thiết tạo ra mối liên kết này thông qua một trường hợp điển hình, nếu thấy thành công thì nhân rộng mô hình. Theo đó, cần nghiên cứu về vai trò của 4 nhà trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay KH-CN dù tiềm lực còn hạn chế nhưng luôn sẵn sàng đồng hành cùng nông dân để mang lại hiệu quả cao nhất như tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và tạo ra những sản phẩm tốt đáp ứng đòi hỏi về an toàn thực phẩm, qua đó để tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tạo sức cạnh tranh nông phẩm ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ban chủ trì hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

 TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM:

HTX - tiền đề tổ chức lại sản xuất

Trong nền kinh tế thị trường người ta hay nói sản xuất cái gì, bao nhiêu và cho ai. Trên lý thuyết là vậy nhưng cần hiểu rằng hơn 10 triệu hộ nông dân phải khởi đầu, phải làm những cái gì người ta có. Trên một mảnh đất, người nông dân trồng các loại cây tùy thích, vì vậy mới có chuyện làm ra không biết bán cho ai, dẫn tới sự bức bách phải chặt bỏ cây đó. Một điều quan trọng nữa, không phải tín hiệu thị trường lúc nào cũng đúng và họ chạy theo tín hiệu đó. Cuối cùng là làm theo phong trào, tác hại rất lớn cho nông dân. Chính vì vậy, vai trò của Nhà nước là phải nhìn xa thị trường, dự báo, định hướng cho nông dân. Hiện chúng ta làm rất kém khâu này. Tôi rất mừng là hiện đang có một số doanh nghiệp lớn đã đi vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao như CTCP Him Lam, Tập đoàn Vingroup và một số doanh nghiệp khác đang có sự thành công trong chuỗi giá trị chăn nuôi bò.

Về công tác quản lý, tôi cảm thấy Nhà nước có mặt ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có, nhưng hiệu quả mang lại rất ít và vai trò rất mờ nhạt. Do đó, để phát triển chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp trước hết cần trụ đỡ của Nhà nước về chính sách và các cơ quan thực thi hiệu quả, thứ đến phải có được “những con sếu đầu đàn”, tức phải có doanh nghiệp và HTX tham gia chuỗi giá trị.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn. Tôi đề nghị nếu doanh nghiệp tích tụ đất bằng cách thuê đất của nông dân, toàn bộ diện tích thuê đó không phải đóng thuế nông nghiệp, còn doanh nghiệp mua lại phải đóng thuế, như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện. Đối với HTX, muốn phát triển phải có ông chủ nhiệm để quản lý và ông này phải hội tụ được 2 yếu tố: có cái đầu của nhà kinh doanh và có trái tim của nhà từ thiện. Thiếu 1 trong 2 chỉ có thể làm nhà từ thiện hoặc làm doanh nghiệp, không thể làm chủ nhiệm HTX được. Đó là tiền đề để tổ chức lại sản xuất.

Các tin khác